Báo Đồng Nai điện tử
En

“Xây dựng nông thôn mới là để tri ân nông dân”

09:09, 09/09/2011

“Xây dựng nông thôn mới (NTM) được Đảng và Nhà nước xem như  là chương trình lớn nhằm tri ân nông dân”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiêm Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Nguyễn Đăng Khoa đã nhấn mạnh đến điều này khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Nai.

Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa
Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa
“Xây dựng nông thôn mới (NTM) được Đảng và Nhà nước xem như  là chương trình lớn nhằm tri ân nông dân”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiêm Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Nguyễn Đăng Khoa đã nhấn mạnh đến điều này khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Nai.

* Phóng viên: Thứ trưởng có nhận xét gì về đầu tư xây dựng NTM ở Đồng Nai?

- Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa: Trong gần 3 năm qua, Đồng Nai đã có những cố gắng rất lớn trong việc xây dựng NTM ở các xã điểm. Cụ thể, đời sống của người dân tại các xã điểm được nâng lên, hạ tầng được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, số hộ nghèo giảm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: đầu tư còn dàn trải, chưa dồn sức tập trung xây dựng hoàn chỉnh 1-2 xã điểm để rút kinh nghiệm những mặt được, chưa được nhằm nhân rộng ra các xã điểm còn lại. Vì vậy, kết quả đạt được trong chương trình xây dựng NTM của tỉnh chưa cao. Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách về xây dựng NTM cho người dân ở các xã điểm chưa được chú trọng nên không phát huy hết được sức mạnh từ cộng đồng dân cư. Đội ngũ cán bộ ấp, xã nơi trực tiếp thực hiện chương trình chưa được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nên triển khai không hiệu quả.

* Trong 5 năm tới Đồng Nai sẽ chọn 33 xã điểm xây dựng NTM, theo Thứ trưởng tỉnh cần làm gì để đạt được kết quả như các tiêu chí đề ra?

Đồng Nai dự tính sẽ đầu tư gần 29 ngàn tỷ đồng để thực hiện chương trình NTM trong giai đoạn 2011-2020. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 60%, còn lại vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và huy động từ cộng đồng. Riêng giai đoạn 2011-2015 sẽ đầu tư gần 16 ngàn tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, phần còn lại sẽ đầu tư tiếp trong giai đoạn 2016-2020.

- Chưa có chương trình nào lớn và hợp lòng dân như chương trình xây dựng NTM với động lực nhằm mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho người dân ở đó. Làm NTM là trả lại cho nông dân, vì trong suy giảm kinh tế, nông nghiệp luôn là trụ đỡ vững chắc và thực tế thời gian qua đã chứng minh điều đó. Muốn xây dựng NTM thành công, tỉnh phải quy hoạch thực hiện theo 19 tiêu chí của trung ương và có lựa chọn cho phù hợp với thực tế của từng vùng. Các xã điểm thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM và do bí thư xã làm trưởng ban chỉ đạo. Các ban chỉ đạo xã có chế độ làm việc đặc biệt là mỗi thành viên phân công lĩnh vực làm việc cụ thể để chịu trách nhiệm. Việc gì xã làm được nên để xã tự làm, không nên thuê tư vấn nhằm giảm bớt chi phí. Ví dụ như, các công trình xây dựng đường sá nên để dân làm chủ đầu tư và giám sát sẽ giảm được nhiều chi phí so với thuê đơn vị thiết kế, thi công. Hỗ trợ của Nhà nước phải rõ ràng về chính sách cho các xã biết để cân đối. Đồng thời, đặt quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp lên hàng đầu và coi đào tạo nghề cho lao động nông thôn là vấn đề cốt lõi. Xây dựng NTM là công việc chung của các ngành chứ không riêng ngành nông nghiệp, vì thế các ban ngành, đoàn thể phải cùng chung sức làm hết trách nhiệm và tận tâm coi đây là việc làm tri ân với nông dân.

Mô hình tiêu an toàn dịch bệnh cho thu nhập cao của ông Lập ở xã nông thôn mới Thanh Bình (huyện Trảng Bom).
Mô hình tiêu an toàn dịch bệnh cho thu nhập cao của ông Lập ở xã nông thôn mới Thanh Bình (huyện Trảng Bom).

* Thứ trưởng có đề cập đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn là vấn đề cốt lõi, vì sao?

- Ở Đồng Nai cũng như cả nước, đa số người dân sống bằng nông nghiệp và phần lớn thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, không có tay nghề để chuyển đổi việc làm. Vì vậy, các địa phương tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đến năm 2020 chỉ còn trên 30% lao động sống bằng nông nghiệp, số còn lại chuyển đổi sang các ngành nghề khác nhằm tăng thu nhập cho người dân. Để đào tạo nghề đem lại hiệu quả, địa phương nên tìm hiểu trước nhu cầu của người dân, những lao động gắn bó với nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hạ giá thành sản phẩm nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích. Còn những nông dân có nhu cầu chuyển đổi nghề thì cần điều chỉnh đào tạo cho họ một nghề phù hợp.

  *  Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Trong giai đoạn 2008-2010, Đồng Nai chọn huyện Xuân Lộc và 18 xã trên địa bàn 10 huyện, thị xã làm xã điểm xây dựng NTM. Từ năm 2011-2015, tỉnh chọn và bổ sung nâng lên 33 xã điểm xây dựng NTM. Mục tiêu của tỉnh là sau 5 năm, thu nhập bình quân đầu người tại các xã điểm đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên 1 hécta  đất nông nghiệp đạt hơn 92 triệu đồng/hécta và cơ bản không còn hộ nghèo.

K.M

 

 Hương Giang (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều