Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ thuật gốm Biên Hòa - sắc màu cuộc sống

09:06, 24/06/2023

Mặc dù trải qua bao thăng trầm nhưng gốm Biên Hòa vẫn như một mạch ngầm trong dòng chảy văn hóa, kết nối xưa và nay.

Mặc dù trải qua bao thăng trầm nhưng gốm Biên Hòa vẫn như một mạch ngầm trong dòng chảy văn hóa, kết nối xưa và nay.

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (Ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) thực hiện tượng gốm con rồng để phục hồi trên di tích chùa Ông. Ảnh: M.Ny
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (Ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) thực hiện tượng gốm con rồng để phục hồi trên di tích chùa Ông. Ảnh: M.Ny

Không chỉ trở thành “thương hiệu” của vùng đất 325 năm hình thành và phát triển, nhiều sản phẩm gốm Biên Hòa hôm nay trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ấn tượng, làm say lòng biết bao thế hệ.

* Từ đất… đến tác phẩm nghệ thuật

Bắt nguồn từ sự kết hợp của hai dòng gốm Việt - Hoa vào giữa thế kỷ XVII và ứng dụng những thành tựu của Trường dạy nghề Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai), gốm Biên Hòa đã nhanh chóng trở thành một dòng gốm mỹ thuật đặc trưng cho đến những năm 50 của thế kỷ XX với tên gọi nổi tiếng là gốm mỹ nghệ Biên Hòa.

Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng (nguyên giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) cho biết, với đặc điểm nổi bật trong kỹ thuật khắc chìm, phối men nhiều màu, kết hợp giữa trang trí, hội họa và từ những thể nghiệm sáng tạo trong sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống của gốm bản địa và kỹ thuật gốm phương Tây, gốm Biên Hòa đã nhanh chóng khẳng định ưu thế độc lập và xu hướng riêng. Cùng với gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Biên Hòa đã góp phần đánh dấu một giai đoạn phát triển của nghệ thuật gốm Việt Nam mang phong cách Nam bộ trong giai đoạn cận - hiện đại.

“Cho đến ngày nay, gốm Biên Hòa trải qua hàng trăm năm lúc thăng, lúc trầm vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng phục vụ nhu cầu đa dạng của cuộc sống hiện đại, đáp ứng cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm gốm Biên Hòa đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở đương đại từ những đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ gốm, đem đến những giá trị mới cho một dòng gốm truyền thống độc đáo của vùng đất phương Nam” - họa sĩ Quang Hoàng chia sẻ.

Những tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong triển lãm gốm Biên Hòa - sắc màu cuộc sống diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chủ yếu là của các nghệ sĩ, nghệ nhân gốm từng theo học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai như: Nguyễn Quang Hoàng, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Thị Dũng, Ngô Trọng Văn, Vũ Trung Tần… Nhiều tác phẩm thể hiện được sắc thái mới của gốm Biên Hòa, cởi mở và phong phú, giàu ý tưởng nghệ thuật, có nội dung xã hội, triết lý nhân sinh sâu sắc, mang giá trị thẩm mỹ cao.

Nghệ nhân gốm Nguyễn Thị Dũng (cựu sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) cho hay, trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, các sản phẩm gốm truyền thống phải cạnh tranh với nhiều dòng gốm giá rẻ, nên sáng tạo tác phẩm gốm cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với tình yêu và đam mê nghề gốm Biên Hòa, nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân vẫn đang giữ lửa nghề thông qua các triểm lãm, giao lưu, giới thiệu gốm cũng như tổ chức lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ…

Từ ngày 23-6 đến 2-7, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trưng bày và giới thiệu triển lãm Nghệ thuật gốm Biên Hòa - sắc màu cuộc sống với sự tham gia của các nghệ sĩ, họa sĩ, nghệ nhân gốm khu vực Đông Nam bộ. Trong khuôn khổ triển lãm còn diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề về Quần thể tượng gốm Biên Hòa.

“Làm gốm thủ công tuy vất vả nhưng lại là một trải nghiệm quý giá với người nghệ sĩ. Ở đó chúng tôi có thể khơi nguồn sáng tạo bất tận. Đặc biệt, đến với triển lãm, chúng tôi mong muốn giới thiệu các tác phẩm gốm độc đáo, mới lạ, mang nhiều nguồn năng lượng tích cực đến với cộng đồng” - chị Dũng chia sẻ.

* Độc đáo những quần thể tượng gốm

Các nghệ sĩ, nghệ nhân gốm cho rằng, quần thể tượng gốm trên hệ thống di sản ở Biên Hòa -  Đồng Nai rất độc đáo, ấn tượng, phản ánh rõ nét các quan niệm, những ước vọng của các bậc tiền nhân xưa. Kiểu trang trí quần thể tượng gốm với màu men xanh đặc trưng nổi bật ở đình Tân Lân, chùa Ông, chùa Bửu Phong… Tuy số lượng tiểu tượng trên các quẩn thể tượng gốm rất nhiều, nhưng sự lặp lại hay tượng giống nhau hầu như không có.

Một số tác phẩm gốm của các nghệ sĩ, nghệ nhân Biên Hòa trưng bày trong triển lãm Nghệ thuật gốm Biên Hòa - sắc màu cuộc sống tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Một số tác phẩm gốm của các nghệ sĩ, nghệ nhân Biên Hòa trưng bày trong triển lãm Nghệ thuật gốm Biên Hòa - sắc màu cuộc sống tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Là người từng thực hiện rất nhiều công trình phục hồi quần thể tượng gốm trên hệ thống di sản ở Biên Hòa, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (Ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho biết, đây là công việc đòi hỏi sự kỳ công và tỉ mỉ. Khó nhất khi phục hồi các quần thể tượng gốm Biên Hòa là việc thực hiện hình nhân. Số lượng hình nhân rất nhiều, mỗi nét mặt và trang phục lại rất đặc trưng theo từng phong cách và thân phận của từng nhân vật.

“Trang phục của tượng gốm Biên Hòa cũng không có bộ nào giống nhau. Ngay cả tượng có tính chất “khuôn” thì màu men, kích cỡ, bố cục cũng khác nhau. Các tượng và quần thể tiểu tượng phải được tạo hình với tỷ lệ khá chuẩn xác về hình thể, kỹ năng khắc họa tâm lý nhân vật từ nét mặt hớn hở, vui cười, yểu điệu, hùng dũng, nghiêm trang... trên tượng” - nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến chia sẻ.

My Ny

Tin xem nhiều