Báo Đồng Nai điện tử
En

Rau rừng tìm đường vào siêu thị

10:08, 30/08/2011

Nhiều quán ăn, nhà hàng ở thị xã Long Khánh, TP. Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh… đang sử dụng những món rau rừng được xem như đặc sản. Và, nhu cầu về loại rau này ngày một tăng.

Nhiều quán ăn, nhà hàng ở thị xã Long Khánh, TP. Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh… đang sử dụng những món rau rừng được xem như đặc sản. Và, nhu cầu về loại rau này ngày một tăng.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) đã sản xuất và phát triển những loại rau rừng khá bài bản với gần chục loại được trồng tại đây.

* Đặc sản rau rừng

Kỹ sư Trịnh Đức Phong đưa chúng tôi đi tham quan vườn rau của Trung tâm sinh thái văn hóa lịch sử chiến khu Đ (TTSTVH) thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ở đây có gần chục loại rau rừng được trung tâm sưu tầm về trồng. Ngoài những loại khá quen, như: lá giang, khổ qua rừng, chùm ngây, chùm bao (lạc tiên) , còn có một số rau gắn liền với một thời “rừng che bộ đội” ở chiến khu Đ ngày xưa: rau nhíp, tàu bay, bìm bịp, bình bát... Một loại rau đặc sản khác của đồng bào dân tộc Chơro là lá bướm cũng được trồng ở đây. Anh Phong cho biết, do là loại rau hoang dại ngoài thiên nhiên nên khả năng chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt rất tốt. Không chỉ vậy,  rau còn ít bị sâu bệnh gây hại.

Kỹ sư Trịnh Đức Phong đang kiểm tra vườn rau rừng.    Ảnh: V.NAM
Kỹ sư Trịnh Đức Phong đang kiểm tra vườn rau rừng. Ảnh: V.NAM

 Anh Phong tâm sự: “Chúng tôi trồng rau rừng giống như những loại rau nhà nhưng phát triển rất mạnh, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích. Có thể nói rau hoàn toàn sạch. Những loại rau này đang được người dân sử dụng ngày một nhiều dần. Ở chợ Vĩnh An (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu), người dân bán rau bìm bịp với cái tên là rau “ngót Thái Lan”. Trong siêu thị, rau lạc tiên được bán khá mắc, dùng để làm thuốc; lá giang cũng bán nhiều. Ở đây, mỗi khi có đoàn khách du lịch đến ai nấy đều mua vài ký về ăn và làm quà”. 

Mỗi loại rau được gắn với một món ăn cụ thể, như: lá giang dùng nấu canh gà; đọt khổ qua, ngọn tàu bay nấu lẩu; bìm bịp, lá bướm, chùm ngây nấu canh tôm, canh thịt bằm…

* Làm chứng nhận cho rau

Nhằm phổ biến hơn những loại rau rừng này, vừa qua TTSTVH đã đưa mẫu rau bìm bịp đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) để xét nghiệm những thành phần  trong loại rau này. Kết quả cho thấy rau bìm bịp có nhiều chất đạm, chất xơ và đặc biệt là giàu canxi. Anh Phong nói: “Rau bìm bịp có tên khoa học là Clinacanthus nutans lindau, sở dĩ có tên là bìm bịp do chim bìm bịp sử dụng loại lá này để chữa gãy chân cho con của chúng. Trong y học cổ truyền, loại rau này có tác dụng chữa bệnh gút, giảm đau và chống viêm. Thời gian tới, trung tâm sẽ đưa những loại rau như: lá bướm, tàu bay, chùm ngây và rau nhíp đi xét nghiệm các thành phần dinh dưỡng để phổ biến cho người tiêu dùng biết. Hiện nay chúng tôi đang hoàn tất thủ tục để đưa một số loại rau rừng này vào siêu thị”.

Theo TTSTVH, thời gian tới sẽ hỗ trợ người dân sinh sống ở xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai phát triển kinh tế bằng loại rau này. Trung tâm đã xây dựng hẳn một quy trình sản xuất rau, củ rừng và đang triển khai những vườn giống có chất lựơng cao. Đất và nước ở đây cũng đã được đưa đi xét nghiệm để triển khai chương trình trồng rau sạch.

Hiện nay, rau rừng ở Vĩnh Cửu được bán với giá từ 40 đến 80 ngàn đồng/kg tùy loại. Thương lái cũng lùng mua nhiều loại rau rừng đưa về TP.Hồ Chí Minh cung cấp cho các nhà hàng làm món ăn đặc sản.

Công dụng của mướp đắng rừng và chùm bao

Trồng mướp đắng ở TTSTVH. Ảnh: QK
Trồng mướp đắng ở TTSTVH. Ảnh: QK

 

* Mướp đắng rừng (khổ qua): Theo Đông y, mướp đắng có tính hàn, vị đắng, nếu được dùng thường xuyên sẽ giảm được một số bệnh ngoài da; kích thích ăn uống, thoái nhiệt. Chất  alkaloid trong mướp đắng có công hiệu lợi tiểu, máu lưu thông. Dùng mướp đắng như một thức uống hằng ngày sẽ  bổ tỳ vị. Những người bị viêm gan, tiểu đường thường xuyên ăn mướp đắng cũng rất tốt.

* Chùm bao (lạc tiên, nhãn lồng, long châu): Dân gian thường dùng dây và lá sắc uống làm thuốc an thần chữa mất ngủ. Theo sách Trung dược đại từ điển, quả lạc tiên (long châu quả) vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc,  dùng chữa ho do phế nhiệt, phù thũng, giã đắp chữa ung nhọt lở loét ở chân. Theo sách Thuốc cổ truyền và ứng dụng lâm sàng của giáo sư Hoàng Bảo Châu thì dây, lá, hoa lạc tiên thái nhỏ, phơi khô sắc uống có công dụng an thần, giải nhiệt, mát gan; chữa trị đau đầu, mất ngủ... Trong Dược điển Pháp có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: trấn tĩnh, an thần, chống hồi hộp, lo âu, mất ngủ. Nó còn có tác dụng trực tiếp lên cơ trơn, làm giãn và chống co thắt nên chữa được các chứng đau do co thắt đường tiêu hóa, tử cung.

Quốc Khánh (st)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vân Nam

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều