Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi trẻ Đồng Nai uống nước nhớ nguồn

08:07, 23/07/2022

Chỉ cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh qua những câu chuyện kể của nhân chứng lịch sử, những hình ảnh, tư liệu, hiện vật còn lại tại các bảo tàng, nhà trưng bày… nhưng thế hệ trẻ Đồng Nai cũng đã hiểu được phần nào sự hy sinh của thế hệ đi trước.

Chỉ cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh qua những câu chuyện kể của nhân chứng lịch sử, những hình ảnh, tư liệu, hiện vật còn lại tại các bảo tàng, nhà trưng bày… nhưng thế hệ trẻ Đồng Nai cũng đã hiểu được phần nào sự hy sinh của thế hệ đi trước.

Các em thiếu nhi tham gia phong trào Áo lụa tặng bà do Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức. Ảnh: N.Sơn
Các em thiếu nhi tham gia phong trào Áo lụa tặng bà do Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức. Ảnh: N.Sơn

Phát huy truyền thống Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn, vào các dịp lễ Tết, nhất là đợt kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7), tuổi trẻ Đồng Nai đều tổ chức các hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách...

* Tri ân bằng hành động thiết thực

Một ngày giữa tháng 6, em Ừng Cấp Phương, học sinh lớp 11, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (H.Trảng Bom) theo chân các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện đến thăm và dọn dẹp vệ sinh tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Trảng Bom. Đứng trước những hàng bia mộ liệt sĩ, trong lòng Phương dâng lên bao cảm xúc.

Ngày 24-7, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn Đồng Nai sẽ đồng loạt tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các đài tưởng niệm, đền thời liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, phần mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

“Cái giá của hòa bình, độc lập, tự do là quá lớn. Trong các cuộc kháng chiến, biết bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, biết bao gia đình phải chịu cảnh mất đi người thân, biết bao người lính trở về với cơ thể không còn nguyên vẹn… Vì vậy, cho dù các thế hệ hôm nay có làm được bao nhiêu việc ý nghĩa cũng không thể bù đắp hết những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước” - Phương bộc bạch.

Thấu hiểu được những mất mát, hy sinh của các gia đình liệt sĩ, vào dịp tháng 7 hằng năm, cao điểm là Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, các cấp bộ Đoàn, ĐVTN trên địa bàn tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các gia đình liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Đỗ Minh Thạc, cháu của liệt sĩ Đỗ Văn Anh (ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, mỗi lần có đoàn tới thăm, tặng quà nhân các ngày lễ Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, nhất là Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, ông và các thành viên trong gia đình đều rất cảm kích trước sự quan tâm của các cấp, các ngành. Mỗi lần như vậy, ông thường dặn dò con cháu trong gia đình phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống của ông cha, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với thân nhân gia đình liệt sĩ.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Vàng. Ảnh: N.Sơn
Cán bộ, đoàn viên thanh niên xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Vàng. Ảnh: N.Sơn

Với những bà mẹ Việt Nam anh hùng, mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương trong lòng các mẹ vẫn chưa nguôi ngoai. Chị Nguyễn Võ Ngọc Hòa, Bí thư Đoàn xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cho hay, trên địa bàn xã hiện nay còn Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Vàng (ấp 1, xã Thạnh Phú). Vào các dịp lễ Tết, Đoàn xã thường tổ chức cho đoàn viên tới thăm, động viên mẹ sống vui, sống khỏe cùng con cháu. “Mỗi lần thấy ĐVTN tới thăm, bà coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Bà nắm tay đứa này, xoa đầu đứa kia. Bà kể con trai của bà ngày xưa cũng tầm tuổi chúng tôi bây giờ, đã tình nguyện lên đường tham gia kháng chiến rồi mãi không về. Nghe tới đây, chúng tôi ai nấy đều ngậm ngùi và thầm hứa phải sống sao cho xứng đáng” - chị Hòa nói.

Song song đó, các cấp bộ Đoàn còn tổ chức tu sửa, chỉnh trang, làm vệ sinh các bia, đài tưởng niệm, các công trình ghi công, phần mộ, đền thờ liệt sĩ và các di tích lịch sử…; tổ chức chăm sóc sức khỏe cho các gia đình chính sách; đồng loạt tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ… nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

* Tiếp tục vun bồi lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta…”. Là thế hệ sinh ra khi đất nước đã không còn bóng quân xâm lược, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thế hệ trẻ hôm nay không được phép quên mà ngược lại đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng - những người đã hy sinh hoặc để lại một phần máu xương của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Anh Nguyễn Minh Kiên, Phó bí thư phụ trách Tỉnh đoàn cho biết, với chức năng là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, tổ chức Đoàn nhận thấy được trách nhiệm của mình trong việc nhắc nhớ để ĐVTN không quên quá khứ hào hùng của dân tộc. Vì vậy, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là tuyên truyền trực quan, như: băng rôn, poster, trailer, infographic; tổ chức sinh hoạt theo chủ điểm, tổ chức các cuộc thi trực tuyến; tổ chức các đợt thi đua đặc biệt nhân các ngày kỷ niệm lớn của đất nước…

Đoàn viên thanh niên H.Trảng Bom dọn vệ sinh tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ảnh: N.Sơn
Đoàn viên thanh niên H.Trảng Bom dọn vệ sinh tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ảnh: N.Sơn

Những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn đã duy trì tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho đoàn viên, thanh thiếu nhi thông qua các hoạt động về nguồn, hành trình tìm về địa chỉ đỏ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử… Mới đây nhất là hành trình Hạt giống đỏ do Tỉnh đoàn tổ chức dành cho đoàn viên ưu tú, trung kiên khối THPT trên địa bàn tỉnh. Tham gia hành trình, ĐVTN đã được tham quan, tìm hiểu về các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Đồng thời, các đại biểu được nghe nhân chứng lịch sử chia sẻ về quá trình đấu tranh gian khổ của quân và dân ta trong kháng chiến… từ đó giúp ĐVTN hiểu rõ hơn về những gian khổ, hy sinh của thế hệ cha anh để có được nền độc lập, tự do hôm nay. Đồng thời, thông qua lực lượng đoàn viên ưu tú, trung kiên tham gia hành trình để lan tỏa tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.

Riêng trong đợt kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay, các cấp bộ Đoàn sẽ tổ chức đợt hoạt động với tên gọi Tuổi trẻ Việt Nam - Viết tiếp câu chuyện hòa bình. Trong đó sẽ tổ chức sinh hoạt chi đoàn, chi hội chủ điểm tháng 7 với các nội dung giáo dục truyền thống thông qua các bản tin sinh hoạt, video clip tuyên truyền; tổ chức nói chuyện truyền thống, giao lưu với các nhân chứng lịch sử; các hoạt động văn hóa, văn nghệ; về nguồn, hành trình tìm về “địa chỉ đỏ”… Các hoạt động này có thể lồng ghép với các hoạt động: kết nạp đảng viên trẻ, kết nạp đoàn viên, đội viên, hội viên; tổ chức các cuộc thi, hoạt động tuyên truyền trực tiếp kết hợp trực tuyến cho ĐVTN…

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, ĐVTN hiểu hơn về quá tranh giành độc lập của các thế hệ cha anh. Từ đó nỗ lực và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nga Sơn


Thượng úy BỒ CÔNG LÝ, Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh: Góp sức bảo vệ thành quả cách mạng

Là một người trẻ công tác trong lực lượng công an nhân dân, trách nhiệm của tôi và ĐVTN trong đơn vị là phải phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách góp phần cùng lực lượng công an nhân dân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ cố gắng tổ chức cho ĐVTN trong đơn vị nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, bản lĩnh chính trị… góp phần vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ thành quả của cách mạng.

Em DƯƠNG TỬ LINH, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu): Hiểu để trân trọng hòa bình

Khi đến thăm các gia đình liệt sĩ, được nghe các cô chú kể chuyện, em thấy mình may mắn vì được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện, trau dồi thêm kiến thức về lịch sử để hiểu và trân trọng nền hòa bình mà các thế hệ cha ông đã phải đánh đổi xương máu mới giành lại được.

Cẩm Tú (ghi)


 

Tin xem nhiều