Báo Đồng Nai điện tử
En

Trái cây ngoại ngày càng đắt hàng

09:02, 19/02/2022

Thời gian gần đây, số lượng cửa hàng trái cây nhập khẩu trên địa bàn TP.Biên Hòa ngày càng nhiều. Sản phẩm đa dạng, hình thức bắt mắt, trưng bày lịch sự, trái cây ngoại được nhiều người chọn mua dùng và làm quà biếu, tặng.

Thời gian gần đây, số lượng cửa hàng trái cây nhập khẩu trên địa bàn TP.Biên Hòa ngày càng nhiều. Sản phẩm đa dạng, hình thức bắt mắt, trưng bày lịch sự, trái cây ngoại được nhiều người chọn mua dùng và làm quà biếu, tặng.

Chị Trần Thơm, Cửa hàng Thực phẩm sạch Smart Food trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) gói trái cây nhập khẩu cho khách
Chị Trần Thơm, Cửa hàng Thực phẩm sạch Smart Food trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) gói trái cây nhập khẩu cho khách. Ảnh: Ban Mai

Được đánh giá là đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, thế nhưng, sự xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng trái cây nhập cũng đặt ra nhiều vấn đề, từ nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng “ngoại” cho đến câu chuyện về thị phần, thị trường trái cây nội địa.

* Giá cao, vẫn hút hàng

Cửa hàng Cherry Farm đường Phạm Văn Thuận có đầy đủ các loại trái cây nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, New Zealand, Nam Phi, Thái Lan. Loại rẻ nhất là lê Hàn Quốc có giá 160 ngàn đồng/kg và đắt nhất là cherry đỏ có giá 990 ngàn đồng/kg.

Anh Quân, nhân viên tại Cửa hàng Cherry Farm cho biết, sở dĩ cherry đỏ đắt vì loại này chứa nhiều vitamin A tốt cho sức khỏe, chỉ bảo quản được khoảng 1 tháng, ở Việt Nam không có sản phẩm, nên nhiều người chọn mua làm quà biếu.

Cũng theo anh Quân, cùng là cherry đỏ nhưng giá hàng của Mỹ khác hàng Canada, New Zealand. Vào mùa, giá cherry sẽ khác so với nghịch mùa, giá sản phẩm vận chuyển bằng đường biển khác sản phẩm vận chuyển bằng máy bay.

“So với các loại trái cây khác, loại này đắt hơn rất nhiều, song người tiêu dùng vẫn chuộng bởi Việt Nam không có, hình thức đẹp, chất lượng ổn định, tốt với sức khỏe” - anh Quân nói.

Cũng theo anh Quân, thời điểm trước Tết, cherry rất hút hàng, loại đặc biệt có giá hơn 1 triệu đồng/kg. Nếu phối cherry với các loại quả khác, giá gói quà lên đến vài triệu đồng. Vì sản phẩm đắt nên được bảo hành trong 48 giờ. Trường hợp khách không hài lòng, sản phẩm hư hỏng bên trong có thể chụp hình và quay video gửi phản hồi, cửa hàng sẽ đền bù ngay hoặc bù trong lần mua kế tiếp.

Trái cây nhập khẩu ngày càng được nhiều người chọn làm quà biếu tặng
Trái cây nhập khẩu ngày càng được nhiều người chọn làm quà biếu tặng

Chị Trần Thơm, chủ Cửa hàng Thực phẩm sạch Smart Food trên đường Phạm Văn Thuận cho biết, nhu cầu sử dụng các loại trái cây sạch, lạ ngày càng tăng. Chính vì vậy, cửa hàng đã nhập khẩu nhiều loại trái cây tươi, nước ép, quả sấy và hạt dinh dưỡng mà Việt Nam không có hoặc có ít về bán.

“So với vài năm trước, nhu cầu sử dụng trái cây nhập khẩu của người tiêu dùng tăng đáng kể. Cherry, kiwi hay nho đen không còn là thứ xa xỉ với người tiêu dùng ở các đô thị. Người ta có thể bỏ ra một vài triệu đồng mua giỏ trái cây về ăn, đi thăm bệnh, đi thăm nhà, thậm chí sinh nhật bạn. Trái cây nhập khẩu không chỉ ngon, đẹp mà còn đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm sạch của người dùng” - chị Thơm chia sẻ.

Đại diện Cửa hàng Trái cây nhập khẩu Citi Fruits trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho hay, có loại trái cây được vận chuyển bằng kho qua đường biển, có loại đi theo đường hàng không. Tất cả đều được bảo quản trong môi trường lạnh để giữ được độ tươi ngon, có chứng từ rõ ràng.

Cũng theo cửa hàng này, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nhiều loại quả không nhập được nên giá khá đắt, không có hàng bán. Nhưng hiện tại, việc nhập khẩu trái cây đã dễ dàng trở lại. Thông thường, cửa hàng kinh doanh không nhập khẩu trực tiếp mà thông qua các công ty xuất nhập khẩu nông sản. Họ có hệ thống đối tác ở nhiều quốc gia, có kho lạnh để bảo quản sản phẩm, có xe vận chuyển hàng cho khách.

Không chỉ các cửa hàng kinh doanh trực tiếp, số lượng cửa hàng bán trái cây nhập khẩu online cũng ngày càng nhiều. Tại các siêu thị, gian hàng trái cây nhập luôn phong phú chủng loại, giá cả ngày càng rẻ. Vào các đợt khuyến mại, giá mỗi kg táo nhập khẩu chỉ còn khoảng 50 ngàn đồng. Người tiêu dùng dễ dàng tìm, mua các loại trái cây nhập khẩu.

* Cẩn trọng trong lựa chọn

Chị Vân Vân, chủ Cửa hàng Trái cây nhập khẩu Green Fruits trên đường Phạm Văn Thuận cho biết, trái cây nhập khẩu có quanh năm vì thời gian thu hoạch ở mỗi quốc gia khác nhau. Đa phần được vận chuyển bằng đường hàng không nên đảm bảo độ tươi. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên biết mùa thu hoạch loại quả đặc trưng ở mỗi nước. Chẳng hạn mùa nho đen Mỹ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch. Mua nho Mỹ đúng vụ sẽ chọn được quả tươi hơn, giá rẻ hơn so với nghịch mùa. Nên đến các cửa hàng uy tín để được tư vấn, được bảo hành sản phẩm.

Người tiêu dùng chọn mua trái cây nhập khẩu tại một cửa hàng tiện lợi ở TP.Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua trái cây nhập khẩu tại một cửa hàng tiện lợi ở TP.Biên Hòa

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Huệ, P.Trung Dũng cho biết, trái cây nhập khẩu đắt hơn nhiều so với hàng Việt Nam. Chẳng hạn, dưa lưới Nhật Bản khoảng 300 ngàn đồng/kg trong khi hàng Việt Nam khoảng 50 ngàn đồng/kg, thanh long đỏ Việt Nam khoảng 30 ngàn đồng/kg trong khi thanh long vàng của Malaysia 120 ngàn đồng/kg, nho xanh Mỹ hơn 300 ngàn đồng/kg trong khi hàng Ninh Thuận chỉ khoảng 50 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều nguời, bỏ tiền mua “ngoại” cũng xứng đáng vì trái cây nhập khẩu có vị ngọt đậm, mùi thơm, giòn, mọng nước hơn trái cây trong nước. Bảo quản tốt, đóng hộp lịch sự.

Hiện nay việc nhập khẩu và kinh doanh trái cây ngoại khá dễ dàng do ngày càng nhiều mối quan hệ hợp tác, trao đổi hàng hóa nông sản giữa Việt Nam với các nước được thiết lập. Người tiêu dùng cũng nhờ đó dễ dàng mua trái cây đặc sản của các nước với giá rẻ hơn trước. Ở góc độ khác, có ý kiến băn khoăn, trái cây nhập khẩu dù đi đường biển hay đường hàng không cũng không thể nhanh bằng xe ô tô từ miền Tây, miền Trung, Đà Lạt đến miền Nam. Xét về độ tươi chắc chắn hàng nội địa “ăn đứt”, về giá cả chi phí vận chuyển ô tô rẻ hơn nhiều so với máy bay. Về chất lượng, trái cây Việt Nam có chứng nhận GAP, được xuất khẩu đi các quốc gia ngày càng nhiều… Thế nhưng người tiêu dùng vẫn chọn ăn thanh long ngoại có giá 120 ngàn đồng/kg thay vì thanh long đỏ Bình Thuận giá chỉ 30 ngàn đồng/kg,

Việc người tiêu dùng chấp nhận bỏ tiền triệu ra mua trái cây ngoại bởi sản phẩm tươi, ngon, sạch hay chưa có niềm tin đối với trái cây trong nước. Cây chuyện này đặt ra nhiều vấn đề đối với người nông dân và doanh nghiệp. Người làm ra sản phẩm phải thay đổi thói quen sản xuất, chăm chút cho hình thức, chất lượng. Doanh nghiệp thay đổi thói quen bán hàng, thay vì bán xô, bán chục nên đầu tư vào khâu bảo quản, phân phối, đóng gói theo quy cách hàng xuất khẩu nhưng bán cho người tiêu dùng trong nước. Sự thay đổi này sẽ góp phần cải thiện hình ảnh, niềm tin trái cây Việt trong mắt người tiêu dùng, gia tăng thị trường tiêu thụ trong nước, từ đó giảm bớt rủi ro.

Lý giải về thị trường trái cây nhập khẩu ngày càng hút hàng, chị Thơm, chủ Cửa hàng Thực phẩm sạch Smart Food cho rằng, một bộ phận người tiêu dùng suy nghĩ trái cây ngoại đắt vì ngon, sạch và tốt. Điều này không hoàn toàn đúng vì giá cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chi phí vận chuyển, đóng gói, phân phối. Không ít người dùng có tâm lý “sính ngoại” khi mua trái cây biếu tặng.

Ban Mai

Tin xem nhiều