Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Giáo dục vượt sóng, sớm thích ứng

02:01, 22/01/2022

Năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến nhiều lĩnh vực, trong đó có GD-ĐT, bị ảnh hưởng nặng nề và kéo dài. Tuy nhiên, với chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương và phụ huynh, ngành GD-ĐT đang từng bước vượt qua khó khăn, thích ứng với dịch bệnh một cách an toàn và linh hoạt.

Năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến nhiều lĩnh vực, trong đó có GD-ĐT, bị ảnh hưởng nặng nề và kéo dài. Tuy nhiên, với chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương và phụ huynh, ngành GD-ĐT đang từng bước vượt qua khó khăn, thích ứng với dịch bệnh một cách an toàn và linh hoạt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao máy tính bảng cho các em học sinh. Ảnh: C.NGHĨA
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao máy tính bảng cho các em học sinh. Ảnh: C.NGHĨA

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ chia sẻ: “Hai năm sống chung với dịch Covid-19, trải qua nhiều đợt bùng phát dịch bệnh nhưng chưa lần nào những ảnh hưởng của dịch bệnh lại lớn và kéo dài đối với ngành GD-ĐT như đợt thứ tư này. Ngành kỳ vọng với sự chuẩn bị tích cực thời gian qua, bước sang học kỳ 2, hoạt động của ngành sẽ trở lại bình thường, đồng thời tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022”.

Những dấu ấn đặc biệt

Bà Trương Thị Kim Huệ chia sẻ, vào tháng 5-2021 khi toàn ngành đang bước vào những tháng cuối cùng của năm học 2020-2021 thì đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát với ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại TP.Long Khánh. Ngay lập tức, một số trường học TP.Long Khánh phải chuyển sang học trực tuyến, đồng thời ngành phải xây dựng nhiều kế hoạch mới để ứng phó với dịch bệnh. Tiếp đó, dịch bệnh lây lan ra nhiều xã, thị trấn của H.Thống Nhất, rồi nhiều địa phương khác với hàng loạt các ca bệnh khiến ngành phải đẩy nhanh hơn kế hoạch năm học. Sau khi kết thúc năm học 2020-2021, nhiều thầy cô giáo đã lao mình vào cuộc chiến chống Covid-19 đồng hành với các lực lượng tuyến đầu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG cho rằng, dù bị bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành GD-ĐT đã rất nỗ lực trong việc khôi phục hoạt động dạy học trực tiếp. Những nỗ lực của ngành GD-ĐT rất đáng được ghi nhận. Đặc biệt, việc tổ chức thí điểm cho học sinh đi học trở lại khá thành công trong thời gian qua chính là tiền đề quan trọng để ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, học sinh sẽ đồng loạt trở lại trường học tập bình thường, thích ứng an toàn và linh hoạt với Covid-19.

Những khó khăn, thách thức thực sự với ngành khi tổ chức 2 kỳ thi quan trọng nhất trong năm, đó là: kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuẩn bị cho năm học 2021-2022 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10, ngành đã phải triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là tại TP.Biên Hòa, nơi có số lượng hội đồng thi và thí sinh thi cao nhất tỉnh. Những nỗ lực của ngành đã được đền đáp xứng đáng khi kỳ thi tổ chức giữa căng thẳng của dịch đã diễn ra an toàn, không phát sinh trường hợp F0 nào.

Áp lực lớn nhất với ngành GD-ĐT và các địa phương nói chung chính là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 như thế nào cho an toàn, bởi vào thời điểm tháng 7 và 8 dịch bắt đầu bước vào đỉnh điểm.

Tháng 7-2021, Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức cho 30 ngàn thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 1 với áp lực vô cùng lớn. Học sinh được test Covid-19 1 ngày trước kỳ thi để phát hiện F0, đồng thời những thí sinh là F1 và F2 phải dự thi lần 2. Đặc biệt, tại H.Thống Nhất, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên phần lớn học sinh khối 12 của huyện đã phải dừng thi đợt 1 chuyển sang thi đợt 2 vào tháng 8-2021.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT chia sẻ: “Khi bắt tay vào tổ chức 2 kỳ thi, ngành đã phải chịu rất nhiều áp lực, trong đó không ít phụ huynh lo lắng thi cử trong điều kiện dịch bệnh sẽ không an toàn. Có nhiều ý kiến cho rằng nên hủy bỏ 2 kỳ thi này chuyển qua xét tuyển hay đặc cách tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên với sự quyết liệt, bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi thi, sự nỗ lực, cố gắng của học sinh và phụ huynh, cả 2 kỳ thi nói trên đều đã thành công”.

Thích nghi với Covid-19

Những khó khăn của dịch bệnh Covid-19 dường như không ngăn được tinh thần vượt khó trong dạy và học của thầy và trò tại Đồng Nai. Khẩu hiệu “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” đã được ngành trang bị cho tất cả thầy cô và giáo viên trước khi bước vào năm học 2021-2022, một năm học đặc biệt nhất từ trước đến nay khi không có một lễ khai giảng trọn vẹn. Toàn bộ gần 650 ngàn học sinh của tỉnh được chuyển qua hình thức học trực tuyến và học qua truyền hình tại nhà thay vì đến trường. Thách thức nhất với ngành lúc này là sự chủ động thích nghi của cả thầy lẫn trò với hình thức dạy và học mới, đặc biệt là tình trạng thiếu thiết bị học trực tuyến, internet không ổn định, thậm chí có những “vùng lõm” của xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) sóng 3G còn chưa vươn tới.

Học sinh Trường THPT Long Khánh trong ngày trở lại trường vào tháng 11-2021
Học sinh Trường THPT Long Khánh trong ngày trở lại trường vào tháng 11-2021

Ông Võ An Ninh, Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai chia sẻ, nhiều năm tham gia phát hành sách và thiết bị trường học nhưng chưa năm nào đơn vị lại gặp phải trường hợp đặc biệt nhưng với năm học 2021-2022. Những năm học trước khoảng tháng 6 công ty đã bắt đầu chuyển sách về các trường chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, năm nay khi học sinh đã vào năm học mới vẫn còn một lượng lớn sách, nhất là với lớp 1-2 và 6 vẫn còn nằm trong kho vì giãn cách xã hội trong toàn tỉnh. Ngay khi được cho phép hoạt động trở lại, công ty đã khẩn trương đưa sách đến các trường, thầy cô chính là những “cánh tay nối dài” đưa sách tới tận nhà học sinh.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch chia sẻ: “Điều mà chúng tôi lo lắng nhất khi triển khai học trực tuyến chính là có khoảng 30 ngàn em không có thiết bị điện thoại di động, máy tính bảng hay laptop để học. Lúc này rất may mắn Thủ tướng đã phát động chương trình Sóng và máy tính cho em, đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh cũng có thư kêu gọi ủng hộ máy tính, điện thoại cũ và mới cho học sinh nghèo. Sự hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mạnh thường quân là rất lớn, qua đó đã giúp cho các em có được thiết bị học tập”. Nhiều gia đình cũng chắt chiu để sắm thiết bị học cho con. Đến nay, đã có 20 ngàn thiết bị được Sở tiếp nhận và chuyển về các địa phương, đồng thời nhiều địa phương đã triển khai vận động và tiếp nhận được một số lượng tương đối lớn thiết bị để tặng cho học sinh.

Dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch Covid-19 nhưng Đồng Nai đã trở thành một trong những địa phương mạnh dạn và quyết liệt trong việc sớm tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Một số huyện như Trảng Bom, Định Quán, Vĩnh Cửu hay Cẩm Mỹ gần như đã cho học sinh tất cả các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 12 đến trường. Điều đáng mừng là việc dạy trực tiếp tương đối ổn định, không phát sinh ổ dịch trong trường học, hay phải đóng cửa lại trường lớp vì dịch.

Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lê Thị Thu Hà phấn khởi cho biết: “Từ chỗ bối rối chuyện tổ chức cho học sinh trở lại trường, đến nay chúng tôi đã có 100% trường học trở lại học trực tiếp một cách an toàn. Tỷ lệ học sinh trở lại trường trung bình đạt 97% và dự kiến sau Tết sẽ còn cao hơn”.       

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích