Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảng nội địa phát triển chưa xứng tầm

08:06, 11/06/2018

Hệ thống sông ngòi ở Đồng Nai được xem là một lợi thế trong phát triển lĩnh vực vận tải đường thủy. Tuy nhiên, đến nay việc khai thác các tuyến sông này được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng.

Hệ thống sông ngòi ở Đồng Nai được xem là một lợi thế trong phát triển lĩnh vực vận tải đường thủy. Tuy nhiên, đến nay việc khai thác các tuyến sông này được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng.

Giao nhận hàng ở Cảng Đồng Nai.
Giao nhận hàng ở Cảng Đồng Nai.

Theo tính toán, vận tải bằng đường thủy có chi phí rẻ hơn vận tải đường bộ khá nhiều, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông cho đường bộ.

* Giá rẻ hơn

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành vận tải nhận xét trong các phương thức vận tải gồm: đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không thì vận tải bằng đường thủy có giá thành thấp nhất.

Theo chuyên gia logistics Lý Bách Chấn, ưu tiên cho phát triển hệ thống cảng trong thời gian tới Đồng Nai nên tập trung tại 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch, bởi đây là vùng tập trung công nghiệp nên rất cần đến hệ thống cảng để giảm tải cho đường bộ và hạ chi phí vận chuyển. Cũng theo ông Chấn, hệ thống sông khu vực này khá dày nên việc phát triển các cảng nội địa rất phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Thạch, chủ một sà lan đã hơn 10 năm qua chuyên chở thức ăn chăn nuôi cho các công ty ở Đồng Nai xuống TP.Cần Thơ cho các đại lý, cho hay để giá cám không bị tăng nhiều do chi phí vận chuyển, các công ty đều chọn chở bằng sà lan. Do tải trọng của sà lan lớn, mỗi chuyến sà lan chở được vài trăm tấn hàng nên chi phí vận chuyển rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ.

Tính toán của ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải Thượng Hải (ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa), cho thấy trung bình mức chênh lệch chi phí vận chuyển giữa vận tải đường thủy và đường bộ từ Biên Hòa xuống các tỉnh xa ở miền Tây từ 5-7 lần. Nếu sử dụng loại tàu hoặc sà lan lớn để vận chuyển hàng đi xa thì giá còn rẻ hơn, mức chênh lệch lên đến 10 lần. “Chở vật liệu xây dựng từ Biên Hòa đến Hà Tiên (Kiên Giang) bằng sà lan giá chỉ có 50 ngàn đồng/tấn, nếu chở bằng xe ô tô thì mức cước 500 ngàn đồng/tấn, cao hơn đến 10 lần” - ông Chí chia sẻ.

Theo đại diện Chi hội Vận tải hàng hóa và logistics Đồng Nai (thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai), không chỉ hàng rời mà ngay cả container vận tải bằng đường thủy cũng rẻ hơn một nửa so với đường bộ. Một sà lan có thể chở được từ 15 đến trên 100 container (tùy vào sà lan lớn hay nhỏ), trong khi đó 1 chiếc xe đầu kéo chỉ có thể chở được tối đa 2 container loại 20 feet. Đó cũng là nguyên nhân mà chi phí vận chuyển bằng đường thủy khá thấp.

* Kết nối chưa thông

Qua nghiên cứu về phát triển cảng trên địa bàn tỉnh, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast, trụ sở tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh) cho rằng hệ thống cảng loại 1 của Đồng Nai khá thuận tiện, trong đó một số cảng đang được tích cực khai thác như Cảng Long Bình Tân (trên sông Đồng Nai, thuộc phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), Cảng Gò Dầu (sông Thị Vải, huyện Long Thành).

Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn còn một số cảng hoạt động chưa mạnh gồm: Phú Hữu, Ông Kèo và Phước An.

Ngoài nhóm cảng biển thì những cảng sông hoạt động rất manh mún, không có hệ thống. Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết tỉnh đã có chủ trương rà soát và quy hoạch lại hệ thống cảng sông. Theo đó, một trong những trở ngại lớn nhất của việc phát triển cảng sông hiện nay là kết nối giao thông giữa đường bộ và đường thủy. Cảng dù có được đầu tư, nhưng nếu hệ thống giao thông đường bộ kết nối vào không đảm bảo thì cũng không khai thác được hiệu quả. Đơn cử, một số cảng tại huyện Nhơn Trạch đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ” do không kết nối được với đường bộ để nhận hàng.

Khắc Giới

Tin xem nhiều