Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam:
Sáng tác nhiếp ảnh là để quảng bá nét đẹp Việt Nam

Vương Thế
07:52, 02/09/2023

Hàng chục năm theo nghề nhiếp ảnh, với nghệ sĩ nhiếp ảnh LÊ NGUYỄN, Phó chủ tịch Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo ảnh Đất Mũi thì diễm phúc của một người nhiếp ảnh là được đi và sáng tác, được sống và ghi lại những khoảnh khắc của đời sống xã hội.

<br>

Theo nghệ sĩ Lê Nguyễn, sáng tác nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật nhiếp ảnh cũng là để phục vụ đời sống xã hội. Nhiếp ảnh còn có vai trò quảng bá nét đẹp của Việt Nam ra với bạn bè thế giới.

Con người là chủ thể chính trong sáng tác

Nhiếp ảnh gia Lê Nguyễn
Nhiếp ảnh gia Lê Nguyễn

 Thưa ông, con đường mà ông đến với nghệ thuật nhiếp ảnh như thế nào?

- Thời trẻ tôi được theo học kỹ thuật phòng tối chuyên tráng phim phóng ảnh rồi làm việc trong cơ quan. Tình cờ một lần tôi được phân đi chụp ảnh sự kiện thiếu nhi và có một số tấm ảnh được yêu thích. Thế là từ đó có thời gian rảnh rỗi, tôi đều xách máy đi chụp ảnh rồi dần chuyển thành phóng viên ảnh của tờ Báo Đất Mũi. Những năm 80 của thế kỷ trước, nghề nhiếp ảnh cũng chưa được phát triển như bây giờ và còn rất nhiều khó khăn. Tôi có may mắn vừa làm kỹ thuật, vừa chụp ảnh nên giúp có được những tấm ảnh ưng ý hơn.

 Ở Việt Nam hiện nay, nhiếp ảnh nghệ thuật có những trào lưu nào chính, thưa ông?

- Ở Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng có định hướng với các hội viên là bám sát với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước để sáng tác. Nói nôm na là nhiếp ảnh phục vụ chính trị, xã hội.

Bây giờ ở các thành phố lớn cũng có các bạn trẻ với những trào lưu mới, phát triển dựa trên công nghệ hỗ trợ. Hiện nay, các bạn trẻ có nhiều thuận lợi để phát triển và theo nghề nhiếp ảnh, vì nhu cầu của đời sống xã hội lớn. Tuy nhiên, để đánh giá chuyên sâu về các tiêu chí của nhiếp ảnh thì cũng vẫn còn những hạn chế nhất định. Đây là lực lượng kế thừa của nhiếp ảnh nên sẽ có những cơ hội phát triển về sau.

 Riêng đối với bản thân, chủ đề sáng tác của ông thường thiên về xu hướng nào?

- Trước tôi chủ yếu làm báo với chủ đề ảnh báo chí, sau này mới tham gia một số cuộc thi ảnh nghệ thuật, rồi từ từ tìm hiểu thêm. Gặp gỡ những người chơi ảnh, học cách sáng tác ảnh nghệ thuật nhưng với tôi, chủ thể chính vẫn là các hoạt động của con người. Điều này do tôi vốn là người làm báo nên thường ưu tiên cho các khoảnh khắc và lưu giữ lại bằng những tấm ảnh. Dần dần, hơi thở hàng ngày của đời sống xã hội là chủ đạo trong các chuyến đi tác nghiệp của tôi.

 Nhiều năm gắn bó với nghề, điều đọng lại trong ông là gì?

- Nhiếp ảnh giúp tôi đi được nhiều nơi, mỗi một vùng có những đặc trưng, nét đẹp khác nhau. Cũng như nghề báo, nghề nhiếp ảnh mang lại cho công chúng những sự cảm nhận về thực tế đời sống. Vốn là dân báo chí đi ra, với tôi, mỗi khoảnh khắc cuộc sống, mỗi vùng đất được đến, những con người gặp gỡ đều là những điều may mắn của mình.

Nhiếp ảnh cần bám sát hơi thở của xã hội

 Đồng Nai vừa đăng cai tổ chức triển lãm nhiếp ảnh miền Đông Nam bộ. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh nơi đây?

- Ngoài Hà Nội và TP.HCM là những địa phương đứng độc lập và có vị thế riêng thì khu vực Đông Nam bộ có sự phát triển khá nổi so với những vùng miền khác. Điều thuận lợi là ở đây có sự phát triển mạnh về kinh tế, xã hội với những dự án hạ tầng lớn, cơ sở công nghiệp quan trọng của đất nước, tốc độ đô thị hóa nhanh… là những chất liệu sáng tác vừa nóng hổi và là hiện thực của xã hội. Thông qua nhiếp ảnh, công chúng được biết về một vùng đất năng động nhưng cũng chứa đựng nhiều nét đẹp cần khai thác, khám phá.

Lực lượng anh em nghệ sĩ trước đây đông đảo và hiện nay qua theo dõi có nhiều anh em mới có những tác phẩm triển vọng. Trao đổi với anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Đồng Nai, Bình Dương thì mới thấy được sự nhiệt huyết, đam mê ảnh nghệ thuật của họ nhiều lắm và đó cũng là cơ hội để phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh ở khu vực.

 Đối với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, thời gian tới sẽ có những hoạt động gì để thúc đẩy chất lượng nhiếp ảnh và phát triển nghề, thưa ông?

- Cùng với sự phát triển của đất nước trong đổi mới và hội nhập quốc tế, các nhà nhiếp ảnh, nhà báo ảnh và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh càng có nhiều cơ hội, điều kiện để thực hiện niềm đam mê của mình. Sân chơi nghệ thuật nhiều hơn, quy mô lớn hơn và tính chuyên nghiệp cao hơn. Nhiếp ảnh với sự hỗ trợ “thần kỳ” của công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã đưa các tác giả đến một chân trời mới sáng tác nhiều tiềm năng, tiện ích cho lao động nghệ thuật của mình.

Một số sáng tác ảnh của nghệ sĩ Lê Nguyễn
Một số sáng tác ảnh của nghệ sĩ Lê Nguyễn

Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, đồng hành cùng các nghệ sĩ trong việc phát triển niềm đam mê của mình và có định hướng cho hoạt động sáng tác. Tập huấn nghề nhiếp ảnh, học tập kinh nghiệm, tổ chức các cuộc thi sáng tác ảnh cấp quốc gia, khu vực, lựa chọn những tác phẩm đặc sắc để quảng bá về hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam. Suy cho cùng sáng tác nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật nhiếp ảnh cũng là để phục vụ đời sống xã hội.

 Ông là người đã có nhiều lần đi Trường Sa để sáng tác và để làm sách ảnh, vậy ông có thể chia sẻ đôi điều về cảm nhận và mong muốn của mình?        

Nhiếp ảnh gia LÊ NGUYỄN quê ở Cà Mau. Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc với danh hiệu E.VAPA/G (Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc của Việt Nam) và E.FIAP (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc của Liên đoàn Nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế).   

- Được đi Trường Sa là điều rất đáng quý đối với mỗi người chụp ảnh. Tôi may mắn đã đi Trường Sa 7 lần và mong muốn là sẽ có những cuốn sách ảnh về nét đẹp của biển đảo, đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ đang hàng ngày canh giữ  biển trời. Để có được những tấm ảnh đẹp thì không phải dễ dàng, không chỉ một lần có thể thỏa mãn được, còn phụ thuộc vào thời tiết nữa.

Khi đã lựa chọn được những tấm ảnh ưng ý, quan điểm của tôi là phải khác với những tác giả khác. Quá trình tác nghiệp của người nghệ sĩ nhiếp ảnh ở đó vất vả không kém gì cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nên tôi quý từng khoảnh khắc, thậm chí từng tia nắng, từng con sóng quanh mình. Mục tiêu là sau này sẽ thực hiện 2 tập sách ảnh về biển, đảo và nhà giàn đã ấp ủ nhiều năm qua.

 Xin cảm ơn ông!

 Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều