Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó kêu gọi BOT đường tỉnh

10:05, 11/05/2015

Trong khi các tuyến quốc lộ mời gọi đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) có khá nhiều nhà đầu tư "giơ tay" thì các tuyến đường tỉnh lộ hay đường liên huyện lại mòn mỏi chờ nhà đầu tư.

Trong khi các tuyến quốc lộ mời gọi đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) có khá nhiều nhà đầu tư “giơ tay” thì các tuyến đường tỉnh lộ hay đường liên huyện lại mòn mỏi chờ nhà đầu tư.

Thi công đường Lý Thái Tổ đoạn qua xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch.
Thi công đường Lý Thái Tổ đoạn qua xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch.

Các dự án giao thông thường cần một lượng vốn lớn. Với nguồn ngân sách hạn hẹp như hiện nay, vốn liếng đầu tư rất khó khăn nên cũng phải kêu gọi BOT. Song hình thức đầu tư BOT xem ra không còn là phương án khả thi cho nhiều tuyến giao thông của tỉnh.

* Đến rồi lại đi

Giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên đầu tư công trình giao thông cho hay, ông đã đi khảo sát gần 10 dự án giao thông được tỉnh mời gọi đầu tư BOT, nhưng không chọn được dự án nào để đầu tư. Theo vị giám đốc này, các tuyến đường đều có lưu lượng xe khá thấp nên thu hồi vốn cho dự án sẽ khó khăn, vì thế DN không thể mạo hiểm đầu tư.

Khi đầu tư cho một tuyến đường, DN xác định thời gian thu hồi vốn phải từ 20 năm trở lên, do đó cần cân nhắc kỹ. Theo lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải (GTVT) thì không chỉ một nhà đầu tư đến mà nhiều nhà đầu tư được Sở giới thiệu các dự án BOT của tỉnh, nhưng sau chuyến khảo sát không thấy trở lại.

Thống kê danh mục các dự án giao thông quan trọng giai đoạn 2011-2015, nhu cầu vốn cho gần 10 dự án giao thông cấp thiết của tỉnh lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng, là lượng vốn không hề nhỏ trong giai đoạn hiện nay. Những tuyến đường đang được địa phương ra sức kêu gọi đầu tư, như: tuyến đường Trảng Bom - Xuân Lộc có chiều dài khoảng 50km, đường xây dựng theo quy mô đường cấp 3 với nền đường rộng 12m, mặt đường 7m, vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng); dự án nâng cấp đường 766 thuộc địa phận huyện Xuân Lộc có chiều dài gần 13km, với mức đầu tư khoảng 176 tỷ đồng; đường liên cảng thuộc huyện Nhơn Trạch với chiều dài trên 15km, mặt đường 38m, cần số vốn khoảng 5.100 tỷ đồng... nhằm phục vụ cho việc phát triển các khu cảng biển nhóm V tại huyện Nhơn Trạch.

* Rút lại BOT

Sau 4 năm kêu gọi đầu tư BOT cho gần chục dự án giao thông của tỉnh, đến nay mới có 1 nhà đầu tư đăng ký dự án xây dựng mới hương lộ 10, đoạn từ trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ đi Xuân Lộc có chiều dài hơn 24km. Tuyến đường này được thiết kế mặt đường rộng 11m với số vốn tính toán trước đây khoảng 350 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng).

Theo đánh giá của Sở GTVT, đây là tuyến có cơ hội thu hồi vốn cao nhất, bởi hiện nay  hương lộ 10 đã được đầu tư hơn 10km từ trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ đến Long Thành. Khi xây dựng xong đoạn 24km đường mới này thì hương lộ 10 sẽ nối liền được 3 quốc lộ là quốc lộ 1, quốc lộ 56 và quốc lộ 51 với nhau. Không chỉ vậy, về lâu dài tuyến đường này còn đón dự án sân bay Long Thành (hương lộ 10 có một đoạn dài đi qua khu vực sân bay Long Thành).

Ông Nguyễn Thanh Đạm, Trưởng phòng Kế hoạch Sở GTVT, cho biết hiện tại sở đang rà soát lại các dự án giao thông kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT của tỉnh, dự án nào thực sự có triển vọng mới để lại, các dự án không khả thi sẽ báo cáo UBND tỉnh cho rút khỏi BOT tìm hướng đầu tư khác. Phương án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT vẫn được đánh giá là khả thi hơn cả để các công trình có thể triển khai. Song thực tế, sau 4 năm gọi vốn cho thấy BOT cũng không hề dễ dàng với các tuyến đường cấp tỉnh.

 Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều