Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch cảng

07:10, 09/10/2017

Đồng Nai có một hệ thống cảng sông nhiều lợi thế đã được Bộ Giao thông - vận tải phê duyệt quy hoạch, nằm trong cụm cảng biển nhóm 5 Đông Nam bộ. Nhưng thực tế việc phát triển cảng lại khá manh mún,...

Đồng Nai có một hệ thống cảng sông nhiều lợi thế đã được Bộ Giao thông - vận tải phê duyệt quy hoạch, nằm trong cụm cảng biển nhóm 5 Đông Nam bộ. Nhưng thực tế việc phát triển cảng lại khá manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Xuống hàng tại Cảng Gò Dầu (huyện Long Thành).
Xuống hàng tại Cảng Gò Dầu (huyện Long Thành).

Các chuyên gia trong lĩnh vực logistics đánh giá vận tải bằng đường thủy đóng một vai trò rất quan trọng, giúp giảm chi phí vận chuyển khá nhiều so với đường bộ. Địa phương nào có hệ thống cảng tốt sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.

* “Sốt ruột” với cảng

Theo bản đồ quy hoạch, TP.Biên Hòa và 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch sở hữu hệ thống sông, phát triển cảng rất thuận lợi. Cả 3 địa phương này đều là nơi tập trung các ngành công nghiệp hoạt động nhộn nhịp nhất của tỉnh, rất cần đến cảng để vận chuyển hàng hóa.

Thế nhưng đến nay việc phát triển lại khá ì ạch, đầu tư còn manh mún. Có những dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thỏa thuận địa điểm từ năm 2002, đến nay đã 15 năm vẫn chưa triển khai xây dựng. Đơn cử là cảng xăng dầu COMECO có diện tích 20 hécta tại 2 xã Phú Đông và Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) của Công ty cổ phần vật tư xăng dầu. 

Trên địa bàn tỉnh hiện được quy hoạch 44 cảng tại các tuyến sông: Đồng Nai (9 cảng), Nhà Bè (9 cảng), Lòng Tàu (18 cảng) và Thị Vải (8 cảng). Trong đó, số lượng cảng đã được đầu tư đi vào hoạt động mới có 21 cảng, chưa đến một nửa so với tổng số cảng quy hoạch và chủ yếu là cảng nhỏ. Đầu tư các dự án cảng chậm chạp cũng góp phần gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Không chỉ đầu tư chậm mà quy mô cảng hiện tại cũng rất nhỏ, số cảng có quy mô 40 hécta trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi có nhiều cảng chỉ vài hécta. Đại diện Chi hội Logictics Đồng Nai (thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai) cho rằng xây dựng cảng cần có diện tích lớn và được quy hoạch bài bản. Nếu không, chỉ một thời gian sau khi lượng hàng hóa tăng lên, hoạt động sẽ bị rối và không hiệu quả.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết đã có những nhà đầu tư nước ngoài đến tìm đất để xây dựng cảng với diện tích 100 hécta trở lên nhưng không có. Đây là những doanh nghiệp chuyên về đầu tư cảng, có kinh nghiệm và tiềm lực.

“Đồng Nai có thế mạnh là công nghiệp, song tôi thấy việc đầu tư cảng cho xuất nhập khẩu chưa được chú trọng, trong khi lại có quá nhiều cảng nhỏ. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, đảm bảo an toàn khi lượng tàu sau này đông cũng như không khai thác được tiềm năng sẵn có” - ông Bình trăn trở. 

* Tính chuyện đường dài

Theo lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải, nhiều nhà đầu tư do năng lực yếu, hạn chế về vốn nên quá trình triển khai xây dựng cảng chậm, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, đa số các nhà đầu tư không thực hiện đúng theo quy định của UBND tỉnh về chế độ báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các dự án nên công tác phối hợp rất khó khăn.

Nhân viên hướng dẫn cho tàu 30 ngàn tấn cập cảng Gò Dầu( huyện Long Thanh) nhận hàng.
Nhân viên hướng dẫn cho tàu 30 ngàn tấn cập cảng Gò Dầu( huyện Long Thanh) nhận hàng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh tỏ ra rất nóng ruột khi nghe báo cáo tình hình thực tế triển khai đầu tư cảng của các doanh nghiệp khá ì ạch.

“Chỉ riêng nhu cầu cho xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Long Thành, Nhơn Trạch cũng đã là thị trường lớn cho các cảng. Tiềm năng lớn như vậy, nhưng trong  suốt một thời gian dài vẫn không có đơn vị đầu tư cảng nào thực sự bứt phá, chưa kể những dự án khởi động rất nhiều năm mà vẫn trong tình trạng giậm chân tại chỗ” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh. 

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn rà soát lại quy hoạch cảng và cần thiết thì điều chỉnh cho phù hợp với hiện tại. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo đánh giá lại năng lực các chủ đầu tư chậm triển khai dự án, nhất là các doanh nghiệp không có chuyên môn kinh nghiệm nhưng vẫn xin đầu tư cảng. Đặc biệt xem xét các dự án xăng dầu và có số liệu đánh giá theo nhu cầu thực tế, nhất là tính toán đến quy hoạch khu xây dựng kho xăng dầu cung cấp cho Sân bay Long Thành sau này.

“Bây giờ không tính toán dành đất cho kho xăng phục vụ sân bay, sau này khi cần đến lại không có, trong khi hiện tại chỉ toàn doanh nghiệp nhỏ đến đầu tư, quản lý nhà nước cần tính toán cho lâu dài” - ông Trần Văn Vĩnh lưu ý.

Việc đầu tư cảng xăng dầu phục vụ cho Sân bay Long Thành sẽ là cần thiết trong tương lai. Bởi không ở đâu thuận tiện xây dựng cảng xăng dầu hơn ở Long Thành, Nhơn Trạch, bởi cự ly vận chuyển từ cảng về sân bay khá ngắn, có thể sử dụng được cả bằng đường ống. Về đầu tư loại cảng xăng dầu chuyên dụng này, hiện cả nước chỉ có vài doanh nghiệp có thể thực hiện được.

Vân Nam

Tin xem nhiều