Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu trái cây: Vẫn chờ cơ hội

11:10, 03/10/2016

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 8 tháng của năm 2016 đạt 1,57 tỷ USD, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ năm 2015. Dự kiến trong năm 2016, xuất khẩu rau quả có thể đạt trên 2 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 8 tháng của năm 2016 đạt 1,57 tỷ USD, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ năm 2015. Dự kiến trong năm 2016, xuất khẩu rau quả có thể đạt trên 2 tỷ USD.

Chôm chôm Long Khánh bỏ qua cơ hội xuất khẩu vào thị trường Pháp vì không hình thành được vùng chuyên canh.
Chôm chôm Long Khánh bỏ qua cơ hội xuất khẩu vào thị trường Pháp vì không hình thành được vùng chuyên canh.

Cùng với việc hàng loạt các thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Úc... mở cửa cho trái cây Việt Nam, tiềm năng xuất khẩu của ngành hàng này còn rất lớn.

Khó đạt yêu cầu xuất khẩu

Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đã đến Đồng Nai tìm cơ hội trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây. Tuy nhiên, đến nay, cơ hội này vẫn chỉ “xuất khẩu” ở dạng tiềm năng. 

Sau nhiều chương trình xúc tiến thương mại, trái xoài Đồng Nai được đánh giá cao về chất lượng và được Nhật Bản mở cửa thị trường. Đồng Nai cũng đã tổ chức chương trình để chuyên gia Nhật Bản tập huấn cho nông dân về quy trình trồng trọt, xây dựng thương hiệu theo tiêu chuẩn của thị trường khó tính này. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ - thương mại - du lịch Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) cũng đã gửi sản phẩm xoài sang giới thiệu ở thị trường này, nhưng đến nay chưa có đơn hàng xuất khẩu xoài nào của Đồng Nai vào Nhật Bản. Theo ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ - thương mại - du lịch Suối Lớn, nguyên nhân chính là Nhật Bản chỉ nhập khẩu giống xoài Cát Chu, mà hiện toàn tỉnh chỉ mới phát triển được hơn 10 hécta. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác, như: tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản quá khắt khe từ khâu sản xuất đến khâu sơ chế, bảo quản; chi phí vận chuyển quá cao... khiến nông dân không mặn mà đầu tư chuyển đổi sang giống xoài được thị trường cao cấp này ưa chuộng.

Vài vụ thu hoạch gần đây, trái chuối sốt giá chưa từng có do Trung Quốc ăn hàng mạnh. Không thiếu DN trong và ngoài nước cũng triển khai các dự án hợp tác, bao tiêu sản phẩm cho nông dân vì các thị trường khó tính, như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... đang cần nhập khẩu mặt hàng này. Nhưng đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường trên không đáng kể vì sản lượng chuối thì nhiều, nhưng hàng đạt chuẩn xuất khẩu rất ít. DN quan tâm đầu tư dự án cánh đồng mẫu lớn với mục tiêu tổ chức vùng nguyên liệu sạch cho thị trường xuất khẩu, nhưng đa số các dự án hiện vẫn nằm trên giấy vì nông dân và DN đều chưa tìm được tiếng nói chung trong câu chuyện liên kết.

Gần đây, HTX nông nghiệp dịch vụ - thương mại - du lịch Suối Lớn đã tìm được đối tác xuất khẩu sang Úc. Cơ hội vào thị trường này rộng mở hơn vì 2 bên đã có tiếng nói chung trong chọn giống xoài xuất khẩu cũng như về giá cả, sản lượng... “Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, HTX rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là trong đầu tư cho khâu sơ chế, bảo quản; về mặt hồ sơ, thủ tục để đủ điều kiện được cấp mã vùng xuất khẩu; tổ chức chiếu xạ trái cây theo yêu cầu xuất khẩu...” - ông Bảo cho biết thêm.

Vùng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) được đầu tư cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cùng với mục tiêu bước ra thị trường thế giới. Và nguyên nhân trái bưởi vuột mất cơ hội xuất khẩu là do không đáp ứng được yêu cầu về sản lượng. Trong khi đó, Đồng Nai đang phát triển rất mạnh diện tích bưởi da xanh ruột hồng nhưng do nông dân trồng theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm nên dù sản lượng dồi dào nhưng không đạt về tiêu chuẩn sự đồng bộ về kích cỡ, chất lượng. Đây cũng là thực trạng chung với trái chôm chôm, chuối, thanh long ruột đỏ... vẫn chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc đầy rủi ro.

Câu chuyện liên kết

Một thời, thương hiệu sầu riêng Dona của Đồng Nai nổi tiếng vì xuất khẩu được vào thị trường Mỹ. Doanh nghiệp đầu tư phát triển được hàng ngàn hécta sầu riêng theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhưng 2 năm trở lại đây, DN này đã dừng đơn hàng xuất khẩu sầu riêng qua Mỹ. Nguyên nhân giá sầu riêng bán tại thị trường trong nước còn cao hơn cả hàng đi xuất khẩu. Thương lái về tận vườn tranh nhau thu gom vì Trung Quốc ăn hàng mạnh. Nông dân thích bán hàng cho thương lái vì dễ tính hơn, chỉ quan tâm đến sản lượng, mẫu mã. Nông dân chạy theo lợi nhuận sẵn sàng lạm dụng phân, thuốc ép cây đạt siêu năng suất, trái cây có trọng lượng lớn mà bỏ quên chất lượng. Và rồi mặt hàng này lại rơi vào vòng luẩn quẩn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc “sáng nắng chiều mưa”.

Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) 2 năm nay vẫn đều đặn có đơn đặt hàng từ DN xuất khẩu đi châu Âu. Đại diện tổ hợp tác này - ông Đoàn Trung Ngọc so sánh: thanh long ruột đỏ xuất qua EU được DN ký hợp đồng cả năm với giá ổn định và thường cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với mặt bằng chung xuất đi Trung Quốc. Tuy nhu cầu thị trường có tăng dần nhưng sản lượng còn rất khiêm tốn với mức khoảng 6 tấn/tháng. Đầu ra cho trái thanh long vẫn chủ yếu dựa vào thị trường đầy bất ổn là Trung Quốc. “Tuy nhiều nước trên thế giới đang mở cửa cho trái thanh long, nhưng những cánh cửa mới mở này còn khá hẹp, ai cũng muốn chen chân nên cạnh tranh không dễ. Thay vì liên kết để sẵn sàng đón cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thì thực tế đang diễn ra là nạn cạnh tranh không lành mạnh giữa DN với DN, giữa các tỉnh, thành cùng phát triển mạnh cây trồng này. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến trái cây nội địa bị ép đủ đường khi ra thị trường thế giới” - ông Ngọc nói.

Lê Quyên

 

 

Tin xem nhiều