Báo Đồng Nai điện tử
En

Thông tin người tiêu dùng đáng giá bao nhiêu?

08:07, 24/07/2018

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) từng chia sẻ, nhiều chuyên gia thế giới đã nhận định nguồn tài nguyên quý giá nhất của thế giới hiện tại, có thể phát sinh nhiều lợi nhuận nhất chính là dữ liệu người tiêu dùng, chứ không phải dầu mỏ, vàng hay kim cương.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) từng chia sẻ, nhiều chuyên gia thế giới đã nhận định nguồn tài nguyên quý giá nhất của thế giới hiện tại, có thể phát sinh nhiều lợi nhuận nhất chính là dữ liệu người tiêu dùng, chứ không phải dầu mỏ, vàng hay kim cương. Những tập đoàn công nghệ, hàng tiêu dùng, kỹ thuật số... có doanh thu hàng chục tỷ USD như: Amazon, Google hay Facebook là những minh chứng xác thực chứng minh nhận định trên là đúng, bởi họ nhanh chóng tăng trưởng doanh thu từ con số 0 đến hàng trăm tỷ USD chỉ dựa vào nguồn dữ liệu người dùng khổng lồ mà họ thu thập được.

Tại Việt Nam những năm gần đây, với lợi thế của một thị trường mới nổi cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và tiếp thị kỹ thuật số, dữ liệu người tiêu dùng bao gồm các thông tin cá nhân như: số điện thoại, địa chỉ, giới tính, email, sở thích, thói quen, các địa điểm thường ghé, lịch sử bản thân và gia đình... ngày càng trở nên “đắt giá” trên thị trường. Nhiều người tiêu dùng phẫn nộ khi toàn bộ thông tin cá nhân bị “bán” lại trên thị trường cho những công ty xa lạ, dẫn đến việc họ liên tục bị “dội bom” điện thoại, email, tin nhắn... làm phiền, mời gọi mua hàng, thậm chí sử dụng vào những mục đích bất minh hơn. Thị trường dữ liệu cá nhân được giao dịch nửa bí mật, nửa công khai trên mạng internet một cách khá dễ dàng. Tuy nhiên cho đến nay tại Việt Nam, chưa có một vụ việc mua bán/để lộ thông tin người tiêu dùng trái phép nào được xử lý, tất cả vẫn đang dừng ở mức cảnh báo.

Thực tế, người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn trong việc bảo vệ thông tin của chính mình, bằng cách cảnh giác và cẩn trọng hơn khi chia sẻ chúng. Rất nhiều người tiêu dùng khó chịu khi các thông tin cá nhân bị công khai cho các doanh nghiệp khai thác quảng cáo. Họ đổ lỗi cho các nhà mạng hoặc các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội, các ngân hàng, doanh nghiệp tuyển dụng... đã cung cấp hoặc bán thông tin cá nhân của họ ra thị trường, đặc biệt bán cho những doanh nghiệp như: bảo hiểm, cho vay tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản... Điều này có thể đúng, và những bức xúc của người tiêu dùng là hợp lý.

Tuy nhiên, vẫn còn những “kênh” khác mà người tiêu dùng công bố thông tin cá nhân của mình một cách tự nguyện mà không đòi hỏi bất cứ ràng buộc hay cam kết nào cả. Trong đó, tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân để nhận quà khuyến mãi, để được giảm giá, được tham gia một dịch vụ miễn phí nào đó hay đơn giản chỉ để chơi game... là những ví dụ điển hình nhất.

Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo, với những thông tin cá nhân đắt giá, người tiêu dùng càng cần cảnh giác hơn, ví dụ không sử dụng tài khoản ngân hàng bằng wifi công cộng bởi tính bảo mật kém, khi cung cấp thông tin cần đòi hỏi từ phía người nhận những ràng buộc pháp lý về bảo mật, chú ý chọn lọc thông tin chia sẻ trên các diễn đàn, các trang mua sắm trực tuyến, các mạng xã hội... để tránh thông tin bị lợi dụng ngoài ý muốn.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều