Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Tạo liên kết vùng

06:11, 16/11/2017

Đông Nam bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Nơi đây hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp công nghệ cao, điện tử, tin học, nghiên cứu ứng dụng và triển khai khoa học công nghệ. Đồng Nai có vai trò rất quan trọng trong kết nối vùng để phát triển công nghệ cao trong công nghiệp, nông nghiệp, y dược và xử lý môi trường.

[links()]Đông Nam bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Nơi đây hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp công nghệ cao, điện tử, tin học, nghiên cứu ứng dụng và triển khai khoa học công nghệ. Đồng Nai có vai trò rất quan trọng trong kết nối vùng để phát triển công nghệ cao trong công nghiệp, nông nghiệp, y dược và xử lý môi trường.

Liên kết vùng để chia sẻ, hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất, chất lượng, nhưng khi hàng hóa làm ra có thị trường tiêu thụ mới phát triển ổn định. Khoảng 40-60% sản lượng heo, gà, trứng, trái cây của Đồng Nai cung ứng cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là nôi sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn của cả nước làm đầu vào cho nhiều DN tại TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh khác trong khu vực Đông Nam bộ. Do đó, kết nối vùng sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

*Ưu tiên sản phẩm nông nghiệp

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học - công nghệ- KHCN), nhấn mạnh: “KHCN là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Hiện nông nghiệp công nghệ cao đang là lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Liên kết vùng Đông Nam bộ hình thành các chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ giúp giảm nhiều chi phí và tăng giá trị cho nông sản”. Các DN, hợp tác xã, trang trại trong vùng đang đi đầu trong việc ứng dụng khoa học để cho ra sản phẩm năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Nông sản đưa vào chợ đầu mối Dầu Giây (huyện Thống Nhất) ứng dụng công nghệ truy suất nguồn gốc.
Nông sản đưa vào chợ đầu mối Dầu Giây (huyện Thống Nhất) ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc.

Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thống Nhất - chủ đầu tư khai thác chợ đầu mối Dầu Giây (huyện Thống Nhất), cho hay: “Công ty liên kết với Sở KHCN Đồng Nai ứng dụng công nghệ truy suất nguồn gốc, chất lượng nông sản đưa vào chợ. Đây sẽ là chợ đầu mối nông sản sạch lớn nhất Đồng Nai cung cấp cho tỉnh, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận. Công ty mong tạo chuỗi liên kết vùng để nông sản sạch có thị trường tiêu thụ tốt hơn”. Theo ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KHCN Đồng Nai, tuy là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp nhưng Đồng Nai rất ưu tiên cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng Nai hiện có Khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm nghiên cứu, ứng dụng vào trong sản xuất. Tỉnh đã liên kết với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ chia sẻ những nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào trong sản xuất nông nghiệp bước đầu gặt hái được những thành công đáng kể.

*Liên kết để phát triển

Tại mỗi tỉnh, thành đều có những thế mạnh về sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp khác nhau. Ứng dụng KHCN vào trong sản xuất sẽ giúp nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm công lao động đang dần khan hiếm. Liên kết giữa các Sở KHCN sẽ giúp các tỉnh thành tiết kiệm được nhiều chi phí trong các nghiên cứu, ứng dụng những phát minh, sáng kiến mới vào trong sản xuất. Mới đây, trong Hội nghị giao ban KHCN các tỉnh thành Đông Nam bộ năm 2017, đại diện của các tỉnh thành ở Đông Nam bộ đề xuất cần có một nhạc trưởng để triển khai các đề tài, dự  án KHCN mới của vùng vào trong sản xuất. Như vậy sẽ tránh sự trùng lắp trong nghiên cứu các đề tài, như vậy tiết kiệm kinh phí cho các tỉnh thành và có thể định hướng phát triển chung cho cả vùng. Ví như Đồng Nai đã nghiên cứu, ứng dụng thành công một số mô hình nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao thì có thể chia sẻ với các vùng để các tỉnh thành khác khỏi tốn thời gian kinh phí nghiên cứu.

Sầu
Sầu riêng đưa vào chợ đầu mối Dầu Giây (huyện Thống Nhất) phải đảm bảo sạch

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng toàn cầu, do đó các DN muốn tồn tại và phát triển bền vững buộc phải tìm cách ứng dụng KHCN mới vào trong sản xuất. Đông Nam bộ là đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước nên việc liên kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến sẽ giúp các tỉnh thành phát triển tốt hơn. Sản phẩm làm ra sẽ tăng được sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu ở thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc, nhấn mạnh: “Đông Nam Bộ hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, điện tử - tin học, dầu khí, nghiên cứu ứng dụng, triển khai KHCN để đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nơi đây tập trung một số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu. Đây là môi trường có thể đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để trở thành nơi sáng tạo từ nghiên cứu, triển khai và đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường”. Cũng theo ông Tạc, thời gian qua, Đồng Nai là tỉnh ứng dụng khá tốt KHCN vào trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khởi nghiệp đã gặt hái được nhiều kết quả giúp kinh tế phát triển đạt mức tăng trưởng cao. Do đó, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành làm tốt công tác kết nối, hợp tác phát triển KHCN và ứng dụng vào thực tiễn.

                                                                Hương Giang

 

Tin xem nhiều