Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm chung của cộng đồng

08:06, 17/06/2022

Không gói gọn trong phạm vi ngành nông - lâm nghiệp như trước, những năm gần đây, phong trào trồng cây xanh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp (DN)...

Không gói gọn trong phạm vi ngành nông - lâm nghiệp như trước, những năm gần đây, phong trào trồng cây xanh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp (DN)...

Công ty Nestlé Việt Nam trồng cây xanh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc
Công ty Nestlé Việt Nam trồng cây xanh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc

Trồng cây xanh góp phần khôi phục hệ sinh thái, bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

* DN tích cực tham gia

Tại lễ phát động Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022 do UBND tỉnh phát động, ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TP.Biên Hòa) cho rằng, các DN ngành chế biến gỗ đã và đang tác động ít nhiều đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống. Ban chấp hành hiệp hội đã yêu cầu các DN rà soát quỹ đất, đảm bảo trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy đạt diện tích tối thiểu theo quy định. Đồng thời, kêu gọi DN tham gia hỗ trợ kinh phí để Sở NN-PTNT mua cây giống cung cấp cho các địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia trồng cây xanh.

Để thực hiện mục tiêu 20 triệu cây xanh, Đồng Nai cần nguồn kinh phí khoảng 607 tỷ đồng, trong đó: kinh phí trồng rừng tập trung (rừng phòng hộ, đặc dụng, ngoài quy hoạch lâm nghiệp) khoảng 292 tỷ đồng; trồng cây lâm nghiệp phân tán (ở trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, khu công cộng) khoảng 75 tỷ đồng; trồng cây khác (cây công nghiệp, cây ăn quả) khoảng 240 tỷ đồng. Kinh phí này được huy động từ 2 nguồn: ngân sách và xã hội hóa.

Về phía Công ty CP Tân Vĩnh Cửu, DN đã làm việc với Sở NN-PTNN về chương trình phát triển chuỗi liên kết vùng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trên địa bàn tỉnh. DN cam kết tài trợ 100% kinh phí để đánh giá chứng chỉ rừng bền vững cho toàn bộ rừng trồng trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người trồng rừng, nâng cao giá trị gỗ theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Đồng Nai.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) cho rằng, biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề toàn cầu, để giải quyết đòi hỏi sự kết hợp tổng thể các nhóm giải pháp mang tính toàn cầu. Trong tháng 6 này, công ty đã tổ chức chương trình trồng rừng Gieo mầm xanh - ươm sự sống. Công ty hỗ trợ 1 ngàn cây gỗ lớn, gỗ quý bản địa và cây làm thức ăn cho động vật hoang dã trồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, hỗ trợ theo dõi, giám sát và chăm sóc cây sau khi trồng. Thông qua hoạt động trồng rừng, hỗ trợ cây xanh DN mong muốn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ công nhân nhân viên, góp phần nhỏ vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tại 2 sự kiện lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ diễn ra ngày 19-5 và Tuần lễ Đồng Nai xanh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới diễn ra ngày 5-6, nhiều DN đã cam kết tham gia trồng cây xanh tại khuôn viên nhà máy, rừng; hỗ trợ cây giống, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh nhằm tái tạo, phục hồi và tái sinh rừng, hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; cải thiện môi trường sản xuất theo hướng giảm phát thải.

* Xã hội hóa hoạt động trồng cây

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn của cả nước. Trước năm 2000, tỉnh đã tiên phong đóng cửa rừng tự nhiên để giữ và phát triển diện tích rừng. Hằng năm, tỉnh duy trì phát động trồng cây, trồng rừng nhằm tăng thêm mảng xanh, cân bằng môi trường sinh thái với công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Theo ông Nguyễn Duy Công, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển hơn 10 ngàn ha rừng, hằng năm, đơn vị tổ chức lễ phát động trồng rừng nhằm khơi dậy ý thức của người dân về trồng cây, trồng rừng. Đồng thời, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc động viên, khuyến khích các hộ dân nhận khoán đất rừng để trồng, chăm sóc cây, trám lại những khoảnh rừng trống, bảo vệ và phát triển môi trường sống tự nhiên.

Sở NN-PTNT cũng kêu gọi các cơ quan, đơn vị duy trì chăm sóc, quản lý, bảo vệ để cây sống và phát triển tốt. Đồng thời, đề nghị các địa phương chủ động nguồn kinh phí và huy động nguồn lực xã hội trồng cây xanh. Sở huy động thêm các nguồn Quỹ: Bảo vệ rừng, Bảo vệ môi trường hỗ trợ kinh phí.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Việc kết hợp trồng cây xanh với thực hiện tiêu chí cảnh quan môi trường là một giải pháp hiệu quả. Giải pháp này là cơ sở để địa phương huy động cơ quan, đơn vị, DN và toàn thể người dân trên địa bàn tham gia trồng và chăm sóc cây xanh.

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều