Báo Đồng Nai điện tử
En

Giày dép dẫn đầu xuất khẩu của Đồng Nai

04:11, 12/11/2019

Hiện nay, giày dép là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, chiếm gần 24% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đồng Nai cũng là một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu giày dép lớn nhất cả nước.

Hiện nay, giày dép là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, chiếm gần 24% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đồng Nai cũng là một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu giày dép lớn nhất cả nước.

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh
Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh trong 10 tháng của năm 2019 đạt hơn 3,48 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2018. Dự tính năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh sẽ đạt gần 4,3 tỷ USD.

* Xuất vào hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ

Giày dép của các doanh nghiệp Đồng Nai đã được xuất khẩu vào hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có 7 thị trường đang nhập khẩu số lượng lớn từ các doanh nghiệp sản xuất, gia công giày dép của tỉnh là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Bỉ, Đức, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Riêng Hoa Kỳ, trong 10 tháng của năm 2019, đã nhập khẩu giày dép từ Đồng Nai với kim ngạch gần 1,3 tỷ USD, chiếm gần 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm đến nay, thị trường Trung Quốc cũng đứng thứ hai trong các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu giày dép từ tỉnh với 558 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng thời điểm năm trước. Bỉ là quốc gia nhập khẩu giày dép nhiều thứ 3 của Đồng Nai với khoảng 416 triệu USD, tăng gần 13%...

Hầu hết các thương hiệu giày dép lớn của thế giới đã có mặt sản xuất ở Đồng Nai như: Nike, Adidas, Reebok, Puma, Vans... Cuộc chiến thương mại Mỹ -  Trung đã khiến cho nhiều đơn hàng lớn của giày dép đã dịch chuyển qua Việt Nam, trong đó có Đồng Nai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng từng bước nâng cao năng lực, đáp ứng được những đơn hàng khó, thời gian hoàn tất đơn hàng ngắn nên nhiều khách hàng đã đặt hàng với số lượng lớn.

Ông Bang Jin Woo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Công ty chuyên gia công giày thể thao cho thương hiệu Nike để xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Những năm qua, công ty đã liên tục tuyển thêm lao động, tăng công suất để đáp ứng những đơn hàng lớn. Dịp đầu năm nay, Chang Shin đã đầu tư thêm 100 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại huyện Tân Phú nhằm mở rộng sản xuất”.

Đại diện các công ty sản xuất giày dép lớn khác như: Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial, Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam, Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam... đều cho biết, đơn hàng sản xuất hiện khá dồi dào, đầu ra thuận lợi. Chưa kể, có nhiều doanh nghiệp sản xuất giày dép của Đồng Nai đã nhận được đơn hàng đến cuối năm 2020. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của giày dép Đồng Nai liên tục được mở rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. 

* Ngành đứng đầu về xuất siêu

Trong 10 tháng của năm 2019, sản xuất và gia công giày dép của Đồng Nai đã đạt kim ngạch xuất siêu khoảng 3,2 tỷ USD. Đây là ngành có xuất siêu lớn nhất tỉnh và kim ngạch liên tục tăng trong những năm qua, giúp Đồng Nai trở thành tỉnh có xuất siêu lớn của cả nước.

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh
Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh

Nguyên nhân là các doanh nghiệp sản xuất giày dép khi đầu tư vào tỉnh hoạt động hiệu quả đã kéo theo những doanh nghiệp nhỏ cung ứng nguyên, phụ liệu cho mình. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những chính sách ưu đãi trong mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành giày dép nên tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước của sản phẩm dần được nâng lên.

Ông Nam Jung Dae, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho hay: “Công ty luôn ưu tiên tìm nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Như vậy, khi sản phẩm xuất khẩu sang các nước Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do thì sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan”.

Đại diện một số công ty giày dép tại Đồng Nai cho biết, hiện nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất giày dép trong nước đã đáp ứng được 40-50%. Trong đó, có những đơn hàng nguyên liệu trong nước đáp ứng được đến 80-90%. Nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng đa dạng và giá tương đối cạnh tranh nên các doanh nghiệp giảm nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài nhìn thấy tiềm năng khi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực giày dép nên nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành này đã được thành lập.

Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, giày dép là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai. Kim ngạch xuất khẩu của giày dép mỗi năm đều tăng trưởng trên 15% và thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng.

Khánh Minh

Tin xem nhiều