Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi vỉa hè không dành cho người đi bộ

08:10, 16/10/2012

Tại TP. Hồ Chí Minh, hầu hết vỉa hè dành cho người đi bộ đều bị chiếm dụng. Xung quanh các chợ, khu vực kinh doanh, dịch vụ văn hóa, giải trí, ăn uống…  mặt bằng vỉa hè, nếu không để trưng bày hàng hóa, bàn ghế, thì cũng dùng để giữ xe.

Tại TP. Hồ Chí Minh, hầu hết vỉa hè dành cho người đi bộ đều bị chiếm dụng. Xung quanh các chợ, khu vực kinh doanh, dịch vụ văn hóa, giải trí, ăn uống…  mặt bằng vỉa hè, nếu không để trưng bày hàng hóa, bàn ghế, thì cũng dùng để giữ xe. Nhiều lề đường bị rào chắn tùy tiện, chính quyền địa phương biết nhưng không có biện pháp xử lý. Vì vậy, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường.

Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.Hồ Chí Minh cho biết, năm 2011, trên địa bàn thành phố có gần 80 vụ tai nạn giao thông đối với người đi bộ. Các vụ tai nạn xảy ra đều do lỗi người đi bộ lưu thông xuống phần đường dành cho xe gắn máy. Nguyên nhân chính là nhiều con đường không dành vỉa hè cho khách bộ hành.

Như muốI bỏ biển

Mọi hoạt động dịch vụ, kinh doanh bám theo các tuyến đường giao thông là thói quen của người dân thành thị. Hàng chục năm qua, cũng chỉ vì cung cách quản lý, giám sát không chặt chẽ của nhiều địa phương đã dẫn đến việc lấn chiếm, trưng bày hàng hóa, để xe cộ, gây mất trật tự mỹ quan và làm ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn giao thông.

Với quyết tâm lập lại trật tự lòng lề đường tại một đô thị đông dân nhất nước, vào tháng 11-2009, Quyết định số 5010 của UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành danh mục 73 tuyến đường được phép đậu ô tô dưới lòng đường và 160 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí. Ngay sau khi Quyết định 5010 có hiệu lực, một số tuyến đường khu vực trung tâm hành chính được chấn chỉnh trật tự hơn, ngăn nắp hơn. Nhiều vỉa hè trên địa bàn các quận đều được kẻ vạch sơn trắng để người dân tự giác để xe gắn máy gọn gàng và trật tự.

Tuy nhiên, chỉ một số ít tuyến đường trung tâm thành phố thực hiện nghiêm, còn lại vỉa hè ở các quận, huyện khác vẫn mất trật tự. Ngoài hàng xe được phép để trong vạch, các chủ cửa hàng kinh doanh vẫn cố tình nới ra thêm để tăng thêm lượng xe, hoặc bày biện buôn bán, thậm chí tràn xuống lòng đường, gây mất trật tự. Có rất nhiều vỉa hè rộng bị lấn chiếm, lập bãi xe trái phép hàng chục mét, ngăn trở quyền tham gia giao thông đúng luật của người đi bộ. Đến nay, TP.Hồ Chí Minh có gần 2.400 điểm làm dịch vụ giữ xe, trong đó có 1.437 điểm có sử dụng vỉa hè hoặc một phần vỉa hè để kinh doanh, 303 điểm giữ xe không phép.

Trách nhiệm của ai?

Thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban ATGT TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2012, trong 159 tuyến đường mà các quận, huyện đăng ký lập lại trật tự, đến nay đã có 43 tuyến đường cơ bản hoàn thành tốt các nội dung cam kết, 116 tuyến đường vẫn còn để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông do lòng lề đường bị chiếm dụng để làm dịch vụ kinh doanh.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Việc quản lý giám sát trật tự văn minh đô thị, xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường thuộc về chủ tịch UBND các phường xã, chủ tịch quận huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm lòng lề đường”.

Còn theo Thượng tá Trần Văn Trình, Phó ban ATGT, Phó trưởng Công an quận Tân Bình, giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè phụ thuộc vào cán bộ đảng viên. “Tôi cho rằng vai trò của người chỉ huy, của người lãnh đạo rất quan trọng, nếu ta biết tổ chức, biết tính toán, tham mưu tốt thì việc gì cũng làm được hết. Còn nếu vì phong trào, phát động phong trào xong, sau đó chúng ta chấm hết thì hiệu quả sẽ không có, vấn đề chấn chỉnh lòng lề đường cũng y như thế”, ông Minh nhấn mạnh.

Việc định hướng, xây dựng nếp sống văn minh của TP.Hồ Chí Minh là mong đợi của người dân thành phố. Hậu quả của việc lấn chiếm lòng lề đường thì ai cũng thấy. Vấn đề là ở từng phường xã, quận huyện chọn được thời điểm để triển khai kế hoạch như thế nào cho hợp lý, hợp lòng dân, nhất quán, công bằng, có sức thuyết phục, để có thể huy động được mọi nguồn lực xã hội cùng đồng lòng góp sức thực hiện, cùng chia sẻ quyền lợi cũng như trách nhiệm trong một trật tự mới, một đô thị văn minh hiện đại, mà trước hết, bắt đầu từ những lối đi trên vỉa hè.

Nam Việt

 

 

Tin xem nhiều