Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài toán hạ giá thành sản phẩm

09:09, 05/09/2012

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn loay hoay trong việc tính toán hạ giá thành sản phẩm để đẩy mạnh lượng hàng bán, nhưng xem ra thành công còn ít.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn loay hoay trong việc tính toán hạ giá thành sản phẩm để đẩy mạnh lượng hàng bán, nhưng xem ra thành công còn ít.

Anh Nguyễn Văn Trọng, chủ một cơ sở sản xuất bánh xốp ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay mỗi tháng sản lượng của cơ sở chỉ còn 200kg bánh, giảm hơn một nửa so với thời cao điểm (năm 2009). Đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn trong khi chi phí đầu vào không giảm được, dẫn đến giá thành sản phẩm cao càng khó tiêu thụ. “Lúc khó khăn này, phải hạ giá thành để có giá bán thấp mới kích thích người mua. Nhưng hiện nay không dễ để hạ giá thêm được vì chi phí đầu vào rất cao” - anh Trọng nói.

Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng luôn tìm cách hạ giá thành sản phẩm để đẩy mạnh bán ra. Trong ảnh: Khách đang chọn mua giỏ xách Miti. Ảnh: Q. Khánh
Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng luôn tìm cách hạ giá thành sản phẩm để đẩy mạnh bán ra. Trong ảnh: Khách đang chọn mua giỏ xách Miti. Ảnh: Q. Khánh

Cùng quan điểm về vấn đề này, anh La Văn Kính, chủ DNTN Thành Phước ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho rằng, muốn tiêu thụ tốt trong thời điểm hiện nay thì giá sản phẩm phải thật cạnh tranh. Tuy nhiên, đó là điều không mấy dễ dàng cho DN. Hiện tại, Thành Phước sản xuất mặt hàng giày, dép không được như mấy năm trước. Anh Kính cho hay, nguyên liệu đầu vào để sản xuất chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia. Từ đầu năm đến nay, giá các nguyên liệu đều tăng từ 5 -7% kèm thêm những chi phí sản xuất khác cũng tăng, nên sản phẩm làm ra rất khó giảm được giá. Đây là một ngành hàng sản xuất theo thời trang nên khi hàng tiêu thụ chậm DN khá lo, bởi sau một thời gian không bán hết, sản phẩm sẽ lỗi thời càng khó tiêu thụ. Khi đó, DN buộc phải bán với giá chấp nhận lỗ để đẩy hàng tồn.

Nhiều cơ sở, DN sản xuất giày dép cũng cho biết, việc tiêu thụ hàng từ đầu năm đến nay khá chậm. Ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác, như: may mặc, gốm, gỗ, hàng chế biến thực phẩm... DN cũng đều cho rằng muốn tiêu thụ tốt hàng hóa lúc này buộc phải có giá bán thấp, thế nhưng để thực hiện được điều đó  là rất khó. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Công ty Minh Đạt ở huyện Trảng Bom chuyên sản xuất hàng mộc gia dụng, chia sẻ: “Mấy tháng trước khi giá xăng dầu giảm, tôi nghĩ chỉ cần thêm lãi suất ngân hàng giảm nữa thì DN sản xuất sẽ có cơ hội hạ được giá thành sản phẩm vào cuối năm nay. Thế nhưng, khi lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm thì giá xăng dầu tăng trở lại, rồi giá điện cũng tăng. Như vậy, DN không còn hy vọng có thể hạ được giá thành sản phẩm. Tôi nghĩ với tình hình như hiện nay thì thị trường đến cuối năm cũng không có gì khả quan. Các nhà sản xuất hiện nay cũng chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì công việc và tránh lỗ chứ khó có thể tính đến việc đẩy mạnh sản xuất”.

Quả thực, mong mỏi của các DN trong việc cải thiện thị trường tiêu dùng xem ra không mấy dễ dàng. Bài toán hạ giá thành sản phẩm của các cơ sở, DN làm hàng tiêu dùng đặt ra khó có thể thực hiện.

Quốc Khánh

Tin xem nhiều