Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðơn Dương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

08:10, 15/10/2021

Đơn Dương là huyện cửa ngõ phía Đông của tỉnh Lâm Đồng và cũng là vựa rau lớn nhất của các tỉnh phía Nam. Nhờ triển khai chương trình nông thôn mới (NTM) cách đây hơn 10 năm mà cuộc sống người dân đã có những bước thay đổi đáng kể với đường sá khang trang, nhà cửa kiên cố mọc lên ngày càng nhiều và dân cư đông đúc hơn hẳn so với trước.

Đơn Dương là huyện cửa ngõ phía Đông của tỉnh Lâm Đồng và cũng là vựa rau lớn nhất của các tỉnh phía Nam. Nhờ triển khai chương trình nông thôn mới (NTM) cách đây hơn 10 năm mà cuộc sống người dân đã có những bước thay đổi đáng kể với đường sá khang trang, nhà cửa kiên cố mọc lên ngày càng nhiều và dân cư đông đúc hơn hẳn so với trước.

Trồng hoa trong nhà kính ở xã Ka Đô, H.Đơn Dương mang lại thu nhập cao cho nông dân
Trồng hoa trong nhà kính ở xã Ka Đô, H.Đơn Dương mang lại thu nhập cao cho nông dân

Không có cảnh đô thị hóa quá “nóng” với những nhà máy công nghiệp kéo theo những khu nhà trọ chật chội mà Đơn Dương hôm nay đi lên từ chính thế mạnh vốn có là nông nghiệp để hình thành nên những thôn, làng trù phú…

* Reo vui những con số

Từ ngã ba Phi Nôm trên quốc lộ 20 rẽ vào quốc lộ 27, đi thêm khoảng 5km qua khỏi cầu Bắc Hội là đến địa phận H.Đơn Dương. Nhà cửa hai bên đường dẫn vào thị trấn D’Ran đã san sát, đông đúc hơn so với trước đây và xe cộ đi lại trên quốc lộ 27 qua thị trấn cũng nhộn nhịp hơn.

Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại khu nhà làm việc của UBND huyện. Vì khu nhà đang sửa chữa nên phòng làm việc của lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ban có chút xáo trộn.

Khu nhà làm việc của Huyện ủy trong thập niên 90 của thế kỷ trước, giờ đã được cải tạo, xây dựng thêm một dãy nhà làm nơi làm việc của các ban Đảng nằm ngay phía sau khu liên cơ Huyện ủy - UBND huyện mới. Anh Trần Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện niềm nở tiếp đón và cung cấp cho chúng tôi thông tin khái quát mới nhất về chương trình xây dựng NTM.

Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai) là các huyện được Chính phủ chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu.

Theo anh Hùng Dũng, trong 9 tháng của năm 2021, trên địa bàn huyện có 2 công trình giao thông được triển khai là nâng cấp đường 412 thành đường tỉnh 729 và đường nội thị TT.D’Ran (đều có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng) với tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện đạt 90-95% và tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xã, nội đồng theo kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Về trường học, toàn huyện có 54 trường, trong đó có 15 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 14 trường THCS, 4 trường THPT và 100% trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, 45/54 trường đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,33% - cũng là một mức khá cao so với các huyện đạt chuẩn NTM của cả nước.

Về cơ sở vật chất văn hóa, anh Hùng Dũng cho hay đến nay, 100% số xã đều đạt tiêu chí có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, sân thể thao phục vụ các hoạt động văn hóa - thể thao. Toàn huyện có 8 nhà văn hóa xã đạt chuẩn và 52/105 nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Đơn Dương hiện có một Trung tâm Văn hóa - thể thao cấp huyện, 1 khu du lịch sân Golf, 4 đình làng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh…

Phó chủ tịch UBND huyện Trần Hùng Dũng cho biết, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM trong 9 tháng của năm 2021 lên đến hơn 5.415 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước theo chương trình quốc gia NTM cho các công trình, dự án là 244,9 tỷ đồng và chủ yếu là từ các nguồn vốn tín dụng thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân (5.168 tỷ đồng). Đây cũng là những con số rất lớn mà trước khi về Đơn Dương chúng tôi không hình dung ra.

* Đi lên bằng nông nghiệp công nghệ cao

Theo sự phân công của lãnh đạo UBND huyện, cô Khoan - Phó phòng Kinh tế - hạ tầng huyện hướng dẫn chúng tôi về Ka Đô - một trong 3 xã đang xây dựng NTM kiểu mẫu. Hai vợ chồng cô đều là người dân tộc bản địa Chu Ru, ngoài việc nhà nước họ còn trồng cà phê, bơ trên diện tích hơn 2ha. Hỏi về thu nhập, cô Khoan cười bẽn lẽn cho biết: “Trừ chi phí mỗi năm bọn em thu nhập hơn 100 triệu đồng”. Cùng với thu nhập từ lương, hai vợ chồng có thể lo cho 2 đứa con ăn học và có tích lũy. 

Xen giữa câu chuyện về gia đình là chuyện xây dựng NTM của huyện. Qua cô chúng tôi được biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM vào năm 2015, đến năm 2018 thì huyện lại được chọn thí điểm về NTM kiểu mẫu và Đề án của huyện về xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 3-2019.

Trong hơn 5 năm qua, việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng rau, hoa diễn ra nhanh và trong 9 tháng của năm 2021 người dân đã chuyển đổi 95ha lúa một vụ sang sản xuất rau, thương phẩm. Đến nay, tổng diện tích rau, hoa ứng dụng NNCNC là 11.050ha, chiếm 93,9% diện tích đất canh tác rau, hoa; trong đó, diện tích nhà kính là 320ha, nhà lưới 2.130ha và có đến 8.350ha rau, hoa ngoài nhà kính, nhà lưới áp dụng công nghệ tưới tự động, nhỏ giọt.

Qua phong trào “Nông dân đẩy mạnh thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” gắn với “xây dựng huyện NTM kiểu mẫu” ở Đơn Dương đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh; dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dự kiến, đến cuối năm 2021 số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lên đến 8.600 hộ.

Với nhà vườn Đà Lạt, Đơn Dương trước đây, việc tưới rau, hoa là một trong những công việc tốn thời gian và công sức nhất, đặc biệt là vào mùa nắng nhưng nay công nghệ tưới tự động nhỏ giọt đã giúp ích cho bà con vừa giảm được chi phí nhân công tưới lại vừa tiết kiệm nước, tăng hiệu quả kinh tế.

Và xã Ka Đô là minh chứng sống động cho quá trình đi lên của huyện thuần nông Đơn Dương trong sản xuất rau, hoa thương phẩm theo hướng thông minh giúp người dân nâng cao thu nhập đồng thời kéo các ngành dịch vụ liên quan đến rau, hoa phát triển theo như vận tải, vật tư nông nghiệp, thi công nhà kính… Anh Lưu Hoàng Mẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đô phấn khởi cho hay: “Là một trong những vùng chuyên canh sản xuất rau của huyện với gần 2 ngàn ha gieo trồng với các cây trồng chủ lực gồm cà chua, bắp sú, ớt, su su, dù trong 2 năm qua tình hình dịch bệnh trên cây cà chua làm giảm từ 15-20% năng suất và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thu nhập bình quân đầu người của xã vẫn giữ ở mức 70 triệu đồng/người/năm. Ở Ka Đô ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điểm về ứng dụng NNCNC trong sản xuất rau, hoa”.

Tìm hiểu thêm thì chúng tôi được biết, nếu sản xuất rau, hoa kiểu truyền thống thì doanh thu chỉ đạt 100-200 triệu đồng/ha nhưng nếu áp dụng quy trình NNCNC tưới nhỏ giọt, nhà lưới hoặc nhà kính thì doanh thu lên đến 300-400 triệu đồng/ha/năm và với nhiều mô hình điểm có thể đạt doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm (tùy vào mức độ đầu tư).     

Bên cạnh sản xuất rau, hoa thì bò sữa cũng là ngành kinh tế chủ lực của huyện với tổng đàn bò sữa 16.126 con, tăng 6,3% so với năm 2020; trong đó đàn bò sữa trong dân 11.613 con và đàn bò sữa trong doanh nghiệp là 4.513 con. Nếu trước đây, đã có lần giá sữa quá thấp không đủ chi phí, người nuôi bò đổ tràn ra đường; đàn bò sữa lên xuống thất thường thì trong vài năm gần đây, giá sữa ổn định, được 4 doanh nghiệp thu mua sữa tươi thu mua hết với giá dao động từ 12.000-14.500 đồng/kg tùy theo chất lượng sữa đã mang lại thu nhập khá cho người chăn nuôi nên nhiều hộ đã tái đàn trở lại.

“Một số hộ còn mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi như máy trộn thức ăn TMR, máy vắt sữa góp phần nâng cao chất lượng sữa, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đến nay huyện có 2 xã đã được tỉnh công nhận là vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng NNCNC là Tu Tra và Đạ Ròn” - Phó chủ tịch UBND H.Đơn Dương Trần Hùng Dũng phấn khởi cho biết.    

Văn Phong

Tin xem nhiều