Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương mại quyết định sản xuất

08:06, 12/06/2018

Một clip ngắn gọn trích một phát biểu công khai tại diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp - giải pháp phát triển cho nông sản Việt diễn ra sáng 5-6 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp cùng Báo điện tử VnExpress thực hiện đang lan truyền mạnh mẽ khắp nhiều tờ báo điện tử và mạng xã hội.

Một clip ngắn gọn trích một phát biểu công khai tại diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp - giải pháp phát triển cho nông sản Việt diễn ra sáng 5-6 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp cùng Báo điện tử VnExpress thực hiện đang lan truyền mạnh mẽ khắp nhiều tờ báo điện tử và mạng xã hội. Clip chỉ dài vỏn vẹn 7 phút nhận được rất nhiều lượt xem bởi tính thời sự nóng hổi và tính thiết thực của nó.

Đó là clip phát biểu của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico. Ngay đầu phát biểu của mình, bà Thực nói: “Tôi là một thương lái. Tôi không phải là một doanh nghiệp lớn nhưng đã làm thương mại, đặc biệt là nông sản với Trung Quốc từ năm 1997. Những năm 1998-2001, tôi đã từng mua cả những nông trường, có những ngày bán 300-400 tấn cam tại chợ Long Biên”. Và điều đặc biệt, theo bà Thực, bà là một trong những thương lái hiếm hoi “có thể đến những diễn đàn như thế này.”

Những gì bà Thực truyền đạt, tuy giản dị song lại gây nhiều tâm tư, đặc biệt là sự nhức nhối cho những người quan tâm đến nông sản Việt Nam, quan tâm đến người nông dân. “Muốn bán hàng thì chúng ta nên đi ra chợ. Chợ lớn nhất thế giới chính là Trung Quốc. Song có thể nói rằng chúng ta không có gian hàng nào ở đó. Chúng ta chỉ ngồi nhà để chờ người ta đến nhà mua. Nông sản Việt Nam đang tự ví mình giống như một cô gái quê danh giá, chờ họ đến nhà tán tỉnh và mua. Đấy là điều mà chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại trước khi nghĩ đến tất cả những thứ cao sang khác. Bởi hiện tại 77% nông sản chúng ta đang bán vào Trung Quốc”.

Theo bà Thực, thương lái Trung Quốc hiện đang vào tận vùng sâu, vùng xa, vào bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào của Việt Nam và họ biết rõ hơn chúng ta là Việt Nam có những quả gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch. Bà Thực chia sẻ sau nhiều năm làm việc với Trung Quốc, bà và những thương lái khác đã rành rẽ kỹ năng thu mua vải thiều: không mua hàng trước 7 giờ sáng và không mua hàng sau 10 giờ trưa. Bởi vì vải trước 7 giờ là vải tồn từ ngày hôm trước, còn sau 10 giờ thu khi nắng nóng sẽ không đảm bảo chất lượng trong vận chuyển và bảo quản. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ  làm cho những người có trách nhiệm với nông nghiệp phải giật mình, vì liệu có cơ quan nào có trong tay toàn bộ cơ sở dữ liệu về nông sản Việt Nam được cập nhật một cách đầy đủ như thương lái Trung Quốc?

Một thực tế không thể phủ nhận, hiện tại Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ trong nông nghiệp của Việt Nam. Nếu Trung Quốc được mùa thì dù trong nước được mùa, nông dân cũng vẫn thua bởi sản xuất của Việt Nam đang lạc hậu so với họ ít nhất 20 năm. “Người dẫn dắt thương mại chính là người quyết định khâu sản xuất. Nếu dẫn dắt được khâu bán hàng, ta sẽ dẫn dắt được khâu sản xuất và chế biến” - bà Thực tâm tư.

Thời điểm này, khoai lang đang tồn ế trên nhiều địa phương và trên vài tờ báo đang “manh nha” một cuộc giải cứu mới như trước đó đã cứu thịt heo, củ cải, cà chua, chuối... Vậy mới thấy, nông nghiệp Việt Nam nếu chỉ chú tâm vào 2 khâu sản xuất và chế biến, và cho đó là 2 khâu trọng yếu cần cải tổ, thì có lẽ cần nhanh chóng nhìn nhận lại rằng: bán được hàng sẽ quyết định tất cả, chỉ cần bán hàng tốt, sản xuất và chế biến sẽ nhanh chóng chuyển biến theo. Song bán cho ai, bán thế nào và làm sao để bán, lại là một câu hỏi lớn cho những người có trách nhiệm với nông sản Việt Nam.

Vi Lâm

Tin xem nhiều