Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường Hoa Kỳ: Không dễ chen chân trực tiếp

10:04, 26/04/2015

Trong 4 tháng đầu năm 2015, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với thị phần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thế nhưng, hàng hóa của các doanh nghiệp vào thị trường này phần lớn phải qua khâu trung gian.

 

Trong 4 tháng đầu năm 2015, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với thị phần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thế nhưng, hàng hóa của các doanh nghiệp vào thị trường này phần lớn phải qua khâu trung gian.

Lượng lớn sản phẩm giày dép của Công ty cổ phần cao su màu (TP.Biên Hòa) xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Lượng lớn sản phẩm giày dép của Công ty cổ phần cao su màu (TP.Biên Hòa) xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết vào cuối năm 2015. Khi TPP ký kết, thuế nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm về mức 0%, đây sẽ vừa là cơ hội lẫn thách thức lớn với các doanh nghiệp trong nước cũng như Đồng Nai. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn với sức mua cao, song cũng đòi hỏi rất khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng hàng hóa.

* Nhiều cơ hội

Hiệp định TPP được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam gia tăng sản xuất và mở rộng thị trường ra nước ngoài. Qua đó, Việt Nam có thể hợp tác với doanh nghiệp các nước để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất thế giới và chi tiêu của người tiêu dùng cao nhất thế giới. Năm 2014, Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 2.380 tỷ USD. Sản phẩm mà thị trường này nhập khẩu nhiều là hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, túi xách, vali, mũ, hạt điều, hạt tiêu... Trừ thủy sản, các mặt hàng Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều đều thuộc thế mạnh của Đồng Nai.

Đàm phán TPP được khởi xướng từ năm 2005 với 12 nước tham gia (4 nước sáng lập là Brunei, New Zealand, Chile, Singapore và 8 nước với vai trò thành viên, gồm: Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Hoa Kỳ và Việt Nam).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhận định: “Khi TPP ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do lớn với hơn 804 triệu dân, chiếm 30% thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới với gần 28 ngàn tỷ USD. Hiệp định TPP khi thực thi sẽ cải thiện cơ cấu xuất nhập khẩu, mở thêm thị trường cho hàng hóa Việt Nam cũng như Đồng Nai”. Hiện, hàng hóa của doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhiều nhưng thường phải qua trung gian là nước thứ 3, hàng xuất khẩu trực tiếp vào thị trường này còn ít. Một số tập đoàn kinh doanh bán sỉ, lẻ lớn của Hoa Kỳ đã đến Đồng Nai gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng của tỉnh để tìm hiểu và đề xuất hợp tác để đưa hàng trực tiếp qua Hoa Kỳ.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, cho hay: “Một số tập đoàn của Hoa Kỳ đã đến tham quan cửa hàng trưng bày sản phẩm của hiệp hội và tỏ ra rất ưng ý với những sản phẩm gốm đen, gốm trang trí của các cơ sở. Hiện hiệp hội đang chuẩn bị một số sản phẩm để xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ trong tháng 6-2015”. Ngoài ra, đồ gỗ nội thất, may mặc, giày dép đều là những mặt hàng các tập đoàn Hoa Kỳ đang ngỏ ý sẽ ký hợp đồng để xuất khẩu trực tiếp.

* Chen chân không dễ

Cơ hội nhiều, nhưng chen chân xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Hoa Kỳ không dễ. Với những quy định tương đối khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường, số lượng hàng hóa… thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có đủ năng lực để ký hợp đồng trực tiếp. Bên cạnh đó, quy định về nguồn gốc nguyên liệu cũng là khó khăn lớn với doanh nghiệp Đồng Nai. Cụ thể, để được hưởng các ưu đãi về thuế quan khi Hiệp định TPP chính thức thì nguyên liệu sản xuất hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước trong khối TPP, trong khi nguyên liệu sản xuất của Việt Nam phần lớn nhập khẩu từ những thị trường ngoài TPP, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, chia sẻ khi TPP ký kết cơ hội sẽ nhiều lên, nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đồng Nai rất khó xuất khẩu được hàng hóa trực tiếp vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xem xét việc trở thành những đơn vị vệ tinh cho một vài doanh nghiệp lớn đủ tiềm năng.

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, tỏ ra lo lắng: “Gỗ để sản xuất các sản phẩm nội, ngoại thất ở Đồng Nai hầu hết là nhập khẩu từ các nước ngoài khu vực TPP. Như vậy, nếu các doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu không tìm được hàng hóa trong nhóm các nước tham gia TPP sẽ không được hưởng các ưu đãi về thuế. Thực tế, nguyên liệu gỗ từ các nước trong khu vực TPP rất cao”. Theo ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, muốn hưởng được các ưu đãi thuế quan, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp buộc phải đi tìm nguyên liệu từ 12 nước trong khu vực TPP. Bên cạnh đó, hàng hóa muốn xuất khẩu trực tiếp vào Hoa Kỳ, giảm khâu trung gian, tăng lợi nhuận doanh nghiệp phải đổi mới, sắp xếp lại để đáp ứng các tiêu chí về nhà xưởng, tiêu chuẩn lao động, môi trường...

GS.TS Thomas Jandl, giảng viên Trường đại học America, chuyên gia tư vấn lĩnh vực kinh tế, chính trị, chuyên nghiên cứu về nền kinh tế Việt Nam (Hoa Kỳ), chia sẻ: “Các tập đoàn bán sỉ, lẻ của Hoa Kỳ thường đặt hàng với số lượng lớn. Vì thế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đồng Nai muốn xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào Hoa Kỳ nên liên kết lại để đáp ứng được các đơn hàng”. Ông Thomas Jandl cũng lưu ý, doanh nghiệp Đồng Nai trước khi xuất khẩu hàng hóa vào bang nào của Hoa Kỳ nên tìm hiểu kỹ các quy định của bang đó, vì ngoài chính sách chung của quốc gia, mỗi bang sẽ có những quy định riêng. Nếu được, nên đặt văn phòng đại diện bên Hoa Kỳ và có sẵn luật sư am hiểu luật pháp Hoa Kỳ để đề phòng trường hợp xấu bị kiện bán phá giá. 

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều