Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Để giữ nghề truyền thống

09:10, 02/10/2011

Thời gian qua, tỉnh và các địa phương có một số giải pháp hỗ trợ nhằm lưu giữ và phát triển các làng nghề truyền thống. Song, để nghề truyền thống tồn tại và phát triển đòi hỏi chính sách cụ thể, thiết thực hơn nữa.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND Xuân Lộc.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND Xuân Lộc.
Thời gian qua, tỉnh và các địa phương có một số giải pháp hỗ trợ nhằm lưu giữ và phát triển các làng nghề truyền thống. Song, để nghề truyền thống tồn tại và phát triển đòi hỏi chính sách cụ thể, thiết thực hơn nữa.

Mộc mỹ nghệ, đúc gang và gốm là những nghề truyền thống nổi tiếng của Đồng Nai. Tỉnh cũng đã phối hợp với địa phương có hỗ trợ, như: đào tạo nghề, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ lớn để tìm đầu ra. Thế nhưng, những hỗ trợ này vẫn chưa đủ lực để khôi phục, phát triển các làng nghề.

 * Giải quyết khó khăn về vốn

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc khẳng định, thời gian qua huyện đã tiến hành thành lập tổ hợp tác nhằm liên kết các cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ lại với nhau và sẽ tiến tới thành lập hợp tác xã để có đủ năng lực pháp lý ký kết các hợp đồng lớn. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở tham gia các hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Song, khó khăn lớn nhất của các cơ sở mộc mỹ nghệ ở xã Xuân Tâm hiện nay là thiếu vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất. Tuy huyện có đề nghị phía ngân hàng ưu tiên nguồn vốn cho các cơ sở mộc mỹ nghệ bằng hình thức cho vay thế chấp máy móc, nhà xưởng, nhưng rất ít hộ được vay vốn. Tới đây, huyện nhanh chóng hỗ trợ tổ hợp tác mộc mỹ nghệ thành lập HTX để có thể vay được các nguồn vốn hỗ trợ khác.

Ông Nguyễn Hữu Lý - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu.
Ông Nguyễn Hữu Lý - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu.

* Nhanh chóng hoàn thành hạ tầng

Nhắc đến những khó khăn của nghề đúc gang Thạnh Phú, ông Nguyễn Hữu Lý, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho hay, hiện nay huyện đã làm xong hồ sơ quy hoạch cụm công nghiệp nghề truyền thống với diện tích trên 4 hécta. Thời gian qua, việc quy hoạch và giao mặt bằng cho các cơ sở đúc gang chậm trễ là do thiếu kinh phí đầu tư san lấp mặt bằng. Trước đây, huyện dự tính giao việc san lấp mặt bằng cho Hợp tác xã đúc gang Trọng Nghĩa và một hợp tác xã mây tre đan đầu tư xây dựng nhưng không được tỉnh chấp thuận. Năm 2011, thực hiện chính sách tiết giảm đầu tư công nên các dự án chuẩn bị hoặc mới đầu tư phải tạm ngưng. Dự định sang năm 2012 cân đối nguồn vốn ưu tiên cho việc san lấp mặt bằng và làm hạ tầng để sớm có thể giao đất cho các cơ sở đúc gang xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất.

* Đợi hỗ trợ của tỉnh

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa.
Về những nỗi lo của chủ các cơ sở gốm và mong muốn được thành phố miễn giảm tiền hạ tầng, tiền thuế đất, hỗ trợ di dời…, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, cho biết kinh phí đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Tân Hạnh trên 200 tỷ đồng do thành phố phải vay để xây dựng. Vì thế, thành phố không thể miễn giảm được tiền hạ tầng cho các đơn vị. Còn tiền thuê đất là quy định chung của Nhà nước và do tỉnh thu. Tuy nhiên, để các cơ sở gốm bớt khó khăn, có điều kiện lưu giữ phát triển nghề gốm, thành phố kiến nghị tỉnh nhanh chóng tính toán mức hỗ trợ giúp các cơ sở đủ khả năng di dời vào cụm công nghiệp. Đồng thời, tỉnh có thêm các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và cho vay vốn với lãi suất thấp để các cơ sở yên tâm xây dựng nhà xưởng và khôi phục lại sản xuất.

* Các cơ sở liên kết lại

Ông Lâm Quang Liêm - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh.
Ông Lâm Quang Liêm - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh.

Theo ông Lâm Quang Liêm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh, các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay đa số đều gặp tình trạng thiếu vốn đầu tư để tạo ra các sản phẩm đa dạng, phong phú về mẫu mã. Vì thế, sản phẩm của một số nghề truyền thống còn thô sơ, chưa thu hút được khách hàng, dẫn đến đầu ra hạn chế. Nhiều thợ có tay nghề cao nhưng thu nhập thấp, phải bỏ nghề để tìm việc khác. Các nghề truyền thống hầu hết thiếu thợ có tay nghề và nghề mộc mỹ nghệ, đúc gang, gốm cũng không tránh khỏi khó khăn trên. Để lưu giữ, phát triển nghề truyền thống, thời gian qua tỉnh có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các nghề truyền thống, xúc tiến thương mại bằng hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường. Song, để các nghề truyền thống thực sự đủ mạnh và phát triển bền vững, tỉnh cần có thêm các chính sách ưu đãi, như: hỗ trợ vốn vay, miễn giảm thuế đất, tiền hạ tầng cho các cơ sở phải di dời vào cụm công nghiệp. Phía các cơ sở liên kết lại tạo thành các hợp tác xã để đủ khả năng đáp ứng được các đơn hàng lớn và tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, Sở đã được tỉnh giao tính toán mức hỗ trợ di dời cho các cơ sở sản xuất gốm ở Biên Hòa. Đến đầu tháng 9-2011, dự án hỗ trợ di dời các cơ sở gốm đã lấy ý kiến các sở ngành lần thứ 4, song vẫn chưa được tỉnh phê duyệt.

 

 

 

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều