Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm thuê mưu sinh

08:03, 11/03/2023

Vì điều kiện, hoàn cảnh gia đình, nhiều người đã chọn công việc làm thuê, làm mướn khắp nơi để mưu sinh. Dù làm thuê cực nhọc, vất vả, thường xuyên phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng nhiều người vẫn trụ với nghề vì đã quen việc và giúp họ có nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống.

Vì điều kiện, hoàn cảnh gia đình, nhiều người đã chọn công việc làm thuê, làm mướn khắp nơi để mưu sinh. Dù làm thuê cực nhọc, vất vả, thường xuyên phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng nhiều người vẫn trụ với nghề vì đã quen việc và giúp họ có nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống.

Anh Phạm Minh Hoàng (ấp 4, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc)  làm thuê cho một trang trại nuôi gà đẻ trứng tại P.Xuân Lập (TP.Long Khánh). Ảnh: T.NHÂN
Anh Phạm Minh Hoàng (ấp 4, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) làm thuê cho một trang trại nuôi gà đẻ trứng tại P.Xuân Lập (TP.Long Khánh). Ảnh: T.NHÂN

* Mong có việc để làm

6 giờ sáng của một ngày cuối tháng 2-2023, 3 chị em Phạm Thị Thu Thảo (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, H.Định Quán) đã có mặt tại chợ cá Phú Cường ở hồ Trị An (thuộc địa phận xã Phú Cường, H.Định Quán) để làm thuê. Công việc hàng ngày của các chị là phụ giúp chủ vựa phân chia ra từng loại cá lớn, nhỏ; phân phối cá cho các tiểu thương đưa đi tiêu thụ tại các chợ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, nhóm của chị Thảo còn làm các loại cá (lìm kìm, rô phi, lóc…), xẻ thịt cá và mang đi phơi khô hoặc làm chả cá, lựa tép…

Công việc cực nhọc, vất vả, mỗi công đoạn làm cá đòi hỏi sự tỉ mỉ, tay chân vận động liên tục nhưng các chị đều làm việc với tâm trạng vui tươi, phấn khởi. “Tình hình kinh tế hiện nay khó khăn chung, nhiều công ty đã hết đơn hàng khiến công nhân lao động thất nghiệp phải bỏ phố về quê. Còn mình có việc để làm ổn định như vầy là quá tốt rồi” - chị Thảo bộc bạch.

Chị Thảo cho biết, trước đây, cả 3 chị em từng đi làm công nhân cho một công ty chuyên về may mặc ở TT.Định Quán (H.Định Quán). Tuy nhiên, các chị làm được vài năm rồi xin nghỉ để tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn bởi công việc ở công ty thường chịu nhiều áp lực, trong khi mức lương lại thấp, không đảm bảo cuộc sống.

Làng trồng tràm hom ở KP.4, TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) đã được hình thành từ hàng chục năm nay. Nhiều gia đình nhờ cây trồng chủ lực này đã vượt khó vươn lên khá giả, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, mô hình còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 200-350 ngàn đồng/người/tháng.

Năm 2012, trong lúc đi tìm việc thì chị Thảo biết thông tin chủ vựa cá ở chợ cá Phú Cường đang có nhu cầu tuyển lao động nên xin vào làm thuê. Công việc gần nhà, phù hợp về điều kiện, chị em của chị Thảo quyết định gắn bó đến nay được 11 năm.

“Công việc ở chợ cá rất nhiều và diễn ra quanh năm, nếu siêng năng thì không bao giờ lo thất nghiệp. Chủ vựa cá khoán việc làm và trả tổng mức lương 25 triệu đồng/tháng để 3 chị em tôi tự chia tiền cho nhau. Mức thu nhập hiện tại của chúng tôi đảm bảo được cuộc sống đối với vùng nông thôn” - chị Thảo tâm sự.

Chủ vựa cá Nguyễn Văn Oanh cho hay, chợ cá Phú Cường hình thành hơn 20 năm và trở thành chợ cá có quy mô lớn nhất ở hồ Trị An. Hàng ngày, chợ cá đã tạo việc làm cho khoảng 50 lao động ở địa phương như: khuân vác, xay đá ướp cá, xẻ cá đem phơi khô, làm chả cá… Nhờ công việc ổn định đã giúp nhiều người có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học. “Tùy theo tính chất công việc nặng, nhẹ mà các chủ vựa sẽ trả mức lương cho mỗi người từ 8-11 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chủ vựa còn lì xì thêm vào các dịp lễ, Tết nhằm động viên anh em yên tâm gắn bó” - ông Oanh chia sẻ.

Sau nhiều năm bôn ba khắp đó đây, khoảng hơn 5 năm trở lại đây, anh Phạm Minh Hoàng (ngụ ấp 4, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) quyết định xin vào làm việc cho một trang trại nuôi gà đẻ trứng với quy mô lớn tại P.Xuân Lập (TP.Long Khánh). Anh được ông chủ chăm lo nơi ăn, chỗ ở ngay tại trang trại để hàng ngày làm các công việc: dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, thu gom trứng gà, cho gà ăn, theo dõi và chăm sóc sức khỏe đàn gà… “Khối lượng công việc mỗi ngày ở trang trại rất nhiều, tuy nhiên tôi đã biết phân bổ thời gian và công sức sao cho phù hợp. Hơn nữa, công việc ở đây không nặng nhọc cho lắm vì đa phần đã có máy móc hỗ trợ thay cho sức người” - anh Hoàng cho hay.

Những người làm thuê đang phơi cá kìm tại chợ cá Phú Cường ở hồ Trị An (xã Phú Cường, H.Định Quán)
Những người làm thuê đang phơi cá kìm tại chợ cá Phú Cường ở hồ Trị An (xã Phú Cường, H.Định Quán)

Anh Hoàng kể, anh xuất thân trong gia đình nông dân nghèo khó nên sớm nghỉ học để ra đời bươn chải mưu sinh. Anh không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy, thu nhập thường hay bấp bênh. Năm 2015, anh mạnh dạn vay mượn vốn để đầu tư buôn bán gà, vịt với hy vọng cuộc sống sẽ có nhiều khả quan hơn. Tuy nhiên, may mắn đã không đến với anh khi việc làm ăn ngày càng thua lỗ dẫn đến nợ nần.

Trong lúc gặp khó khăn tưởng chừng bế tắc, anh Hoàng được người quen giới thiệu vào làm việc tại chỗ làm hiện tại và duy trì ổn định đến nay đã hơn 5 năm. Anh làm việc siêng năng, nhiệt tình nên được ông chủ trả lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn được lì xì vào các dịp lễ và thưởng tháng lương 13 vào dịp Tết...

* Ổn định cuộc sống

Hơn 1 tháng nay, thời tiết ở Đồng Nai đã bước vào mùa nắng ráo ổn định, giúp cho công việc chuốt lá buông thuê của chị Đỗ Thị Mỵ (ngụ ấp 1A, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) đều đặn, ổn định. Công việc hàng ngày của chị là đem lá buông đi phơi nắng, thu gom lá buông khô, xẻ lá, chuốt lá cho ngay thẳng rồi đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi người làm phải nhanh tay, vừa tỉ mỉ, khéo léo để sản phẩm làm ra đạt chuẩn chất lượng.

Chị Mỵ cho biết, trước đây, chị từng theo nhóm bạn đi làm công nhân cho một công ty may mặc ở TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, chị làm được 5 năm rồi xin nghỉ vì công việc không ổn định, mức thu nhập thấp. Trong khi chị phải trang trải nhiều khoản tiền như: phòng trọ, điện, nước, ăn uống, sinh hoạt… khiến cuộc sống thiếu trước, hụt sau.

Làng nghề chuốt lá buông ở ấp 1, xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương
Làng nghề chuốt lá buông ở ấp 1, xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương

Năm 2003, chị Mỵ trở về nhà và xin vào làm công việc chuốt lá buông thuê, vì mô hình này đang phát triển mạnh ở địa phương. Nhờ cần cù chịu khó nên chị được giữ lại làm việc ổn định đến nay đã 20 năm. Gia đình chị cũng nhờ đó mà có cuộc sống ngày càng tốt hơn. “So với nghề khác, công việc chuốt lá buông thuê đỡ vất vả hơn, việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa, công việc làm ở gần nhà đã giúp mình tiện lợi sắp xếp thời gian chăm lo cho các con. Tôi rất hài lòng với công việc hiện tại và mong muốn nghề chuốt lá buông luôn ổn định để có thể gắn bó lâu dài” - chị Mỵ tâm sự.

Theo chủ cơ sở chuốt lá buông Trần Thị Tuyến, làng nghề chuốt lá buông thủ công ở ấp 1, xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) được hình thành cho đến nay khoảng 40 năm. Ban đầu chỉ một vài hộ làm rồi dần thành một làng, gọi là làng nghề chuốt lá buông bây giờ. Làng nghề chuốt lá buông hiện đã có tiếng gần xa, sản phẩm làm ra được đưa đi tiêu thu khắp nơi trong cả nước. Nhờ vậy, những người làm nghề chuốt lá buông thuê có việc làm thường xuyên và mang lại thu nhập ổn định so với trước.

“Hiện có khoảng 200 hộ đang làm nghề chuốt lá buông. Tùy theo tính chất công việc, các chủ cơ sở chuốt lá buông trả lương cho nhân công từ 250-300 ngàn đồng/ngày đối với đàn ông và từ 180-200 ngàn đồng/ngày đối với phụ nữ, người lớn tuổi. Nhờ nghề này đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần vào sự phát triển địa phương” - bà Tuyến chia sẻ.

Thành Nhân

Tin xem nhiều