Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo môi trường đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp

Ngọc Liên
08:45, 10/04/2024

Hết quý I-2024, Đồng Nai đứng thứ 6 cả nước về thu hút doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Để tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI chất lượng cao, tỉnh đang ráo riết chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, cải tạo môi trường đầu tư tốt hơn.

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Sông Mây. Ảnh:N.Liên
Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Sông Mây. Ảnh:N.Liên

Điển hình, gần đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND (Chỉ thị 03) về tăng cường trách nhiệm công vụ trong thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, DN; tăng gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe những ý kiến, vướng mắc của DN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, công trình trọng điểm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa
bàn tỉnh…

* DN đặt nhiều kỳ vọng

Với lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, Đồng Nai trở thành cực hút được nhiều nhà đầu tư trong nước, DN FDI quan tâm. Hiện Đồng Nai thu hút hơn 1,6 ngàn dự án FDI từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 36 tỷ USD, nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Dù đã đạt được kết quả khả quan trong thu hút đầu tư nhưng Đồng Nai vẫn quyết liệt khắc phục những tồn tại, hạn chế, lắng nghe nhà đầu tư để giải quyết, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư.

Gặp gỡ, chia sẻ với lãnh đạo tỉnh, Phó tổng lãnh sự Nhật Bản Furudate Seiki cho hay, thời gian qua, DN Nhật Bản đã nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện rất lớn từ lãnh đạo Đồng Nai. Tuy nhiên, các DN Nhật Bản mong muốn tỉnh thường xuyên lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của DN để kịp thời đáp ứng, giải quyết các vấn đề khó khăn mà DN đang vướng mắc. Nếu tỉnh cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, sẽ có thêm cơ hội đón nhận nhiều dòng vốn FDI chất lượng từ Nhật Bản và các nước khác.

Giám đốc Nhà máy Nestlé Đồng Nai (tại Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) Urs Kloeti cho biết, từ nhiều năm nay, Nestlé luôn xác định Đồng Nai là điểm đến quan trọng để công ty chọn đầu tư sản xuất. Thực tế thời gian qua, Nestlé Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ từ các sở, ban, ngành của tỉnh. Đặc biệt, trong chiến lược chuyển đổi số của công ty, bên cạnh sự ủng hộ của các cấp chính quyền, sở, ngành, Nestlé Việt Nam cam kết sẽ luôn nỗ lực để chung tay thực hiện các chủ trương của tỉnh.

Theo ông Urs Kloeti, yếu tố quan trọng của một DN thành công chính là sự kiến tạo, DN được khuyến khích phát triển. Những chính sách khuyến khích DN của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng trở thành nguồn khích lệ lớn để DN mạnh dạn phát triển. Do đó, Đồng Nai cần tiếp tục có những cải cách hành chính, nhất là các loại giấy phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy…, tạo điều kiện cho DN ngày càng phát triển lớn mạnh.

* Tăng gắn kết giữa DN với chính quyền địa phương

Đồng Nai hiện có 33 khu công nghiệp đã hình thành và 6 khu công nghiệp đang chờ được Chính phủ phê duyệt để thành lập. Như vậy, Đồng Nai còn nhiều dư địa để thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng DN FDI tại Đồng Nai đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. DN FDI đã, đang và sẽ là những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của Đồng Nai.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Gặp gỡ DN FDI năm 2024, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh, việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ DN phát triển, trong đó có các DN FDI là mục tiêu của chính quyền Đồng Nai. Với quan điểm đó, Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo các sở, ban, ngành áp dụng triệt để dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đạo đức công vụ để phục vụ DN tốt hơn.

Thời gian qua, trên một số lĩnh vực, mối quan hệ giữa sở, ngành và DN chưa tốt. Do đó, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, thời gian tới cần chấn chỉnh và làm tốt hơn, có như thế mới tạo được tình cảm với DN. Trong giải quyết các hồ sơ, thủ tục, các sở, ngành, địa phương cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, giải quyết nhanh những khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN. Đặc biệt, trong quá trình DN đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Đồng Nai, nếu gặp trở ngại gì thì các sở, ngành, địa phương đồng hành cùng tháo gỡ nhanh. Nếu vướng mắc vượt thẩm quyền của tỉnh thì tổng hợp gửi UBND tỉnh để đề xuất Chính phủ sớm tháo gỡ.

Theo các DN, tỉnh nên thường xuyên gặp gỡ, đối thoại sẽ góp phần tăng tính gắn kết giữa DN với chính quyền, giúp hiểu nhau hơn và hỗ trợ nhau tốt hơn.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều