Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với suy giảm thị trường

14:50, 04/07/2023

Nửa đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp, lĩnh vực chủ đạo trong nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sự sụt giảm quy mô ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu vẫn còn tiếp diễn, các doanh nghiệp (DN) đang gồng gánh để sản xuất cầm chừng, giữ chân người lao động.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh khó khăn tiếp diễn, khảo sát xu hướng kinh doanh cho thấy, các DN đang mong chờ sự khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm khi kinh tế thế giới hồi phục.

Giá trị tăng thêm còn thấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%. Trong đó, sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Tốc độ giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý
II-2023 đạt 1,56% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp chỉ 0,44%.

Riêng trong quý II-2023, 2 yếu tố nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao vẫn là những yếu tố tác động nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Việc cắt điện luân phiên tại một số địa phương phía Bắc đã ảnh hưởng đến nhiều DN. Quý II-2023 cũng là quý đầu tiên trong vòng 5 năm gần đây chỉ có khoảng 40% DN sử dụng công suất máy móc, thiết bị từ 70% đến dưới 90%.

Tương tự, với Đồng Nai, tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm không khá hơn, chỉ đạt 4,01%. Thu ngân sách, giá trị xuất - nhập khẩu giảm; cộng đồng DN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đó là những thách thức đang đợi các cấp ngành và DN giải quyết. Đặc biệt, các ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với nhu cầu suy giảm của thị trường cả trong và ngoài nước.

Công nghiệp là lĩnh vực chủ lực của kinh tế Đồng Nai chỉ tăng 2,28%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm vào tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế. Đây là mức tăng giá trị tăng thêm thấp nhất trong 3 năm dịch bệnh và biến động của thế giới.

Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn nhận định, ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát, giá vật tư hàng hóa, nhiên liệu, vật liệu vẫn ở mức cao… đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DN. Đơn hàng sản xuất bị sụt giảm mạnh, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến ở các DN, nhất là các ngành: giày da, may mặc, dệt, sản phẩm gỗ, điện tử... Bên cạnh đó, giá điện tăng tạo thêm áp lực về chi phí nên sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 có mức tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước.

DN chờ vào những tháng cuối năm

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 6,5 ngàn DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn cả nước trong quý II-2023 cho thấy, có 27,5% DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với quý I; có 36,7% cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và 35,8% DN đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý III-2023, có 34,3% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,3% cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% dự báo khó khăn hơn. Như vậy, đa số DN cho rằng, dù khó khăn nhưng họ vẫn hy vọng giữ được mức sản xuất ổn định và rất kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, từ đó giúp cho nhu cầu và sản lượng cung ứng của DN tăng.

Bên cạnh sự nỗ lực của mình, trong tình hình còn nhiều khó khăn, thời gian tới, các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kiến nghị cơ quan, ban, ngành đảm bảo ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không bị gián đoạn. Đồng thời, kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ DN tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều DN gặp khó khăn về tài chính mong muốn được giảm mạnh lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh kịp thời và hiệu quả.

Giám đốc Công ty TNHH Năng Lượng Xanh (TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Quý chia sẻ, sản phẩm của DN thời gian này bán ra đang gặp khó. Để duy trì hoạt động, DN đã phải xoay xở mở thêm các lĩnh vực khác như: ẩm thực, xây dựng... Trong bối cảnh khó khăn, cũng như hầu hết các DN khác, ông Quý mong muốn Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, từ đó kích thích các ngành nghề phụ trợ khác phát triển. Khi đầu tư công được triển khai nhanh, các DN sẽ có thêm động lực phục hồi trong chặng đường sắp tới.                                                                                      

Văn Gia

Tin xem nhiều