Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội

10:08, 19/08/2015

Ngày 19-8, hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện 8 chương trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 đã diễn ra với sự tham gia của 11 điểm cầu tại TP.Biên Hòa và các huyện, thị xã.

Ngày 19-8, hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện 8 chương trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 đã diễn ra với sự tham gia của 11 điểm cầu tại TP.Biên Hòa và các huyện, thị xã.

Sản xuất tại Công ty TNHH may mặc TopTex (TP. Biên Hòa). Ảnh: TL
Sản xuất tại Công ty TNHH may mặc TopTex (TP. Biên Hòa). Ảnh: TL

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đánh giá về cơ bản các chương trình đều đạt và vượt các mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển công - nông nghiệp “xanh”

Đồng Nai có tốc độ phát triển kinh tế cao, đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ nên môi trường chịu nhiều áp lực lớn. Chính vì vậy, chương trình bảo vệ môi trường được tỉnh đặc biệt chú trọng. Hiện 29 khu công nghiệp đang hoạt động đều đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tăng 10 khu công nghiệp so với năm 2010. UBND tỉnh cũng đã xây dựng dự án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai định hướng đến năm 2020; thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.

Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Dành nhận định chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp được quan tâm triển khai ngay từ đầu; cơ cấu lại theo hướng thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, có giá trị gia tăng lớn; giảm các ngành sản xuất gia công, sử dụng nhiều lao động, ô nhiễm môi trường… Lũy kế đến nay, tổng dự án khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp tại các khu công nghiệp là 932 dự án; các dự án đầu tư trong nước là 274 dự án.

Trong 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình cây trồng, vật nuôi chủ lực, ngành nông nghiệp cũng đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng các quy trình canh tác kỹ thuật tiến tiến theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, sau 3 năm triển khai toàn tỉnh có trên 72 hécta cây rau, quả đạt chứng nhận VietGAP. Tỉnh cũng đã lập quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và giết mổ tập trung; vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh… Những chương trình này đã có tác động tích cực trong việc thay đổi nhận thức và thói quen sản xuất của người dân theo hướng quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Văn Báu chia sẻ: “Tôi vừa đem các sản phẩm trái cây Đồng Nai giới thiệu tại hội chợ quốc tế thực phẩm Hong Kong năm 2015. Trong đó, trái xoài Đồng Nai được doanh nghiệp của nhiều nước, nhất là doanh nghiệp Nhật Bản, rất quan tâm. Tuy nhiên tại hội chợ, các nước giới thiệu nhiều sản phẩm chế biến sâu trong khi Việt Nam vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới còn hạn chế…”. Theo đó, ông đưa ra kiến nghị sản xuất nông nghiệp phải theo định hướng của thị trường, lấy thị trường làm tiêu điểm để tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho phù hợp, hướng đến sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, đầu tư chế biến sâu…

Đầu tư nguồn nhân lực

Tập trung cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Nhờ được chú trọng nên trong 5 năm thực hiện chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét so với giai đoạn 2006-2010, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Công tác xã hội hóa dạy nghề được thực hiện tốt, đã huy động được các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Theo đó, nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật tăng lên đáng kể, bình quân tăng 5%/năm, đáp ứng nhu cầu lao động cho các khu công nghiệp. Việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành ở những lĩnh vực mũi nhọn mà tỉnh có nhu cầu cũng vượt chỉ tiêu đề ra về số lượng.

Tỉnh cũng đã phát triển tốt dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực. Toàn tỉnh có 810 cơ sở giáo dục ở ngành mầm non và phổ thông; 5 trường đại học và 4 cơ sở phân hiệu của các trường đại học ngoài tỉnh; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng, 120 trung tâm và cơ sở giảng dạy ngoại ngữ… Cơ sở vật chất trường học các cấp ở khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư. Trong 5 năm, có 50.384 lao động nông thôn được đào tạo nghề, góp phần giải quyết việc làm và chuyển dịch đúng hướng trong cơ cấu lao động nông nghiệp. Công tác thu hút, đào tạo nguồn nhân lực của ngành y tế cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Cuối năm 2014, toàn tỉnh có 1.900 bác sĩ, tăng 21% so với năm 2011, đạt 6,6 bác sĩ/vạn dân (năm 2011 là 5,5 bác sĩ/vạn dân), đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người  dân.

Tuy gặp khó khăn về ngân sách nhưng chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh vẫn đầu tư được gần 10.893 tỷ đồng, đạt trên 74% so với chỉ tiêu kế hoạch. Ngành dịch vụ cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn ước 14,5%. Các loại hình dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, bình quân tăng 17%/năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới,  dự kiến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 88/133 xã và 5/11 huyện, thị đạt chuẩn xã, huyện nông thôn mới.

Bình Nguyên

 
 

 

 

Tin xem nhiều