Báo Đồng Nai điện tử
En

Nới lỏng giãn cách: Mừng và lo

09:10, 15/10/2021

Đến nay, sau hơn 1 tuần Đồng Nai cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được mở lại theo Chỉ thị 19 của UBND tỉnh, nhịp sống từng bước trở về trạng thái "bình thường mới". Đa phần người dân rất phấn khởi và đồng tình với quyết định "mở cửa" của UBND tỉnh trên tinh thần thích nghi, sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19. 

Đến nay, sau hơn 1 tuần Đồng Nai cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được mở lại theo Chỉ thị 19 của UBND tỉnh, nhịp sống từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”. Đa phần người dân rất phấn khởi và đồng tình với quyết định “mở cửa” của UBND tỉnh trên tinh thần thích nghi, sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19. 

Tổ tuần tra kiểm soát Công an tỉnh vẫn kiểm tra điều kiện ra đường của người dân sau khi nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 19 của UBND tỉnh. Ảnh: Trần Danh
Tổ tuần tra kiểm soát Công an tỉnh vẫn kiểm tra điều kiện ra đường của người dân sau khi nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 19 của UBND tỉnh. Ảnh: Trần Danh

 

* Phấn khởi khi được hoạt động trở lại

Khi biết từ ngày 9-10, người dân được trực tiếp đến hàng quán mua thức ăn, nước uống mang đi, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi. Nhiều quán ăn, điểm bán thực phẩm quy mô nhỏ đã mở bán lại ngay trong sáng 9-10. Riêng với những chuỗi cửa hàng lớn cũng mở cửa trở lại sau 1-2 ngày vì phải dọn dẹp, chuẩn bị nguyên vật liệu…

Bà Nguyễn Thị Lụa, chủ quán phở H.B trên đường Trương Định (thuộc P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Nghe tin được mở cửa buôn bán lại tôi mừng lắm. Mấy tháng nghỉ buôn bán không có thu nhập, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Nay được mở lại, tuy chỉ bán mang về tôi cũng vui. Dịch bệnh vẫn còn tăng nên cứ nới lỏng dần dần. Chúng tôi cũng có thời gian sắp xếp lại bếp, quầy để sau này khi được phục vụ tại chỗ sẽ đảm bảo giãn cách, an toàn cho mọi người”.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Xưởng cà phê (TP.Biên Hòa) cho biết, anh cùng các nhân viên rất vui khi được mở quán trở lại. Để sớm mở cửa, ngay từ ngày 9-10, nhân viên các cửa hàng trong chuỗi đã đến dọn dẹp, bố trí lại bàn ghế trong quán. Khách đến mua mang đi sẽ đứng ngoài cửa, có nhân viên nhận đặt món, giao nước cho khách. Quy trình hoạt động sẽ đảm bảo đúng nguyên tắc 5K.

 

 Một quán cà phê ở P.Bửu Long, TP.Biên Hòa mở cửa phục vụ  khách mang đi đảm bảo hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: Đ.Tùng
Một quán cà phê ở P.Bửu Long, TP.Biên Hòa mở cửa phục vụ khách mang đi đảm bảo hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: Đ.Tùng

 

Nhiều chủ phòng tập thể dục, tiệm cắt tóc, cửa hàng điện thoại, cửa hàng kính mắt… cũng phấn khởi khi các loại hình kinh doanh, dịch vụ này được hoạt động trở lại. Sau 3 tháng tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, tuy thu nhập không có nhưng họ vẫn “gồng gánh”  chi phí mặt bằng, lương hỗ trợ cho nhân viên. Do đó ngay khi tỉnh cho phép mở cửa hoạt động, họ đã nhanh chóng dọn dẹp, sắp xếp lại cơ sở kinh doanh, dịch vụ để đảm bảo các quy định về giãn cách trong phòng, chống dịch bệnh.

Anh B.Q.B., chủ một phòng gym tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay tỷ lệ người tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã tăng cao, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát dần nhưng cũng không thể chủ quan. Do đó anh đã thu dọn bớt các máy móc để đảm bảo khoảng cách đủ cho 10 người tập một lúc theo quy định. Ngoài ra, anh phải dán bảng khuyến cáo người tập không được tụ tập nói chuyện; không để khăn lau, bình nước cá nhân bừa bãi… Đồng thời, các huấn luyện viên cũng kiêm luôn việc xịt khử khuẩn, lau chùi máy tập liên tục trong quá trình hoạt động và sau khi khách ra về.

* Còn nhiều băn khoăn

Ngày 11-10, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Cụ thể, nghị quyết này quy định cụ thể về phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch với 4 mức là nguy cơ thấp (bình thường mới, tương ứng với màu xanh), nguy cơ trung bình (tương ứng với màu vàng), nguy cơ cao (tương ứng với màu cam) và nguy cơ rất cao (tương ứng với màu đỏ).

Đáng chú ý, theo Nghị quyết 128/NQ-CP, ở cả 4 mức độ dịch nêu trên, việc lưu thông hàng hóa (trong và ngoài tỉnh), thi công (dự án, công trình giao thông, xây dựng), trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn luôn được hoạt động. Tuy nhiên, với từng loại hình sẽ được hoạt động bình thường hoặc có thêm các điều kiện phòng dịch của người đứng đầu cơ sở hoặc UBND cấp tỉnh quy định (với mức nguy cơ rất cao).

Về nội dung này, bà N.T.T., tiểu thương chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) cho rằng, việc cho các chợ đi vào hoạt động trở lại là cần thiết góp phần thuận lợi hơn cho người dân khi mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng dịch, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra tiêu chí cụ thể để tiểu thương chúng tôi thực hiện cho đồng nhất. Cụ thể như: quy định làm thêm màn chắn giữa các quầy, để ngăn tiếp xúc gần hoặc định kỳ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho các tiểu thương... Có như vậy mới tránh tình trạng tiểu thương người thực hiện, người không, khiến người dân không an tâm khi đi chợ, tình hình buôn bán lại rơi vào cảnh ế ẩm.

Ngoài ra, người dân cũng rất quan tâm đến chủ trương của tỉnh dự kiến sẽ cho học sinh đi học trở lại từ tháng 11-2021. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho học sinh trở lại trường cần thiết vì hiện nay đa phần phụ huynh đã đi làm trở lại nên không có điều kiện trông coi các con. Nhiều học sinh dùng chung điện thoại với cha mẹ để học trực tuyến. Nay khi cha mẹ đi làm, các em không có thiết bị, không có người kèm cặp khi học tại nhà. Điều này không đảm bảo an toàn cho trẻ, nhất là với học sinh tiểu học mới làm quen với thiết bị điện tử, internet.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn diễn tiến phức tạp, việc cho học sinh quay lại trường cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

 Chị Lê Thị Thu, có con đang học lớp 6 tại một trường THCS của TP.Biên Hòa bày tỏ, hiện nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã được trưng dụng làm cơ sở cách ly y tế tập trung. Do đó, ngành GD-ĐT cùng các ngành chức năng liên quan cần vệ sinh, khử trùng thật sạch sẽ, đảm bảo an toàn phòng dịch. Mặt khác cần có lộ trình trở lại trường cho từng cấp học, để theo dõi tình hình dịch bệnh, không nên cho các trường mở cửa đồng loạt. Đặc biệt phải nhanh chóng triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Có như vậy, phụ huynh mới an tâm khi cho con trở lại trường học.

Đăng Tùng


Chủ tịch UBND P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) ĐỖ THỊ THÙY TRANG:

Thích ứng an toàn với dịch bệnh

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Biên Hòa, lực lượng chức năng của phường tiếp tục phối hợp tổ chức tuần tra, phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến những quy định phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, lực lượng chức năng lưu ý kiểm tra các cơ sở, kinh doanh dịch vụ không đảm bảo quy định phòng dịch, nhất là quy định về đeo khẩu trang và giãn cách.

UBND P.Thống Nhất cũng khuyến cáo mỗi người dân có ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch khi tham gia các hoạt động để thích ứng với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, ngăn ngừa dịch bùng phát trở lại.

Anh VŨ QUỐC KHÁNH (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa):

Nên định kỳ xét nghiệm nhanh Covid-19 cho chủ, nhân viên cơ sở kinh doanh, dịch vụ

Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã được hoạt động trở lại, dù thực hiện nguyên tắc 5K nhưng thực sự khách hàng cũng còn lo ngại khi tiếp xúc với chủ và nhân viên các cơ sở kinh doanh, dịch vụ này.

Vì hằng ngày, họ tiếp xúc với nhiều người, nhất là các dịch vụ cắt tóc, làm đẹp phải tiếp xúc gần với khách, thậm chí có những công đoạn khách phải gỡ khẩu trang mới làm được như: rửa mặt khi gội đầu, cạo râu khi cắt tóc… nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn cao. Do đó, cần thiết có quy định cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc nhân viên tiếp xúc nhiều với khách hàng định kỳ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để sớm phát hiện ca bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng.        

        Đông Hồ (ghi)


 

Tin xem nhiều