Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị cho sân chơi lớn

10:05, 15/05/2015

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thực hiện vào cuối năm 2015, theo quy trình đó nhiều dòng thuế của các nước trong khối đã dần cắt giảm từ năm 2010.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thực hiện vào cuối năm 2015, theo quy trình đó nhiều dòng thuế của các nước trong khối đã dần cắt giảm từ năm 2010.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế, AEC là bước nâng tầng hội nhập của 10 nước trong khối lên mức cao mới toàn diện hơn. AEC chính thức sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong khu vực, tạo môi trường chung hấp dẫn các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được đầu tư hỗ trợ nhiều hơn và tránh được tình trạng ưu đãi riêng cho những doanh nghiệp lớn.

* Chưa có bước đột phá

Cụm từ Cộng đồng kinh tế ASEAN gần đây được các phương tiện truyền thông thường xuyên nhắc đến. Theo đó, từ cuối năm 2015, khi AEC chính thức thành lập, cả 10 quốc gia thành viên theo quy định phải giúp đỡ nhau phát triển để có thêm nhiều cơ hội chọn lựa nhà đầu tư từ những nước giàu tiềm năng, như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ...

Hội chợ triển lãm máy móc và phụ liệu hàng dệt may quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh có rất ít hàng Việt.
Hội chợ triển lãm máy móc và phụ liệu hàng dệt may quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh có rất ít hàng Việt.

Xuất phát điểm của Việt Nam được cho là không quá chênh lệch với một số nước trong khối, như: Singapore, Thái Lan, Malaysia... nhưng quá trình hội nhập của Việt Nam chậm và thấp hơn các nước trên.

Nửa thập niên qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và có những mặt hàng đã chi phối thị trường thế giới, nhưng vẫn chưa tạo bước đột phá cho nền kinh tế. “Nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thế giới đều là mặt hàng có tỷ lệ giá trị gia tăng thấp, như: tiêu, gạo. Còn các mặt hàng có giá trị gia tăng lớn, có thể đem lại bước phát triển đột phá cho nền kinh tế đất nước lại chủ yếu gia công hoặc xuất thô, gồm: may mặc, giày dép, điện tử và nông sản. Nên xuất phát điểm giống nhau nhưng Việt Nam lại đang ngày càng cách xa các nước trong khu vực với khoảng cách GDP đầu người khoảng 2 ngàn USD/người/năm” - ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế, nhận xét.

Do đó, Việt Nam muốn phát triển nhanh, theo bằng các nước trong khối ASEAN nên tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ những ngành thế mạnh là nguyên liệu cho ngành giày dép, dệt may, linh kiện điện tử và chế biến nông sản sâu. Ở những ngành này, giá trị gia tăng trong sản xuất cao hơn nhiều lần so với gia công hoặc xuất nông sản thô.

* Cơ hội kèm thách thức

Từ góc nhìn doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác đánh giá AEC sẽ vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để phát triển. Thực ra, đây là con đường các doanh nghiệp đang đi và bây giờ chỉ là bước tiếp. Song quãng đường tiếp theo tốt và rộng hơn nên phải chuẩn bị tốt để tăng tốc cho bằng các nước trong khu vực để tận dụng được các cơ hội do AEC mang lại.

Cộng đồng kinh tế ASEAN gồm có 10 nước là: Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Lào, Philippines, Brunei và Singapore. Đây là thị trường có 600 triệu dân với GDP mỗi năm trên 2 ngàn tỷ USD. Những lợi ích AEC mang lại là mở ra cơ hội hợp tác khu vực và đầu tư vào đây sẽ hấp dẫn hơn vào Mỹ, châu Âu; doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được đầu tư hỗ trợ; quốc tế hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP. Biên Hòa), cho biết: “AEC chính thức quy định thuế các mặt hàng sẽ cắt giảm về 0% và các thủ tục hải quan đơn giản sẽ là thuận lợi lớn để công ty đưa mặt hàng chăn, drap, gối nệm xuất khẩu sang các nước trong khối. Tuy nhiên, kèm theo đó cũng là những thách thức không nhỏ vì hàng hóa trong khu vực AEC luân chuyển tự do, sản phẩm của công ty sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những doanh nghiệp của các nước trong khu vực”. Theo ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt thì sẽ tận dụng được nhiều ưu thế hơn khi AEC chính thức. Cụ thể, doanh nghiệp xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp chú ý xây dựng thương hiệu, hình ảnh và tạo giá trị gia tăng để tham gia các chuỗi sản xuất trong khu vực.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho hay: “Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đồng Nai đã có sự chuẩn bị bằng cách chuyển từ gia công cho các công ty lớn sang liên kết lại để sản xuất và xuất khẩu trực tiếp sản phẩm, lợi nhuận thu được cao hơn. Điều doanh nghiệp vừa và nhỏ mong mỏi nhất là đơn giản thủ tục, tăng ưu đãi với vốn vay để đầu tư công nghệ mới có năng suất, chất lượng cao vững vàng trong cuộc cạnh tranh trên sân nhà và thị trường trong khối ASEAN”.

Uyển Nhi

 

 

 

Tin xem nhiều