Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa trà ở Trung Quốc

Hoàng Đình Nguyễn
08:00, 23/09/2023

Trong chuyến du lịch Trung Quốc gần đây nhất, trên cung đường di chuyển từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, tôi may mắn được dừng chân trải nghiệm ở một số địa danh nổi tiếng của vùng đất Giang Nam.

18 cây trà có tên Thập Bát Khỏa Ngự Viên (ảnh tư liệu của làng trà)

Vùng đất Giang Nam thường được xác định bao gồm TP.Thượng Hải, tỉnh Giang Tô, tỉnh An Huy, tỉnh Giang Tây và tỉnh Chiết Giang.

Tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, sau khi được ngồi du thuyền trải nghiệm Tây Hồ, nơi được coi là viên ngọc quý của miền đất Giang Nam, chúng tôi đến thăm Ô Trấn, là thị trấn cổ có hơn 1.300 năm lịch sử nhưng đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn đẹp đến bất ngờ.

* Làng Long Tỉnh - thiên đường của trà

Sau khi rời Ô Trấn, chúng tôi tiếp tục ghé thăm và tìm hiểu ngôi làng đẹp như tranh nằm giữa vùng nông thôn vô cùng yên tĩnh. Đó là làng Long Tỉnh, nơi được gọi là thiên đường của trà.

Trà Long Tỉnh được ghi chép trong Trà Kinh của Lục Vũ. Cái tên Long Tỉnh ra đời từ triều nhà Tống (960-1279), đến triều nhà Nguyên (1271-1368) và nhà Minh (1368-1644) thì Long Tỉnh Trà dần trở nên nổi tiếng và cuối cùng đến triều nhà Thanh thì trở thành “ngự trà” tiến cung.

Người Trung Quốc có câu: “Trên trời có thiên đàng, hạ giới có Tô Hàng” để nói về vẻ đẹp của Tô Châu, Hàng Châu. 2 thành phố vùng Giang Nam này thực sự là chốn tiên cảnh nơi trần thế.

Một trong những truyền thuyết về trà Long Tỉnh thường được kể lại rằng: vua Càn Long trong một chuyến vi hành đã ghé nghỉ chân tại Hồ Công Tự - ngôi miếu cổ dưới chân đỉnh Sư Phong, Tây Hồ, Hàng Châu và được các nhà sư dâng lên một tách trà ngon. Càn Long rất ấn tượng bởi loại trà có hình thái đẹp, hương thơm thoang thoảng nhưng hậu vị ngọt thanh lưu lại rất lâu. Trà thơm phối với cảnh sắc thanh tĩnh cùng 18 bụi trà xanh mướt trong vườn đã khiến nhà vua cảm thấy vô cùng khoan khoái.

Lúc này có tin cấp báo thái hậu đột nhiên lâm bệnh, Càn Long đã tiện tay hái vài đọt chè non bỏ vào trong túi áo và lập tức lên đường trở về thăm mẹ. Ngay khi thấy hoàng đế về đến nơi, tâm trạng thái hậu phấn khởi, lại bất giác nghe được hương thơm lạ kỳ tỏa ra từ trên người của hoàng đế. Vua Càn Long mang ra cho mẹ xem những lá trà non bị ép dẹt trong áo và sai người mang đi pha trà. Thái hậu uống xong cảm thấy trong người khỏe khoắn, bệnh tình thuyên giảm. Điều này khiến vua Càn Long vô cùng phấn chấn, ban chiếu sắc phong trà này làm “Ngự Trà” và 18 cây trà ở ngôi cổ tự là “Thập Bát Khỏa Ngự Viên”.

* Một thương hiệu nổi tiếng khắp Trung Hoa và thế giới

Giang Nam là nơi sơn thủy hữu tình, cảnh đẹp, người đẹp, trà ngon, nên vua Càn Long thường xuyên đến vi hành. Tất nhiên làng trà luôn “tiến vua” những loại trà ngon nhất. Càn Long muốn ban thưởng cho dân làng, nhưng dân làng trà không muốn nhận báu vật mà chỉ mong vua đặt cho một cái tên xứng đáng cho loại trà này. Vua nhận lời, trong khi dạo trong vườn suy nghĩ, ngang qua một giếng nước, vua thấy con rồng thêu trên hoàng bào của vua như muốn từ dưới giếng nước bay lên, tạo cho vua ý tưởng đặt tên cho trà này là Long Tỉnh (Trà Giếng Rồng). Từ khi được vua Càn Long đặt tên trà Long Tỉnh, trà đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng khắp Trung Hoa và thế giới.

Trà Long Tỉnh ngày nay đứng đầu Thập đại danh trà của Trung Quốc, được vô cùng yêu thích không chỉ trong nhân dân mà cả các nhà lãnh đạo quốc gia cũng ưu ái sử dụng; đương nhiên cũng là loại trà cao cấp mời khách quý trong các buổi yến tiệc trang trọng nhằm giới thiệu văn hóa trà đạo Trung Quốc.

Chúng tôi đến làng trà, ngồi yên vị trong một căn phòng để nghe những chủ nhân của làng trà giới thiệu về danh tiếng trà Long Tỉnh. Chúng tôi có cơ hội mỗi người được thưởng thức một ly trà Long Tỉnh truyền thống với hương vị độc đáo. Được nghe giới thiệu cách chế biến, pha trà của loại trà xếp hạng số 1 của Trung Quốc này.

Trà Long Tỉnh khi pha uống sẽ thấy từng búp trà đứng thẳng, dù pha lại nhiều lần nhưng “Ngự Trà” vẫn đượm vị. Đặc trưng của trà Long Tỉnh là mang vị trà xanh tươi mát, nhẹ nhàng với hương thơm thanh tao dễ chịu, vị ngọt bùi bùi như hạt dẻ, nước trà màu vàng nhạt ánh xanh. Uống rồi mà dư vị đọng mãi không tan.

Giống như hầu hết các loại trà xanh khác, trà Long Tỉnh được làm theo phương pháp thủ công truyền thống lâu đời nhằm lưu giữ tất cả những phẩm chất của một loại trà Á Đông đích thực. Lá trà được hái vào buổi sáng, trải qua 4 tiếng sao khô để tránh quá trình lên men. Các công đoạn từ hái trà, phơi khô, sao trà đều được chăm chút tỉ mỉ bằng tay để tạo ra loại trà có hình dạng lá dẹt, chắc, kích thước đều nhau và có màu xanh non cực đẹp. Khi pha, dáng lá trà đứng thẳng trong làn nước xanh trong như ngọc, trông vô cùng đẹp mắt.

* Những loại trà quý hiếm, rất đắt tiền

Trà Long Tỉnh được phân thành nhiều thứ hạng, trong đó thượng hảo hạng được gọi là Minh Tiền Trà, tiếp sau là Vũ Tiền Trà. Minh Tiền Trà chỉ lứa trà đầu tiên được thu hoạch vào vụ xuân trước tiết Thanh Minh (khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch), Vũ Tiền Trà chỉ lứa trà được thu hoạch trước tiết Cốc Vũ (mưa rào cuối xuân, khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch). Câu phú “Vũ Tiền thị thượng phẩm, Minh Tiền thị trân phẩm” ý chỉ rằng Vũ Tiền Trà được ví như loại trà Long Tỉnh thơm ngon hảo hạng. Còn Minh Tiền Trà đích thị là loại trà Long Tỉnh quý như trân bảo.

Lon “Trà Long Tỉnh cô dâu” tác giả mua với giá 300 nhân dân tệ
Lon “Trà Long Tỉnh cô dâu” tác giả mua với giá 300 nhân dân tệ

Riêng trà Long Tỉnh Ngự Tiền Thập Bát Khỏa - loại trà được hái từ mười tám bụi trà của vua Càn Long là giá trị nhất. Loại trà này chỉ dành cho vua và hoàng tộc. Người ở làng trà kể rằng: để hái trà Thập Bát Khỏa, người ta chọn 18 trinh nữ trẻ đẹp tập trung về những phòng cách biệt chay tịnh, ăn ngủ, giữ gìn thân thể sạch sẽ vài ngày trước khi hái trà. Mỗi trinh nữ chỉ đảm nhận hái một bụi trà nhưng không được dùng tay mà phải dùng miệng cắn từng búp trà. Loại trà này chắc chắn là chỉ có vua mới được thưởng lãm vì nó vô giá.  Hiện nay mỗi một cây trà này có sản lượng chỉ khoảng 100g/năm nên về cơ bản giá cả không thể tính theo trọng lượng. Tuy nhiên, một loại trà Long Tỉnh quý khác đã được bán với giá hơn 1 triệu nhân dân tệ/cân vào năm 2014, khoảng 3,6 tỷ đồng (một cân Trung Quốc tương đương với 0,5kg Việt Nam). 

Được nghe giới thiệu giá cả của trà Long Tỉnh tại nơi xuất xưởng, nhiều người trong chúng tôi từ những du khách bình dân đến người buôn bán giàu có từ Việt Nam sang đều phải giật mình bởi lần đầu được nghe thấy. Tuy nhiên, để trấn an du khách, người giới thiệu của làng trà nói thêm: “Loại trà này các bạn muốn mua cũng không có, vì loại trà đắt nhất thế giới được mệnh danh “quốc bảo” của Trung Quốc, có loại giá lên tới 30 tỷ đồng/kg.

Trà là một phần nội tại của nhiều nền văn hóa trên thế giới. Ban đầu, người ta trồng trà cho mục đích y học và tôn giáo, về sau sử dụng trong các sự kiện xã hội rồi trở thành thức uống hàng ngày. Hiện nay, trà đã phổ biến khắp nơi, trong đó có những loại quý hiếm, rất đắt tiền. Loại trà “Đắt nhất trong lịch sử” là không đủ để diễn đạt, bởi vì nó từ lâu đã vô giá. Sáu cây trà mẹ hiện tại từ lâu đã được đưa vào “danh sách Di sản Thế giới”, chúng hoàn toàn là những loài trà quý hiếm và Chính phủ đã cấm thu hái vào năm 2006.

Do chất lượng và danh tiếng trà, nó trở thành đặc sản để tiếp các nguyên thủ quốc gia ở Trung Quốc.

Năm 1972, khi cựu Tổng thống Mỹ Nixon đến Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông tặng ông bốn lạng trà từ cây mẹ Đại Hồng Bào và giải thích đây là “một nửa đất nước” bởi sản lượng của loại trà rất thấp, không bán trên thị trường. Tổng thống Nixon đã rất kinh ngạc với câu chuyện đằng sau loại đặc sản trăm năm này.

Tối 31-10-2022, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà, trong số bốn loại danh trà trên bàn tiệc cũng có Đại Hồng Bào và Long Tỉnh trà.

Nói là vậy, nhưng tại làng trà Long Tỉnh, người ta vẫn giới thiệu những sản phẩm trà giá thấp hơn dành cho những người như chúng ta thưởng ngoạn, trong đó theo cách nói bình dân của người Trung Quốc là “Trà Long Tĩnh Cô Dâu” (trà giành cho cưới hỏi) và “Trà Bà Già” (dành cho người cao tuổi) với giá 300 nhân dân tệ/lon-125g (tương đương với 1.050.000 đồng).

 Dù đứng ở thứ hạng nào đi nữa, một loại trà có tên trong danh sách Thập đại danh trà Trung Hoa, với giá cả như vậy, theo tôi nghĩ cũng đáng bỏ tiền ra mua thử một hộp mà thưởng ngoạn, để hiểu được phần nào trong văn hóa trà đạo Trung Hoa phải không các bạn? Lon trà Long Tĩnh màu bạc được tác giả mua về chờ đón những người bạn hiền cùng thưởng lãm trong một ngày đẹp trời nào đó.

Hoàng Đình Nguyễn


Bài viết có sử dụng tư liệu từ internet

Title phụ do Tòa soạn đặt

Tin xem nhiều