Báo Đồng Nai điện tử
En

Trồng rau rừng trong thành phố

08:10, 01/10/2021

Không ít dân sành ẩm thực dân dã tỏ ra ngạc nhiên khi biết ở thành phố cao nguyên Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) có người trồng được rau bò khai - loại đặc sản rừng nổi tiếng lâu nay chỉ thấy trên vùng cao miền Bắc, nhiều nhất là ở miệt Cao Bằng, Lạng Sơn…

Không ít dân sành ẩm thực dân dã tỏ ra ngạc nhiên khi biết ở thành phố cao nguyên Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) có người trồng được rau bò khai - loại đặc sản rừng nổi tiếng lâu nay chỉ thấy trên vùng cao miền Bắc, nhiều nhất là ở miệt Cao Bằng, Lạng Sơn…

Ông Lại Thế Ái bên vườn rau bò khai
Ông Lại Thế Ái bên vườn rau bò khai. Ảnh: B.Thuận

Rau bò khai còn được biết đến với những tên gọi khá lạ lẫm với người miền xuôi như: dạ hiến, khau hương, phắc hiển (tùy theo từng dân tộc) hoặc dây hương (tên khoa học Erythropalum Scandens blume thuộc họ dây hương) theo cách gọi của người miền núi.

* Trồng thử, ăn… thiệt

Một trong những người trồng rau bò khai đầu tiên và thành công ở Lâm Đồng là ông Lại Thế Ái, năm nay đã 74 tuổi, chủ vườn cây ăn trái ở tổ 6 trên đường Lam Sơn, P.Lộc Sơn (TP.Bảo Lộc).          

Cơ duyên để trồng loại rau rừng này đến với ông cũng thật tình cờ. Năm 2012, biết ông Ái có trình độ thâm canh giỏi, anh Nguyễn Văn Diện - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tìm đến nhà, vận động ông tham gia mô hình trồng rau đặc sản nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Được hướng dẫn kỹ thuật và nhận 200 gốc hom giống của loại cây bò khai, mà lần đầu tiên trong đời ông cũng như mấy hộ nông dân giỏi khác ở Lâm Đồng mới được nghe đến tên, ông Ái chỉ nghĩ “trồng thử cho vui như có thêm một loại rau ăn cho gia đình”.

Vốn là người quê gốc Nam Định - vùng đất nổi tiếng trong nghề trồng cây cảnh - và đã bén duyên với mảnh đất Bảo Lộc này từ năm 1977, nên ông Lại Thế Ái vận dụng tất cả kinh nghiệm canh tác nông nghiệp của mình vào việc trồng và chăm sóc loại rau rừng du nhập từ miền xa còn hết sức mới lạ này.

Biết cây bò khai là loại dây leo phát triển trong tự nhiên bằng tua cuốn, thích bóng râm, ông Ái tiến hành trồng xen trong vườn cây ăn trái để loại rau rừng này được sống trong bóng mát, đất có độ ẩm.

Trồng thử theo cách này, cây bò khai phát triển rất nhanh, cho rất nhiều đọt. Mỗi lần thu hoạch, gia đình ăn không hết, ông Ái đem cho bạn bè, người quen. Ai ăn cũng khen ngon, mặc dù Bảo Lộc là xứ rau. Nếu như đọt su su, đọt bí… xào, luộc, nấu canh rất quen thuộc thì cách chế biến rau bò khai cũng tương tự nhưng món rau mới này cho hương vị ngọt, giòn hơn. Nhiều người ăn thử loại rau lạ đã phát ghiền, nên hăm hở giới thiệu thêm cho người khác biết.

Khi đám rau bò khai của ông Ái cho thu hoạch đến hàng chục ký đọt thì ông phải tìm cách bán ra. Ngay tại trung tâm TP.Bảo Lộc có hai nhà hàng ăn uống đứng ra bao tiêu đặc sản rau bò khai với số lượng mỗi nơi một tuần 10kg. Còn khách quen thì gọi điện thoại đặt mua tại vườn.

Khi thấy nhu cầu tiêu thụ rau bò khai quá lớn, ông Ái muốn mở rộng nhanh diện tích trồng loại cây đang hút hàng này nên đặt mua 1 ngàn cây giống từ Tam Đảo và đầu tư cả hệ thống tưới tự động. Nhưng liên tiếp mấy đợt nhập cây giống bò khai mới đều… chết sạch. Thất bại này làm ông nhụt chí suốt cả 5 năm trời.

Nhưng quyết không bỏ cuộc, ông Ái mày mò nghiên cứu và tập trung vào việc “o bế” lại đám bò khai cũ trồng từ ngày bắt đầu... “khởi nghiệp”. Qua đó ông rút ra được nhiều điều bổ ích. Để hồi sức cho đám rau có biểu hiện cằn cỗi, ông dùng phân gà nở có đặc tính tan chậm và an toàn để bón. Và để cho bò khai ra đọt trong mùa khô, ông tưới nước thường xuyên và tưới thẳng vào gốc cây. Còn để “trẻ hóa” cây bò khai, ông mạnh dạn cắt tỉa sát gốc để cây ra chồi mới.

Đặc biệt hơn, ông Ái đã thực hiện thành công việc nhân giống bò khai bằng hom giống. Tận dụng lợi thế bóng râm của vườn cây ăn trái, ông giâm hom và kích thích cho ra rễ, đến khi cây con cao khoảng 30cm mới đem ra trồng. Trước đó, hố trồng được bón lót phân hữu cơ và sau khi trồng, tưới nhiều nước để cây mau bám rễ. Được 3 tháng, cây cao 50cm thì bấm ngọn để cây đẻ nhánh. Trồng bò khai cỡ 4 tháng là có thu hoạch.

* Trở thành cây trồng cho thu nhập chính

Sau gần 10 năm “lăn lộn” với loài cây lạ và là người đầu tiên ở cao nguyên Lâm Viên trồng thành công cây bò khai với diện tích lớn, ông Lại Thế Ái cho biết: “Thật sự không gì trồng dễ và cho thu nhập tốt như bò khai. Trồng một lần, ăn nhiều năm, cây cũng không đòi hỏi chăm sóc gì khó khăn, như nhà tôi chỉ bỏ phân hữu cơ tháng/lần với lượng rất ít. Giá rau thì rất ổn định, thu nhập rất tốt.”

Trong mùa mưa hiện nay, mỗi tuần vườn rau bò khai của ông Lại Thế Ái cung cấp ra thị trường 2 lần, mỗi lần khoảng 20kg với giá 60 ngàn đồng/kg đọt, chưa kể khách quen mua tại vườn. Mùa khô thì mỗi tuần một lần thu hoạch. Vườn rau đặc sản trong thành phố cao nguyên này còn có một khoản thu không hề nhỏ nữa là tiền bán cây giống.

Ông Lại Thế Ái chia sẻ: “Từ khi nắm được kỹ thuật làm cây giống đến nay, tôi đã cung cấp trên 20 ngàn cây giống cho nhiều khách hàng lớn ở Đắk Lắk, Đắk Nông, H.Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), H.Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Giá bán cây giống bò khai trước đây là 30 ngàn đồng/cây, nay chỉ còn 20 ngàn đồng trong mùa khô và 15 ngàn trong mùa mưa”.

Vậy nên không có gì lạ khi ông Lại Thế Ái cho biết hiện ông đã xác định mấy đám bò khai trồng xen quy ra chưa đến 2 sào đã trở thành loại cây trồng cho thu nhập chính từ mảnh đất 2ha của ông, vốn dĩ trước đây chỉ trồng sầu riêng, bơ, mít.

        Bùi Thuận

Tin xem nhiều