Báo Đồng Nai điện tử
En

Chấn chỉnh tình trạng tái diễn các điểm kinh doanh tự phát

Hải Hà
14:04, 30/03/2024

Thời gian qua, các địa phương, nhất là ở các đô thị lớn như thành phố Biên Hòa đã có nhiều nỗ lực, triển khai các phương án, biện pháp tăng cường trong việc xử lý các điểm kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng lề đường.

Các điểm kinh doanh tự phát bên ngoài chợ tác động không nhỏ đến sức mua trong khu vực chợ chính. Trong ảnh: Một cửa hàng kinh doanh các loại rau củ quả trong chợ Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà
Các điểm kinh doanh tự phát bên ngoài chợ tác động không nhỏ đến sức mua trong khu vực chợ chính. Trong ảnh: Một cửa hàng kinh doanh các loại rau củ quả trong chợ Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Tình trạng nhiều điểm kinh doanh tự phát cứ “dẹp rồi lại mở” vẫn còn tiếp diễn. Điều này là một trong những lý do tác động tiêu cực tới doanh thu, sức mua tại các chợ truyền thống.

* Tiện đâu mua đó

Trên thực tế, tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở các đô thị, các mô hình chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tình trạng các “chợ cóc” gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị… vẫn còn xảy ra. Một trong những địa điểm “nóng” nhất về tình hình này là khu vực xung quanh chợ Biên Hòa - chợ trung tâm của thành phố Biên Hòa.

Trên thực tế, việc kiểm tra, xử lý điểm tự phát, hàng rong lấn chiếm lòng lề đường được chính quyền địa phương tiến hành thường xuyên. Trong đó, UBND thành phố Biên Hòa đã giao UBND 2 phường Thanh Bình và Hòa Bình chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Công an thành phố kiểm tra, xử lý trên địa bàn quản lý. Đồng thời, UBND thành phố giao Công an thành phố, Phòng Quản lý đô thị cử lực lượng tham gia phối hợp với UBND 2 phường nói trên xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xung quanh khu vực chợ Biên Hòa.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công thương năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng giao Sở Công thương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành nhằm triển khai đảm bảo việc kinh doanh an toàn thực phẩm tại các chợ; thông qua đó nâng cao chất lượng sức khỏe, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại…

Theo UBND 2 phường Thanh Bình và Hòa Bình, trong thời gian qua, công tác kiểm tra trật tự đô thị, tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức vi phạm cam kết không tái phạm trong việc buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè được tăng cường. Đơn cử như phường Thanh Bình đã tổ chức tuần tra, xử lý các trường hợp kinh doanh, buôn bán vi phạm trong lĩnh vực giao thông trên các tuyến đường chính của phường như đường: 30-4, Cách Mạng Tháng Tám, Phan Chu Trinh, Nguyễn Trãi… đặc biệt là các tuyến đường quanh khu vực chợ Biên Hòa. Tính từ cuối tháng 12-2023 đến hết tháng 3-2024, tổ kiểm tra của phường Thanh Bình đã nhắc nhở khoảng 280 lượt kinh doanh có  hành vi vi phạm, trong đó lập biên bản xử phạt hành chính 17 trường hợp…

Dù địa phương đã tích cực tăng cường kiểm tra, quản lý trật tự đô thị nhưng tình trạng các hộ kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng, lề đường vẫn còn tái diễn. Điều này ảnh hưởng đến sức mua chung ở  trong khu vực chợ chính.

Bà Thoại Yến, chủ một sạp kinh doanh rau củ quả tại chợ Biên Hòa bày tỏ, nhiều khách hàng chuộng mua ở khu vực bên ngoài vì chỉ cần tấp xe vào là mua được, nhanh lẹ trong khi vào chợ phải tốn thêm tiền gửi xe mà giá cả thì trong hay ngoài chợ cũng tương đương, có khi giá ở các xe bán ngoài đường còn rẻ hơn do không phải nộp các thuế, hoa chi như các sạp hàng kinh doanh trong chợ.

Hoạt động buôn bán hàng rong tự phát vẫn còn tái diễn ở các tuyến đường xung quanh khu vực chợ Biên Hòa. (Ảnh chụp vào cuối tháng 3-2024). Ảnh: Hải Hà
Hoạt động buôn bán hàng rong tự phát vẫn còn tái diễn ở các tuyến đường xung quanh khu vực chợ Biên Hòa. (Ảnh chụp vào cuối tháng 3-2024). Ảnh: Hải Hà

Tương tự, chị Thu Trang, chủ một sạp tạp hóa tại chợ Biên Hòa cho rằng, các điểm kinh doanh tự phát bên ngoài chợ dễ thu hút khách hàng hơn khi nhiều người có thói quen tiện đâu mua đó, trong khi vào chợ phải gửi xe, mất nhiều thời gian hơn. Từ đó, doanh thu bán hàng cũng bị tác động nhiều bởi các điểm bán hàng tự phát.

* Cần có giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài

Chị Lê Thương (ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, tình trạng các điểm kinh doanh tự phát vẫn còn tái diễn ở nhiều nơi, tập trung ở gần khu vực có đông công nhân, người lao động sinh sống. Nhiều hộ kinh doanh bố trí kệ hàng, dù, bạt chắn cả lối đi, lấn chiếm lòng đường. Điều này gây ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông, văn minh thương mại… Do đó, về lâu về dài, chính quyền địa phương cần có biện pháp mang tính đồng bộ, dài hơi để xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường, thiếu mỹ quan và vệ sinh an toàn thực phẩm… tại các điểm kinh doanh tự phát.

Nếu như trước đây sạp bán được 5 phần thì nay chỉ còn được 1-2 phần do tình hình kinh tế khó khăn, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt với các điểm bán tự phát bên ngoài chợ” – bà Thoại Yến chia sẻ.

Để có thể xử lý các điểm kinh doanh tự phát một cách hiệu quả, các ngành chức năng và các địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các tụ điểm kinh doanh tự phát; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân mua sắm tại các điểm bán hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có kế hoạch mở rộng, phát triển các chợ văn hóa, văn minh… đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.

Theo nhiều chuyên gia, việc kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh tự phát cần được tiến hành một cách căn cơ, dài hơi. Trong đó, có thể lắp đặt các camera theo dõi, xử phạt các trường hợp vi phạm; đề xuất các hướng xử lý đối với các điểm kinh doanh tự phát một cách phù hợp, đúng quy định…

Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển chợ văn minh, văn hóa, an toàn, đảm bảo niêm yết giá, mở rộng thêm nhiều tiện ích… tại các chợ truyền thống để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách hàng, hướng tới các giải pháp về phát triển văn minh thương mại…

Tại nhiều cuộc họp liên quan đến thương mại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, đề xuất phương án điều chỉnh, bố trí các điểm kinh doanh một cách phù hợp để đảm bảo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn, nhu cầu buôn bán cho các hộ kinh doanh, tiểu thương; cũng như đảm bảo hành lang an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Hải Hà

Tin xem nhiều