Báo Đồng Nai điện tử
En

Phản biện kiến trúc cần độc lập như một nhà khoa học

10:07, 18/07/2014

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Đồng Nai Nguyễn Mạnh Dũng là một trong những người đã từng góp ý và phản biện cho nhiều dự án ở Đồng Nai. Với ông, phản biện kiến trúc rất cần sự độc lập và cái tâm để không bị chi phối bởi lợi ích của phía nào...

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội KTS Đồng Nai là một trong những người có nhiều dịp góp ý và phản biện cho nhiều dự án ở Đồng Nai. Ông sinh năm 1956, năm 1981 tốt nghiệp Trường đại học kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Với ông, phản biện kiến trúc cũng như phản biện ở nhiều lĩnh vực khác, cần đến sự độc lập và cái tâm để không bị chi phối bởi lợi ích của phía nào, bởi một công trình kiến trúc dù đúng, dù sai có thể ảnh hưởng đến cộng đồng hàng chục, hàng trăm năm.

* Phản biện kiến trúc của các KTS trong quá trình thực hiện các dự án, công trình lớn có ảnh hưởng đến cộng đồng trong mấy năm nay cũng “nóng” lên theo sự phát triển kinh tế, hạ tầng. Theo ông, phản biện kiến trúc đang được nhìn nhận ra sao và hiệu quả như thế nào?

- Trước hết, cần hiểu rằng chúng tôi phản biện dựa trên tư cách và trách nhiệm của một hội nghề nghiệp địa phương. Và ý kiến của các hội nghề nghiệp nằm ở nhiều góc độ đào tạo của chuyên ngành. Chẳng hạn, thời gian qua, anh em KTS có tham gia với vai trò là thành viên Hội đồng Kiến trúc quy hoạch của tỉnh, góp ý hoặc phản biện cho các công trình. Tôi cho rằng đây là một kênh thể hiện tương đối chính xác những ý kiến hay quan điểm nghề nghiệp của các KTS. Tất nhiên, trong quá trình đó, những ý kiến đóng góp đó được lắng nghe, tiếp thu hay biến thành hiện thực đến đâu thì còn nhiều điều phải bàn.

Vì vậy, nếu nói tính hiệu quả của những đóng góp đó thì thực lòng, tôi cho rằng nó nằm ở khoảng 60%. Chúng tôi chấp nhận chuyện đó và trên cương vị, trách nhiệm của mình, chúng tôi vẫn tiếp tục phản biện, góp ý một cách khách quan.

* Thái độ lắng nghe những góp ý hay phản biện, theo ông đã tốt chưa?

- Phải thừa nhận rằng, thái độ lắng nghe từ phía những người có trách nhiệm còn nhiều mức độ hạn chế khác nhau, song chúng tôi không đổ lỗi cho họ. Tôi cho rằng, điều này phải đến từ 2 phía. Hiện nay, Hội KTS Việt Nam chúng tôi đang tham gia hoàn thiện Luật KTS, là cơ sở củng cố thêm vai trò trách nhiệm KTS đối với cộng đồng xã hội, qua đó sẽ “chuẩn mực” hơn hình ảnh KTS mà trong thời gian qua vốn đã “cưu mang” khá nhiều điều tiếng! Trong chừng mực nào đó, sự lắng nghe của chính quyền cũng tác động khá nhiều đến sự nhiệt tình trong hoạt động phản biện. Tuy nhiên, chúng tôi vui mừng khi mấy năm gần đây, sự quan tâm và lắng nghe từ phía chính quyền Đồng Nai đã nhiều lên. Đó là một sự trân trọng đáng ghi nhận, phản ánh một xu hướng đúng.

Các KTS hầu như luôn bị “giằng xé” giữa những ý kiến khách quan về chuyên môn và sự hài lòng của chủ đầu tư. Đây là “chuyện muôn thuở”, vì chủ đầu tư bao giờ cũng muốn tiết kiệm, và họ không rành chuyên môn. Điều này, một KTS phải tìm cách hóa giải, đặc biệt là khi tham gia phản biện hay góp ý cho những công trình có ảnh hưởng đến cộng đồng. KTS nên được hoạt động như một nhà khoa học độc lập trong quá trình phản biện đó, và đòi hỏi họ cần cái tâm để không bị ngả nghiêng bởi lợi ích nhóm nào.

* Trong những lần góp ý cho phát triển đô thị Biên Hòa, ông cùng nhiều KTS khác rất lo ngại những giá trị mang tính bản sắc lâu đời của đô thị này sẽ không được gìn giữ và phát triển đúng hướng trước sức ép phát triển hạ tầng. Theo ông, Biên Hòa có thể trở thành một đô thị có “cá tính” riêng không?

- Biên Hòa - Đồng Nai, trong con mắt của tôi có đầy đủ điều kiện để xây dựng thành đô thị có sắc thái riêng. Chỉ riêng chiều dài lịch sử trên 300 năm của đô thị cùng với sự hiện diện của những dấu tích về chiều dài đó đã dư sức làm nên những nét riêng mà giới chuyên môn chúng tôi luôn đánh giá cao. Song, để làm được cần có sự nhìn nhận sáng suốt và quyết tâm của nhà quản lý, sự đóng góp “tới nơi tới chốn” của giới chuyên môn. Chẳng hạn, cù lao Phố là một trong những nơi quá hiếm hoi (không đâu cũng có), hay dòng sông Đồng Nai, đô thị công nghiệp, đô thị sông nước… đều là những nét riêng, có thể tôn tạo và phát triển. Song, chúng ta nhìn nhận đến đâu và làm gì, giao cho ai đủ tầm, tài, tình cảm yêu thương... lại là việc không dễ dàng. Riêng tôi vẫn cho rằng, một đô thị nên phát triển, hình thành dựa trên chính tính cách và mong muốn của những con người sống trong lòng nó.

* Liệu có mâu thuẫn giữa thực tế (nguồn lực hạn hẹp, sức ép phát triển nhanh) và những “ý tưởng lãng mạn” của các KTS trong việc tìm ra bản sắc riêng của đô thị hiện tại, mà cụ thể là Biên Hòa?

- Hoàn toàn không mâu thuẫn. Vấn đề là, người chủ đầu tư muốn hay không muốn. Nếu đã thực sự mong muốn thì sẽ có cách làm. Có thể ngay một lúc chưa thể hoàn thành trọn vẹn 100% thì làm từng bước, nhưng cần làm đúng “bài”. Đi từ định hướng, quy hoạch và mọi nơi phải làm theo đúng chuẩn đó, không phá nát quy hoạch chung, không làm tan vỡ không gian đã định trước.

Sự bối rối trong việc dung hòa giữa sức ép phát triển đô thị và giữ gìn bản sắc riêng, không phải chỉ xảy ra với Biên Hòa - Đồng Nai, nó xảy ra khắp mọi nơi vì nguồn lực còn hạn chế. Ngay cả những đô thị cổ xưa như Hội An chẳng hạn, nếu không có sự đóng góp và can thiệp của UNESCO vào việc bảo tồn, gìn giữ, cũng chưa chắc đã giữ được thần thái và bản sắc như bây giờ. Tôi nghĩ cũng không nên quá nóng vội hoặc bức bối với sự phát triển đô thị lộn xộn hiện giờ. Vấn đề nào cũng cần có thời gian và nguồn lực.

* Ông đánh giá ra sao về chương trình nghiên cứu phát triển và nâng cấp hệ thống đô thị Đồng Nai từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia công bố gần đây?

- Tôi là một thành viên trong hội đồng đó, được mời để tham gia ý kiến. Khách quan nhìn nhận thì họ làm khá công phu và trách nhiệm và một định hướng chung như thế là cần thiết. Nhưng quan điểm của tôi là chỉ cần hoàn chỉnh ở mức tổng thể, chỉ ra được các “đô thị chiến lược”, những dự án trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư tạo sức lan tỏa cho các đô thị lân cận về sau. Còn chi tiết của từng đô thị, cần phát triển ra sao, Định Quán sẽ như thế nào, Tân Phú hay Thống Nhất sẽ mang hình dáng gì, thì theo tôi nên để những người có trải nghiệm tại chính nơi đó thực hiện. Một đô thị không chỉ cần đẹp hay hoành tráng, mà phải nghĩ đến nhu cầu của chính những người ăn, ở và gắn bó với chính nó.

* Ông là một người dân sinh sống tại Biên Hòa đã lâu, với sự lúng túng trong phát triển một đô thị có bản sắc riêng, thì điều gì ở Biên Hòa trong tâm tư ông muốn thay đổi nhất?

- Tôi sinh sống ở Biên Hòa từ năm 1963, và cho đến nay điều tôi cảm nhận rõ nhất là Biên Hòa thiếu những không gian thân thiện với người dân. Những nơi mà người dân đến với nhau, gặp gỡ nhau chứ không phải quán nhậu hay quán cà phê. Hiện tại, nói vui thì có lẽ đường Võ Thị Sáu đang là nơi làm điều đó. Chúng ta quá thiếu những công trình kiến trúc gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, không nhà hát, không sân khấu kịch, quảng trường chưa thân thiện, công viên nội thành hẹp…Người dân phải thấy được đó là môi trường sống của mình thì khi đi xa, họ mới nhớ nhung nhiều.

Biên Hòa cần có “độ mở” lớn hơn, vừa để người dân hưởng thụ, vừa làm hài hòa cảnh quan. Sông Đồng Nai không phải là con sông dữ, trái lại rất hiền hòa, do đó không cần rào chắn kín cổng cao tường để làm mất đi sự duyên dáng ấy.

* Ông nghĩ gì về các cuộc thi kiến trúc hiện tại? Các cuộc thi đó có thực sự cần thiết và nên phổ biến để người dân có dịp tham gia vào những công trình ảnh hưởng đến đời sống của chính mình?

- Rất nên, và trong quy định cũng có nhắc đến. Song, cần phải thực sự nghiêm túc, khách quan trong quá trình thi. Luật Xây dựng giao quyền cho chủ đầu tư quá lớn, và điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình thi. Tất nhiên, nếu các phương án kiến trúc tốt sẽ mang lợi về cho chủ đầu tư. Do đó, không bao giờ nên có lợi ích nhóm trong các cuộc thi.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích