Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch đất ngập nước: Một trải nghiệm tuyệt vời!

10:02, 01/02/2012

Đây là chủ đề chính của hoạt động hưởng ứng Ngày đất ngập nước Thế giới được tổ chức ở Việt Nam từ ngày 2-2 đến 15-3-2012.

Đây là chủ đề chính của hoạt động hưởng ứng Ngày đất ngập nước Thế giới được tổ chức ở Việt Nam từ ngày 2-2 đến 15-3-2012.

Bò tót ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh VQG Cát Tiên).
Bò tót ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh VQG Cát Tiên).

Nhiều du khách đến Vườn quốc gia ( VQG) Cát Tiên thường không bỏ lỡ cơ hội tham quan tuyến Bàu Sấu, vì không chỉ được đi xuyên rừng, tận mắt chứng kiến nhiều cây gỗ đại thụ, nhiều loài dây leo thân gỗ, quan sát được những loài chim thú quý hiếm, mà còn được chiêm ngưỡng Bàu Sấu có khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh, không khí trong lành, yên tĩnh.

* HỆ ĐẤT NGẬP NƯỚC Ở CÁT TIÊN

Thực ra, hệ đất ngập nước (ĐNN) ở VQG Cát Tiên không chỉ có Bàu Sấu, mà còn có sông Đồng Nai, các suối và các bàu (đầm) liên thông với nhau rộng hơn 2.500 hecta vào mùa mưa và thu hẹp khoảng 100 - 150 hecta vào mùa khô như: Bàu Sấu, Bàu Chim, Bàu Cá... Đây là một dạng ĐNN ngọt nội địa ven sông độc đáo trong các kiểu rừng thấp của miền Đông Nam bộ, Việt Nam. Năm 2005, Ban thư ký công ước Ramsar đã công nhận hệ ĐNN Bàu Sấu là vùng ĐNN có tầm quan trọng thứ 1.499 của thế giới.

Một góc Bàu Sấu.
Một góc Bàu Sấu.

Các vùng ĐNN ở VQG Cát Tiên đều là tự nhiên, mang tính hoang sơ, ít bị tác động của con người; chất lượng nước tốt, nước trung tính. Sông Đồng Nai (đứng thứ ba sau sông Mê Kông và sông Hồng về chiều dài và diện tích lưu vực sông) bắt nguồn từ dãy núi Lâm Viên, Bi Doup trên cao nguyên Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng, có chiều dài 635 km, đổ ra biển tại cửa Soài Rạp và cửa Lòng Tàu. Đoạn sông Đồng Nai chảy qua VQG Cát Tiên dài khoảng 90 km làm thành ranh giới tự nhiên bao bọc 1/3 chu vi của VQG về phía Bắc, phía Tây và phía Đông. Các suối lớn, nhỏ trong VQG đều chảy ra sông Đồng Nai.

Suối Đắk Lua là suối lớn nhất trong vùng, có nước quanh năm, bắt nguồn từ vùng núi có cao độ khoảng 350m ở ranh giới phía Nam của tỉnh Bình Phước. Vào mùa mưa, suối Đắk Lua trở thành cầu nối giữa sông Đồng Nai với các suối, các bàu ở trong VQG, làm cho vùng lưu vực này trở thành hệ sinh thái ĐNN mở, cung cấp một số lượng lớn phù sa và sinh vật thủy sinh vào sâu trong nội địa các bàu, cung cấp dinh dưỡng cho hệ sinh thái này. Vào mùa khô, nước rút ra sông Đồng Nai qua con suối Đắk Lua hình thành ở các vùng bán ngập là các sinh cảnh đồng cỏ hấp dẫn các loài thú móng guốc.

Giá trị về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, Bàu Sấu là sinh cảnh tuyệt vời của loài cá sấu xiêm, các loài động thực vật thủy sinh, các loài cá nước ngọt, các loài chim có đời sống quan hệ mật thiết với nước, đặc biệt là các loài chim đang bị đe dọa của Việt Nam cũng như của thế giới như: ngan cánh trắng, quắm cánh xanh, già đẩy ja va... Các loài thú như: bò tót, nai, heo rừng cũng thường xuất hiện ở khu vực này vào mùa khô hàng năm.

* ĐANG BỊ ĐE DỌA

ĐNN ở VQG Cát Tiên còn có giá trị về mặt kinh tế và xã hội, có tác dụng điều tiết nguồn nước cho hồ thủy điện Trị An, giữ các chất lắng đọng, chất độc và cung cấp nguồn nước cho hơn 15 triệu người dân sinh sống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản dọc lưu vực sông Đồng Nai. Đây là địa điểm lý tưởng, luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu khoa học trong việc khám phá những bí ẩn về thế giới thiên nhiên; đồng thời là nơi phục vụ cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng.

Hạc cổ trắng.
Hạc cổ trắng.

Tuy nhiên, do các hoạt động của con người và tác động của tự nhiên nên các vùng ĐNN nơi đây đang có chiều hướng suy giảm tính đa dạng sinh học và các giá trị. Do đó, nếu không có những giải pháp quản lý, bảo tồn hữu hiệu và kịp thời thì hệ thống ĐNN này sẽ có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng. Đáng kể là ngay cả các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương gây ô nhiễm nước do việc sử dụng phân bón, hóa chất hoặc nuôi trồng các loài sinh vật ngoại lai thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản trái phép; sự xâm lấn của cây mai dương cũng như các loài thực vật thủy sinh (cỏ trấp) đã làm tăng độ bùn, nâng dần đáy bàu. Trong khi đó, kế hoạch xây dựng các thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A ở thượng nguồn sông Đồng Nai nếu được tiến hành, sẽ dẫn đến nguy cơ làm thay đổi chế độ thủy văn của lưu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến tính đa dạng sinh học của hệ ĐNN Bàu Sấu và làm thay đổi dòng chảy của sông Đồng Nai, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của cộng đồng người dân địa phương sinh sống dọc hạ lưu sông Đồng Nai khiến nhiều người mất sinh kế...

Theo quan điểm về bảo tồn đa dạng sinh học, các vùng ĐNN sẽ có giá trị nhiều hơn nếu giữ chúng ở trạng thái tự nhiên hoặc làm biến đổi không đáng kể. Mặt khác, hệ sinh thái ĐNN rất nhạy cảm, dễ bị thay đổi và có khả năng đảo ngược nếu quản lý không thích hợp. Từ quan điểm này, VQG Cát Tiên kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng cần có một khung chính sách quản lý bền vững, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia quản lý và chia sẻ lợi ích nhằm vừa bảo tồn các chức năng và giá trị của hệ sinh thái ĐNN, vừa sử dụng khôn ngoan và bền vững các vùng ĐNN hiện có.

Bạn có thể làm gì cho ngày đất ngập nước?

Ngày ĐNN Thế giới 2012 tạo ra nhiều cơ hội để nhiều người hưởng ứng, quan tâm xây dựng chiến dịch cho du lịch ĐNN. Đây là thời điểm nhằm nâng cao nhận thức của mọi người đối với trách nhiệm bảo vệ các vùng ĐNN. Trong đó, du khách đến với những vùng ĐNN phải thể hiện ý thức cá nhân trong các hoạt động riêng lẻ hoặc tập thể. Đây còn là dịp để các công ty lữ hành thực hiện việc bảo vệ môi trường… Ở Đồng Nai, các hoạt động hưởng ứng Ngày đất ngập nước tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng ĐNN. Mặt khác, tăng cường phát triển du lịch cũng như các lợi ích khác nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đến sự tồn tại của những vùng ĐNN...

Hữu Khánh – T. Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều