Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Mai một nghề đúc gang

09:09, 28/09/2011

Đúc gang Thạnh Phú là một trong các nghề truyền thống xuất hiện ở Đồng Nai khá sớm. Theo nhu cầu của thị trường, các sản phẩm đúc gang ngày càng đa dạng về mẫu mã. Song, đa số cơ sở đúc gang đều có công nghệ lạc hậu nên đang đánh mất nhiều cơ hội.

 

Đúc gang Thạnh Phú là một trong các nghề truyền thống xuất hiện ở Đồng Nai khá sớm. Theo nhu cầu của thị trường, các sản phẩm đúc gang ngày càng đa dạng về mẫu mã. Song, đa số cơ sở đúc gang đều có công nghệ lạc hậu nên đang đánh mất nhiều cơ hội.

Các cơ sở đúc gang chủ yếu nằm ở ấp 2, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Nghề này có mặt ở Đồng Nai gần 200 năm, lúc đầu chỉ đúc các sản phẩm thô sơ, như: đầm, nòng xe ngựa, xe bò, quả cân. Qua mỗi giai đoạn, sản phẩm đúc gang lại bổ sung thêm cho phù hợp nhu cầu của thị trường. Hiện nay, các cơ sở có thể đúc được một số thiết bị cho máy bơm nước, máy nông nghiệp và công nghiệp. Nhưng vì thiết bị lạc hậu nên các cơ sở mới dừng lại ở bước gia công cho các doanh nghiệp, cơ sở tiện, lợi nhuận thu được không cao.[links(left)]

 

 * Đánh mất cơ hội

Nghề đúc gang tuy vất vả, cực nhọc nhưng gắn bó với người dân Thạnh Phú một chặng đường dài gần 200 năm. Trải qua biết bao thăng trầm, những thế hệ con cháu yêu nghề vẫn quyết tâm giữ bằng  được nghề truyền thống. Song đôi khi lực bất tòng tâm, nhiều nghệ nhân dù cố gắng hết sức mà nghề đúc gang vẫn đang dần bị mai một. Đa số cơ sở có diện tích nhỏ hẹp không thể đầu tư máy móc hiện đại mở rộng sản xuất nên đành chấp nhận gia công các sản phẩm thô, hiệu quả kinh tế thấp.

Sản xuất gang tại HTX Trọng Nghĩa, xã Thạnh Phú.         Ảnh: H.GIANG
Sản xuất gang tại HTX Trọng Nghĩa, xã Thạnh Phú. Ảnh: H.GIANG

 

Anh Nguyễn Hoàng Minh, chủ cơ sở đúc gang Ba Minh tại ấp 2, xã Thạnh Phú, cho biết: “Do công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra thô sơ giá trị không cao. Nếu sớm được vào cụm công nghiệp làng nghề ở xã Tân An có diện tích rộng để đầu tư nhà xưởng, máy móc sản xuất theo quy trình khép kín đúc - tiện ra các sản phẩm hoàn chỉnh thì lợi nhuận tăng gấp 2 lần. Đồng thời, đầu ra cũng thuận tiện hơn và nhiều cơ hội nhận được các đơn đặt hàng lớn”. Ông Lê Văn Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã đúc gang Trọng Nghĩa - xã Thạnh Phú, cho hay: “Cách đây 2 năm, HTX mang một số sản phẩm đi tham dự hội chợ làng nghề, sau đó có hơn 10 công ty liên hệ đến thăm HTX và các cơ sở xã viên để đặt hàng. Nhưng sau khi tham quan nơi sản xuất của HTX và các cơ sở, các công ty đều lặng lẽ rút lui vì nhà xưởng chật hẹp, thiết bị lạc hậu không đáp ứng kịp những đơn đặt hàng lớn của họ”. Cũng vì nhà xưởng chật hẹp, thiết bị lạc hậu, các cơ sở đúc gang Thạnh Phú đã đánh mất không ít cơ hội có thể ổn định và phát triển sản xuất.

* Thợ bỏ nghề

Do công nghệ, thiết bị lạc hậu, nghề đúc gang Thạnh Phú chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp, cơ sở tiện trong và ngoài tỉnh nên đầu ra bấp bênh, đơn đặt hàng hạn chế. Các đơn đặt hàng chủ yếu vào mùa khô, còn mùa mưa rất ít. Do đó, lao động trẻ phần lớn bỏ nghề để vào làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp có thu nhập ổn định. Nghề đúc gang chủ yếu chỉ còn lại người lớn tuổi tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm. Vào năm 2006, thợ làm nghề đúc gang ở Thạnh Phú khoảng trên 200 người nhưng nay chỉ còn gần 100 người. Hiện chỉ còn 8 cơ sở sản xuất gang, giảm một nửa cả về số cơ sở lẫn công suất.

Ông Trương Tấn Thọ, chủ cơ sở sản xuất gang ấp 2, Thạnh Phú, tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề đúc gang từ trẻ, đến nay là 40 năm, nhưng chưa khi nào thấy nghề suy yếu như hiện nay. Cách đây 4 năm, cơ sở tôi xuất 3 đợt hàng/tháng, nay giảm xuống còn 1 đợt/tháng và số hàng mỗi đợt xuất cũng giảm một nửa. Bên cạnh những khó khăn về đầu ra, giá nguyên liệu, công thuê thợ hiện tăng gấp 2-3 lần, trong khi sản phẩm bán ra chỉ tăng 5-8%, có những lô hàng tôi chịu lỗ hoặc huề vốn”.

Thợ đúc gang đang làm việc tại cơ sở của anh Minh ở ấp 2, xã Thạnh Phú. Ảnh: H.GIANG
Thợ đúc gang đang làm việc tại cơ sở của anh Minh ở ấp 2, xã Thạnh Phú. Ảnh: H.GIANG

 

Thực tế, nghề đúc gang Thạnh Phú đang dần bị mai một, các cơ sở còn trụ lại đa số là những người lớn tuổi đã từng gắn bó với nghề 30-40 năm. Hiện các cơ sở đúc gang đều mong muốn huyện sớm quy hoạch xong cụm công nghiệp ở xã Tân An để họ có thể di dời đến. Có diện tích rộng, phù hợp quy hoạch, các cơ sở  sẽ yên tâm đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại kết hợp đúc - tiện nâng giá trị sản phẩm, đầu ra sẽ ổn định hơn. Đồng thời, có mặt bằng sản xuất tươm tất giúp các cơ sở dễ dàng ký được các hợp đồng lớn với các công ty. Tuy nhiên, cụm công nghiệp Tân An quy hoạch để di dời các cơ sở đúc gang và một số nghề truyền thống vào đây vẫn còn đang nằm trên giấy hơn 4 năm nay. Trước đây, dự tính quy hoạch cụm công nghiệp rộng hơn 14 hécta, nay diện tích chỉ còn trên 4 hécta, song ngổn ngang đầy những ao hồ chưa được san lấp. Do đó, các cơ sở đúc gang Thạnh Phú chưa biết đến bao giờ mới có được mặt bằng để di dời vào khôi phục lại sản xuất.

Hương Giang 

 

 

Tin xem nhiều