Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tìm đường vào chuỗi cung ứng

09:07, 01/07/2022

Khi sản xuất phát triển, bước đầu định hình được trên thị trường thì nâng cấp thương hiệu doanh nghiệp (DN) là vấn đề rất quan trọng, trong đó có việc mở rộng quy mô cung ứng hàng hóa, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm và liên kết sản xuất. Thời gian qua, các DN trên địa bàn Đồng Nai đã nỗ lực, từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

Khi sản xuất phát triển, bước đầu định hình được trên thị trường thì nâng cấp thương hiệu doanh nghiệp (DN) là vấn đề rất quan trọng, trong đó có việc mở rộng quy mô cung ứng hàng hóa, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm và liên kết sản xuất. Thời gian qua, các DN trên địa bàn Đồng Nai đã nỗ lực, từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa)
Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Thế

Từ sản xuất các mặt hàng tiêu dùng cho thị trường trong nước đến ngành hàng công nghiệp hỗ trợ, linh kiện sản xuất, cơ hội hợp tác vẫn rất rộng mở nếu DN biết nắm bắt thời cơ và tự nâng cấp mình.

* Đưa hàng hóa tiêu dùng vào siêu thị và kênh bán lẻ

Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) Huỳnh Thị Phượng chia sẻ, trong thời gian qua, công ty đã triển khai đưa các sản phẩm bột ca cao vào các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như: BigC, Co.opmart... Đây là một trong những kênh tiêu thụ, cũng như giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của công ty, nhất là các sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở khu vực đô thị.

Tuy nhiên, để có thể đưa hàng hóa vào các siêu thị và duy trì được lâu dài là điều không dễ. Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên chia sẻ, nhiều sản phẩm trái cây đặc sản của Đồng Nai có chất lượng tốt nhưng trên thực tế lại thiếu các chứng nhận cần thiết về chất lượng để vào được siêu thị như: thông tin truy xuất nguồn gốc, kiểm duyệt hàm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Đối với DN, ngoài việc bán lẻ qua các đại lý trên thị trường thì đưa hàng hóa vào các chuỗi cung ứng hiện đại và quy mô như hệ thống siêu thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trên thực tế, thời gian qua, đơn vị tổ chức nhiều đợt khảo sát, kết nối các mặt hàng nông sản, trái cây của địa phương vào kệ hàng của siêu thị nhưng phần lớn là để quảng bá, giới thiệu. Còn về chuyện tiêu thụ lâu dài vẫn chưa dễ triển khai do vướng mắc trong việc cung ứng dài hơi, đều đặn, đảm bảo số lượng sản phẩm theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm…

Việc kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa địa phương vào các kênh bán lẻ hiện đại muốn đạt được hiệu quả thì rất cần sự đồng bộ từ cả phía DN sản xuất, cung ứng hàng hóa và các đơn vị bán lẻ dưới sự hỗ trợ, kết nối từ phía các sở, ngành liên quan. Việc này cần tính đến các kế hoạch dài hơi, đổi mới các hình thức kết nối cung - cầu để nâng tầm từ giới thiệu, quảng bá sản phẩm lên thành kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững, đạt doanh thu cao cho các sản phẩm địa phương…

Trong khi đó, đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của tỉnh, nhất là các loại nông sản, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, để nâng cao sức cạnh tranh, các DN địa phương cần được đầu tư hơn nữa ở khâu bảo quản, chế biến và đặc biệt là ngày càng đảm bảo các yếu tố và chất lượng, nguồn gốc…

Theo Sở Công thương, trong những tháng đầu năm 2022, Sở đã tổ chức 6 đợt hội nghị kết nối giao thương giữa tổ hợp tác, HTX, tiểu thương với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây với sự tham gia của 343 tiểu thương, tổ hợp tác, HTX và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Chương trình này nằm trong chuyên đề xúc tiến thương mại về nông dân - nông nghiệp - nông thôn theo chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại của tỉnh năm 2022.

Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) chia sẻ, hiện nay số lượng hàng hóa của các loại nông sản ở Đồng Nai chiếm khoảng 50% trong các sạp hàng của chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, có sức cung ứng, tiêu thụ khá ổn định. Trong thời gian tới, để hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ hiệu quả hơn thì cần có thêm các hoạt động kết nối, kế hoạch dài hơi trong việc hỗ trợ, liên kết tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh…

* Tìm đường hợp tác cung cấp linh kiện

Không chỉ trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng mới cần đến việc xây dựng kênh phân phối, chuỗi cung ứng cho người tiêu dùng mà đối với những mặt hàng công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ khác thì vấn đề chen chân vào chuỗi cung ứng cho nhà sản xuất lại càng là đích phấn đấu.

Tại Công ty TNHH Cơ khí chính xác Đức Khang Phát (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) có các đối tác là DN Nhật Bản về sản phẩm nhựa, linh kiện xe hơi, đồ dùng điện công nghiệp, dân dụng. Nguồn khách hàng từ DN Nhật Bản chiếm tới 90% doanh thu hằng năm, 10% còn lại thuộc về các công ty khác và có sự tăng trưởng từ 20-30% mỗi năm. Theo đại diện DN này, hiện đơn vị đang trong quá trình đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất để mang đến những sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các khách hàng tại Việt Nam và Nhật Bản.

Tương tự, đối với Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành), chuyên sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật thì các mặt hàng của DN đã từng bước có sự hợp tác sâu rộng với đối tác nước ngoài.

Theo ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai thì ngay trong những năm đại dịch vừa qua ông cũng đưa vào xưởng sản xuất mới của mình để nâng cấp quy mô DN. Điều quan trọng là hiện nay, công ty đang tham gia vào chương trình chuỗi cung ứng toàn cầu của Bộ Công thương với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Được đứng vào hàng ngũ 25 DN của cả nước ngành Công nghiệp hỗ trợ, trở thành địa chỉ cung ứng sản phẩm chuyên nghiệp cho chuỗi cung ứng thế giới là vinh dự rất lớn.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cung cấp sản phẩm đầu vào cho một số DN Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông Mai Khanh, Giám đốc công ty cho biết dù trải qua thời gian khó khăn vì dịch bệnh song nguồn hàng cung ứng các sản phẩm nhựa kỹ thuật của DN ra thị trường vẫn tăng trưởng đều đặn. Là hàng công nghiệp hỗ trợ nên công ty định hướng xuất khẩu và cung ứng cho các đối tác sản xuất. Thời gian gần đây, ngoài xuất khẩu, công ty mở rộng thị phần trong nước vì nhiều DN Việt, DN nước ngoài tại Việt Nam đã tìm đến đặt hàng với số lượng lớn, đầu ra của công ty khá thuận lợi. Hiện DN này đã có 2 nhà máy sản xuất và tương lai sẽ tiếp tục có sự đầu tư, mở rộng thêm.

Vương Thế - Hoàng Hải

Tin xem nhiều