Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặc sản ở thành phố biển

09:10, 07/10/2022

Khánh Hòa là một trong các tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về nuôi biển với nhiều loại đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm… Đây là nguồn cung tạo nên sự đa dạng, đặc sắc về ẩm thực cho thành phố du lịch biển nổi tiếng cả nước này.

Khánh Hòa là một trong các tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về nuôi biển với nhiều loại đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm… Đây là nguồn cung tạo nên sự đa dạng, đặc sắc về ẩm thực cho thành phố du lịch biển nổi tiếng cả nước này.

Đa dạng các món hải sản tại tiệc buffet tại Nha Trang Center
Đa dạng các món hải sản tại tiệc buffet tại Nha Trang Center

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung phát triển du lịch nông nghiệp gắn với hình thành các vùng sản xuất an toàn theo chuỗi từ trồng trọt đến tiêu thụ phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách.

* Phát triển nghề nuôi biển

Khánh Hòa có điều kiện về môi trường, khí hậu rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển. Trong đó, đảo Bình Ba được mệnh danh là đảo quốc tôm hùm. Tôm hùm được nuôi ở đây có 3 giống phổ biến là tôm hùm đỏ, tôm hùm xanh và tôm hùm sao.

Nhờ nghề nuôi tôm hùm phát triển, đây không còn là món đặc sản đắt đỏ chỉ một số ít người có thể thưởng thức như trước. Hiện đến các quán ăn, nhà hàng ở thành phố du lịch Nha Trang, du khách chỉ cần bỏ ra hơn 1 triệu đồng là có thể thưởng thức món đặc sản này. Khách cũng có thể thưởng thức món tôm hùm với giá bình dân hơn khi chọn tôm hùm ngộp (tôm chết ngộp hoặc bị ngất được đem đi cấp đông) với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/kg. Tôm hùm là một loại hải sản không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều cách chế biến như: nướng mọi, nướng phô mai, rang muối, hấp bia, sốt bơ tỏi, nấu cháo…

Rong nho cũng là một trong những đặc sản được du khách ưa chuộng khi đến thành phố biển Nha Trang. Rong nho du nhập từ Nhật Bản vào nước ta từ năm 2004. Rong nho sống ở vùng nước cạn và yên tĩnh hoặc trong các ao đầm và cả trong lồng, trên dây treo ngoài biển.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, nghề nuôi tôm hùm lồng thương phẩm phát triển mạnh ở các vùng nuôi: Vạn Ninh, Cam Ranh, Nha Trang, Ninh Hòa. Năm 2010, toàn tỉnh có 21.320 lồng nuôi tôm hùm, năm 2022 đã lên đến 63.400 lồng, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm.

Tại tỉnh Khánh Hòa, rong nho được trồng tại nhiều khu vực như: P.Ninh Hải, TX.Ninh Hòa; TT.Vạn Giã, H.Vạn Ninh… Đây là mô hình sản xuất mang lại lợi nhuận tốt cho người nông dân khi thu hút được doanh nghiệp đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân. Vùng nuôi trồng rong nho cũng là một trong những điểm tham quan, trải nghiệm thực tế cho khách du lịch trong hành trình khám phá vùng đất Khánh Hòa.

Thời gian đầu, mặt hàng này chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất rong nho tách nước đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (HACCP, ISO, FDA…). Sau này, rong nho mới dần mở rộng thị trường nội địa gắn với sự phát triển của du lịch. Rong nho chủ yếu dùng để ăn tươi, nấu súp. Ngoài ra, rong còn được chế biến thành bột khô làm nguyên liệu chế biến thức ăn và dạng nước uống giải khát. Rong nho tươi thường chỉ bảo quản được trong vòng 1 tuần nên chủ yếu bán tại địa phương. Riêng dòng sản phẩm rong nho tách nước, khi khách sử dụng chỉ cần ngâm sản phẩm này vào nước là có ngay món rong nho tươi để thưởng thức, thời gian để được lâu nên dòng sản phẩm này hiện đang được bán rộng rãi tại các hệ thống siêu thị, trạm dừng chân, cửa hàng bán đặc sản du lịch trong cả nước.

Ông Hùng Văn Dũng, người phụ trách quầy hàng bán, giới thiệu sản phẩm rong nho của Công ty TNHH Trí Tín (P.Phước Tiến, TP.Nha Trang) tại chợ đêm Nha Trang cho biết, gian hàng chủ yếu bán cho khách du lịch. Trong đó, du khách nước ngoài mua sản phẩm này rất nhiều. Hầu như các quán ăn, nhà hàng hải sản, rong nho thường là món khai vị. Món ăn này còn được sử dụng ăn kèm với nhiều món trong các nhà hàng ẩm thực Nhật Bản.

* Du lịch nông thôn ở xứ biển

Ngoài các đặc sản ẩm thực từ biển, các món ngon chế biến từ nông sản, cây ăn trái cũng là những đặc sản được du khách lựa chọn nhiều khi đến thành phố biển Nha Trang.

Bà Đặng Thị Thu Hằng, chủ quầy đặc sản tại chợ đêm Nha Trang hơn 10 năm nay cho biết, đặc sản du lịch của Khánh Hòa rất đa dạng phục vụ du khách. Ngoài các đặc sản chế biến từ hải sản, khách trong và ngoài nước cũng rất chuộng các sản phẩm chế bến từ nông sản như: cà phê, hạt điều, các loại trái cây sấy. Trong đó, có các đặc sản riêng của tỉnh Khánh Hòa như: bánh tráng xoài, bánh khoai, các loại bánh, kẹo làm từ dừa…

Theo ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa, Khánh Hòa vừa có vùng khí hậu nhiệt đới, vừa có vùng khí hậu ôn đới nên khá đa dạng về cây trồng. Khánh Hòa đang tập trung phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng những vùng chuyên canh cây đặc sản. Hiện tỉnh đã hình thành được 3 vùng chuyên canh lớn gồm: vùng xoài Cam Lâm, vùng sầu riêng Khánh Sơn và vùng bưởi da xanh ở huyện vùng núi Khánh Vĩnh. Ngoài ra, Khánh Hòa còn phát triển nhiều sản phẩm rau, nấm, tỏi, dừa, ổi… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, trong đó có khách du lịch. 

Tại Khánh Sơn, một huyện bán sơn địa của Khánh Hòa nằm giáp ranh với Lâm Đồng với khí hậu khá mát mẻ, là địa chỉ hấp dẫn thu hút những du khách trẻ muốn trải nghiệm loại hình du lịch mới ngoài du lịch biển khi đến với Khánh Hòa. Địa phương này đang phát triển mạnh diện tích sầu riêng với hơn 2 ngàn ha nhằm cung cấp sản vật phục vụ du lịch.

Huyện Cam Lâm là thủ phủ trồng xoài của tỉnh Khánh Hòa với diện tích hơn 6 ngàn ha. Ngoài giống xoài Australia phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách và cung cấp cho thị trường xuất khẩu, tại đây còn có giống xoài canh nông bản địa. Giống xoài này có hàm lượng đường khi chín khá cao, cơm xoài dày chắc và nhiều nước phù hợp làm nguyên liệu để làm ra món bánh tráng xoài thơm ngon có tiếng của Khánh Hòa. Ở đây cũng hình thành làng nghề thủ công làm bánh tráng xoài cung cấp đi khắp nơi.

Vùng trồng táo tại xã Cam Thành Nam, TP.Cam Ranh hiện đã phát triển được 50ha, trong đó vào chuỗi liên kết trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Trồng táo Cam Thành Nam đạt khoảng 8ha. Ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc HTX Trồng táo Cam Thành Nam cho biết, các xã viên sử dụng màng lưới chống ruồi vàng và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên cây táo đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. HTX này cũng đang làm chứng nhận sao OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho trái táo Cam Thành Nam, xây dựng thương hiệu cho vùng sản xuất gắn với triển khai mô hình nông nghiệp du lịch từ vườn táo.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích