Báo Đồng Nai điện tử
En

Mong ước đầu năm

03:01, 22/01/2022

Trước thềm Tết Nhâm Dần 2022, Báo Đồng Nai cuối tuần ghi nhận được nhiều ý kiến chia sẻ tâm huyết của các cán bộ, nhân dân về sự phấn khởi khi từ những tháng cuối năm 2021 đến nay, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh,...

Trước thềm Tết Nhâm Dần 2022, Báo Đồng Nai cuối tuần ghi nhận được nhiều ý kiến chia sẻ tâm huyết của các cán bộ, nhân dân trong tỉnh về sự phấn khởi khi từ những tháng cuối năm 2021 đến nay, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Đồng Nai nói riêng có nhiều khởi sắc. Đó là những tín hiệu vui, báo hiệu một năm mới 2022 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Vòng xoay Biên Hùng ngay trung tâm TP.Biên Hòa được trang hoàng đón Tết. Ảnh: Đ.Tùng
Vòng xoay Biên Hùng ngay trung tâm TP.Biên Hòa được trang hoàng đón Tết. Ảnh: Đ.Tùng

Các ý kiến cũng gửi gắm hy vọng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, kinh tế - xã hội có sự phát triển đột phá, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc VIÊN HỒNG TIẾN:

Nỗ lực xây dựng thành công huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Sau hơn 30 năm tái lập, H.Xuân Lộc xây dựng và phát triển đạt nhiều kết quả tích cực: kinh tế ổn định, tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức cao, đạt hơn 11%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 68 triệu đồng/người (tăng gấp 30 lần so năm 1991). Xuân Lộc là địa phương cấp huyện đầu tiên cả nước hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới (NTM) với nhiều thành quả tích cực về nông nghiệp công nghệ cao…

H.Xuân Lộc cũng trở thành “thủ phủ” chăn nuôi mới của tỉnh Đồng Nai, đã thành lập 54 HTX, 268 CLB năng suất cao và trên 223 trang trại chăn nuôi. Đời sống của người dân được nâng cao, toàn huyện đến nay không còn hộ nghèo A, tỷ lệ hộ nghèo B chiếm 0,6%. Qua thực tiễn “chung sức xây dựng NTM” đã có nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi, trong đó xuất hiện các cá nhân mệnh danh là: “vua tiêu”, “vua bắp”... được cả nước vinh danh, công nhận...

Đến năm 2018, H.Xuân Lộc được Trung ương chọn là một trong 4 đơn vị làm thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu theo hướng Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Để đạt mục tiêu và phấn đấu hoàn thành chỉ đạo của Trung ương, H.Xuân Lộc luôn nhận thức sâu sắc: “Thành công của ngày hôm nay bắt nguồn từ nỗ lực của ngày hôm qua, và những ước vọng, kết quả của mai sau phụ thuộc vào sự kế thừa, tiếp nối của những suy nghĩ, hành động ngay từ hôm nay”.

Vì vậy, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Xuân Lộc sẽ nỗ lực hơn nữa, bằng khát vọng và ý chí, bằng niềm tin và nghị lực để biến khát vọng, mục tiêu thành hiện thực. Trong đó, tiếp tục huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu đối với nông sản chủ lực của địa phương; tập trung xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn. Xây dựng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thương mại - dịch vụ, cấp nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên... để đạt mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM kiểu mẫu.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa HUỲNH TẤN LỘC:

Tạo bứt phá trong xây dựng diện mạo thành phố

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của người dân, TP.Biên Hòa đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thành phố đã giải ngân 2.400 tỷ đồng vốn đầu tư công, đảm bảo khối lượng công trình xây dựng theo kế hoạch. Người có đất bị thu hồi giải tỏa để phục vụ cho các công trình đầu tư công được nhận bồi thường, hỗ trợ kịp thời. Trong thời điểm toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công trình xây dựng vẫn được triển khai hoàn tất với 14 trường học mới được xây dựng, 2 khu tái định cư được hình thành. Vừa qua, nhiều công trình dự án trọng điểm được khởi công xây dựng như các dự án: xây dựng công viên B5, xây dựng đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh tỉnh Bình Dương và đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh), xây dựng tuyến đường D9 nối đường Võ Thị Sáu và đường Nguyễn Văn Hoa...

Dự kiến, năm 2022, TP.Biên Hòa sẽ khởi công xây dựng 2 dự án hạ tầng giao thông lớn là dự án cầu Thống Nhất và đường ven sông Cái. 2 dự án này khi hoàn thành, sẽ tạo ra sự kết nối giữa trung tâm đô thị Biên Hòa với những khu vực “đất vàng” mà trong tương lai sẽ trở thành những khu vực đô thị mới hiện đại là cù lao Hiệp Hòa và Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Mong rằng, năm 2022 dịch bệnh được đẩy lùi và sớm kết thúc để cuộc sống người dân trở lại bình thường và ngày càng phát triển phồn thịnh hơn. Thông qua các công trình dự án trọng điểm, TP.Biên Hòa sẽ khắc phục được hạn chế về kết nối hạ tầng giao thông, tạo thêm cảnh quan, không gian đô thị... Nhờ đó, diện mạo của thành phố ngày càng xinh đẹp, hiện đại hơn, xứng tầm đô thị loại I.

Vườn Xuân. Ảnh: Lê Hữu Thiết
Vườn Xuân. Ảnh: Lê Hữu Thiết

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Mong dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, học sinh sớm trở lại trường học

Học kỳ 1 của năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, việc học của các khối phải chuyển đổi sang hình thức trực tuyến. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành GD-ĐT nói chung, giáo viên cũng như với học sinh, phụ huynh nói riêng. Nhìn lại năm 2021 còn nhiều trăn trở, băn khoăn, nhưng ngành GD-ĐT tỉnh nhà cũng đạt được những kết quả khả quan về dạy và học trực tuyến. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để ngành GD-ĐT tỉnh nhà thực hiện chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng làm việc với máy tính cho giáo viên và học sinh, bổ sung phương thức giao tiếp và làm việc nhanh chóng, hiện đại hơn trong một xã hội hiện đại, nhằm thích ứng với phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, việc học tại trường vẫn giúp các em phát triển toàn diện hơn, ngoài việc học kiến thức còn trau dồi cho các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, rèn luyện thể chất…

Do đó, trong năm 2022, tôi mong dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát để mọi người, mọi gia đình, người thân, đồng nghiệp, học trò của tôi đều bình an, mạnh khỏe và học sinh có thể trở lại trường theo kế hoạch của ngành GD-ĐT đã đề ra.

Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Đồng Nai ĐÀM ĐỨC CHÍNH:

Mong thu nhập của nhân viên ngành Y tế tốt hơn

Ngành Y tế vừa trải qua một năm thực sự vất vả nhưng cũng rất đáng tự hào khi vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Năm qua, tất cả cán bộ, nhân viên y tế đã gác lại công việc riêng, nỗi lo riêng, không quản ngại ngày đêm lao vào “trận chiến” chống dịch hết sức khó khăn, khốc liệt để bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân.

 Tôi mong rằng, trong năm 2022, dịch bệnh Covid-19 và biến chủng Omicron không chỉ được khống chế, mà còn bị đẩy lùi hoàn toàn; đồng thời những nỗ lực, vất vả của cán bộ, nhân viên trong ngành Y tế sẽ được ghi nhận xứng đáng hơn nữa. Hy vọng, năm  2022, Chính phủ sẽ có điều chỉnh tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề từ 40% lên 100%, đặc biệt là đối với y tế cơ sở và cán bộ dân số. Đó chính là sự bù đắp, động viên và giữ chân nhân viên ngành Y tế công lập tiếp tục gắn bó với công việc của mình.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TaBi Feeder, TP.Biên Hòa) NGÔ THANH BÌNH:

Mong tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển

Trải qua năm 2021 với nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đã nỗ lực để đến giờ này vẫn còn tồn tại và phát triển. Tôi chỉ mong năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát để tập trung vào việc sản xuất, chế tạo các loại máy móc phục vụ thị trường. Các cơ quan chức năng cần ban hành những chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng có thêm nguồn lực để phục hồi, phát triển.

Riêng với TaBi Feeder, chúng tôi mong muốn sẽ được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho ngành công nghiệp hỗ trợ tự động hóa sản xuất được ngày càng phát triển hơn. Chúng tôi đang trong lộ trình mở rộng các chi nhánh ra miền Bắc, miền Trung với mục tiêu khẳng định doanh nghiệp Việt có thể chế tạo được những hệ thống máy móc chất lượng cao, thay thế hàng nhập ngoại, từ đó mở rộng mối quan hệ hợp tác với các công ty trong và ngoài nước.

Để làm được điều này thì các chính sách hỗ trợ, trong đó có xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thị trường từ Nhà nước là rất quan trọng.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trong ảnh: Công nhân thực hiện lắp đặt các thiết bị của trạm xử lý nước thải tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Phạm Tùng
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trong ảnh: Công nhân thực hiện lắp đặt các thiết bị của trạm xử lý nước thải tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Phạm Tùng

Chị PHAN THỊ HỒNG TRÂM, công nhân Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom):

Mong năm mới nhiều sức khỏe, công việc ổn định

Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến công việc bị ảnh hưởng rất nhiều. Công ty nơi tôi làm việc bị gián đoạn sản xuất do giãn cách xã hội, có trường hợp là F0… Thu nhập không ổn định nên đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Cũng may từ những tháng cuối năm 2021 đến nay, dịch bệnh dần được kiểm soát, công ty khôi phục sản xuất, được quay lại làm việc ai cũng vui và ra sức nỗ lực sản xuất, tăng ca để hoàn thành các đơn hàng theo đúng tiến độ.

 Cũng như những người lao động khác, tôi mong muốn năm 2022, dịch bệnh Covid-19 không còn, mọi người có nhiều sức khỏe, công việc và thu nhập ổn định. Đồng Nai là địa bàn có lượng lao động ngoại tỉnh đến làm việc rất nhiều, chỉ mong trong năm mới chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp sẽ được đẩy nhanh tiến độ triển khai để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người lao động.

Ông NGUYỄN VĂN GIÁP, người dân xã Bình Sơn (H.Long Thành):

Mong sân bay Long Thành sớm hoàn thành để đưa đất nước phát triển

Gia đình tôi nằm trong khu vực xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Sau khi được giao đất tái định cư tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, tháng 10-2021, ngôi nhà mới của tôi đã làm xong và gia đình tôi đã chuyển đến sinh sống tại đây. Sau hơn 20 năm thấp thỏm sống trong lo âu vì chờ đợi dự án, đến nay, chúng tôi có được ngôi nhà mới 3 tầng khang trang, an cư lập nghiệp nên rất vui mừng. Sau khi chuyển đến sống ở ngôi nhà mới này, tôi cũng mở cửa hàng buôn bán đồ điện gia dụng để chăm lo cho gia đình.

Là người sống trong vùng dự án, mất hàng chục năm chờ đợi dự án được triển khai, tôi cũng như rất nhiều người dân rất vui mừng khi đầu năm 2021, dự án xây dựng sân bay Long Thành đã chính thức được khởi công. Đây là dự án lớn, quan trọng không chỉ của Đồng Nai mà còn của cả nước. Do đó, tôi cũng rất mong muốn dự án được triển khai, hoàn thành xây dựng đúng kế hoạch đề ra để đưa đất nước phát triển, từ đó đời sống của người dân cũng sẽ ngày càng được nâng cao.

<img alt="Tiết mục " mùa="" xuân="" khát="" vọng"="" do="" các="" nghệ="" sĩ="" nhà="" hát="" thuật="" Đồng="" nai="" livestream="" trong="" chương="" trình="" "xuân="" tết="" dương="" lịch="" 2022.="" Ảnh:="" huy="" anh"="" data-cke-saved-src="http://baodongnai.com.vn/dataimages/202201/original/images2430325_IMG_3012.JPG" src="http://baodongnai.com.vn/dataimages/202201/original/images2430325_IMG_3012.JPG" style="width: 600px; height: 400px;">
Tiết mục "Mùa xuân khát vọng" do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai livestream trong chương trình "Xuân khát vọng" Tết Dương lịch 2022. Ảnh: Huy Anh

Ông ĐINH TIẾN THỊNH, nông dân xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ):

Mong giá nông sản ổn định

Thời gian qua, bà con nông dân phải đối mặt với những khó khăn như giá phân bón tăng, cửa khẩu xuất khẩu nông sản bị ách tắc khiến thu nhập bấp bênh. Thậm chí tại khu vực H.Cẩm Mỹ, nhiều nhà có thói quen nuôi vài chục con dê để tăng gia, bán dịp cuối năm trang trải cuộc sống nhưng năm nay giá dê cũng xuống quá thấp, chúng tôi phải chấp nhận bán lỗ.

Sang năm 2022, tôi mong chờ cơ quan chức năng có thêm các chính sách, định hướng, dự báo ngay từ đầu năm để người nông dân nắm rõ, tự điều chỉnh việc nuôi trồng cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng chính quyền các cấp có các biện pháp để ổn định được giá cả đầu ra cho nông sản, giữ thông suốt các cửa khẩu, giúp hàng hóa, nông sản được thông thương liên tục. Từ đó, bà con mới yên tâm làm ăn, từng bước nâng cao chất lượng sống.

Chị LÊ THỊ ÁNH HOA, người dân xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch):

Mong cầu Cát Lái sớm được xây dựng

H.Nhơn Trạch hiện được kết nối trực tiếp với TP.Thủ Đức (TP.HCM) bằng phà Cát Lái, cư dân hai bên bờ sông thường xuyên qua lại để đi làm, sinh sống, góp phần tạo nên sự phát triển cho các xã gần phà Cát Lái của H.Nhơn Trạch. Tuy nhiên, nếu như sớm có cầu Cát Lái thì việc đi lại, giao thông sẽ còn thuận tiện, nhộn nhịp hơn, H.Nhơn Trạch sẽ có đà phát triển nhiều hơn nữa.

Sang năm 2022, tôi mong chờ cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai và TP.HCM sớm  thống nhất được phương án triển khai xây dựng cầu Cát Lái để kịp khởi công vào cuối năm 2023 như kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, để có thể bắt kịp với sự phát triển mà dự án cầu Cát Lái đem lại, H.Nhơn Trạch cần có hạ tầng phù hợp, đón đầu được sự gia tăng dân số cơ học có thể xảy ra khi cầu Cát Lái hoàn thành. Cụ thể là cần có hệ thống trường học, bệnh viện gần những khu dân cư hiện hữu, những dự án khu dân cư đã hoàn thành…, tránh trường hợp cơ sở vật chất không đáp ứng kịp tốc độc gia tăng dân số trong tương lai.

Nhóm PV (ghi)

Cùng bạn đọc

Bạn đọc đang cầm trên tay số báo Đồng Nai cuối tuần tất niên. Sau số này Báo Đồng Nai cuối tuần nghỉ Tết Nguyên đán. Số tiếp theo báo sẽ ra ngày chủ nhật 13-2-2022. Kính chúc bạn đọc năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.             

ĐNCT

 

Tin xem nhiều