Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự bảo vệ mình: điều cơ bản nhất

10:03, 26/03/2018

Trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường, người tiêu dùng bị đặt vào một vị trí vừa là "thượng đế" vừa là "nạn nhân" của hàng trăm chiêu trò của người bán hàng hóa, dịch vụ với một mục đích lớn nhất là người mua chịu mở ví, rút tiền.

Trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường, người tiêu dùng bị đặt vào một vị trí vừa là “thượng đế” vừa là “nạn nhân” của hàng trăm chiêu trò của người bán hàng hóa, dịch vụ với một mục đích lớn nhất là người mua chịu mở ví, rút tiền. Nhưng thực tế, khái niệm “thượng đế” hay “nạn nhân” cũng chỉ là một cách ví von, không giúp bảo vệ người tiêu dùng đến đầu đến đũa, nếu bản thân họ không đủ thông tin và kiến thức để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện của người gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng rồi bị nhân viên lừa đảo rút tiền đi mất. Khi số tiền gửi đủ lớn, người gửi trở thành khách VIP của ngân hàng với các dịch vụ được cho là “tận răng”, khác hẳn những khách gửi tiền thông thường khác. Chẳng hạn: nhân viên đến tận nhà để giao dịch, trả tiền, tất toán tài khoản; xe đưa đón khi có việc phải đến làm việc tại ngân hàng liên quan đến số tiền gửi; quà tặng sinh nhật, lễ, tết... Thực ra thì ngân hàng nào cũng có chế độ chăm sóc đặc biệt cho khách VIP với những hình thức tương tự nhau. Nhưng người gửi tiền dù là khách VIP cũng nên nhớ quan hệ giữa mình và ngân hàng là quan hệ ràng buộc về dân sự có tính pháp lý, liên quan đến số tiền lớn, do đó cũng không được phép lơ là hay bỏ qua những quy định bắt buộc trong quá trình giao dịch. Nhiều khách hàng VIP chủ quan tin cậy vào nhân viên chăm sóc từ đó ký khống giấy tờ, đưa sổ tiết kiệm, nhờ rút tiền giùm... để khỏi “tốn công” trực tiếp đến ngân hàng vì ỷ mình là khách VIP. Điều này làm nảy sinh lòng tham của nhân viên và khi chuyện xảy ra, khách hàng dù là bên thiệt hại cũng không tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm, hoặc khó lòng đòi lại được tiền vì chính mình đã tin, đã ký và bỏ qua các nguyên tắc an toàn.

Câu chuyện thứ 2 là những người bỏ tiền mua các sản phẩm bất động sản. Gần đây rất nhiều người bị mất tiền vì tin vào các công ty môi giới, mua đất trên giấy mà thậm chí còn không biết vị trí dự án nằm đâu. Một số công ty môi giới địa ốc mở bán các sản phẩm đất nền tràn lan mà giá trị lên đến tiền tỷ và điều kinh ngạc là rất nhiều người mua rút tiền ra trả mà không màng đến việc kiểm tra xem dự án đó ở đâu, tính pháp lý thế nào... Ngoài ra, giữa cơn sốt bất động sản hiện nay, rất nhiều trường hợp người môi giới không nói rõ tình trạng pháp lý của thửa đất, chỉ thông tin chung chung “sổ chung sau này xin tách thửa”, “giấy tay có lập vi bằng”... Thực tế, từ sổ chung đến tách thửa là cả một chặng đường rất dài bởi không phải đất nào cũng có thể tách thửa. Mua đất giấy tay lập vi bằng thì cũng chẳng có giá trị pháp lý nào tốt hơn giá trị mà bản thân miếng đất đó đã có. Vậy nên sự chủ quan kèm hám lợi cũng đã đẩy nhiều người mua đất tới tình trạng mất tiền, thua lỗ.

Hai câu chuyện điển hình trên cho thấy, là chủ thể mua và sử dụng hàng hóa - dịch vụ với đầy đủ quyền tìm hiểu thông tin và quyền lựa chọn, người tiêu dùng nên chọn bảo vệ mình trước tiên hơn là để sự đã rồi.

Vi Lâm

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích