Báo Đồng Nai điện tử
En

Vay tiền cũng... online

08:08, 21/08/2018

Khoảng hơn 1 năm nay trên thị trường tài chính xuất hiện một hình thức cho vay trực tuyến mới: P2P (peer to peer - một hình thức kinh tế chia sẻ trên lĩnh vực cho vay).

Khoảng hơn 1 năm nay trên thị trường tài chính xuất hiện một hình thức cho vay trực tuyến mới: P2P (peer to peer - một hình thức kinh tế chia sẻ trên lĩnh vực cho vay).

Hình thức cho vay này hoạt động như sau: những người có tiền nhàn rỗi muốn dùng tiền đó để cho người cần vay và “ăn” lãi suất (chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất tiền gửi đang áp dụng tại các ngân hàng) sẽ thông qua một ứng dụng trực tuyến kết nối với người cho vay, thường là các công ty đứng ra làm trung gian. Tóm lại, P2P là hệ thống kết nối đầu tư ngang hàng trực tuyến, đóng vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư có tiền với các cá nhân cần tiền nhưng không tiếp cận được với ngân hàng. Hiểu đơn giản hơn, đây là một hình thức cho vay theo kiểu Uber, Grab - một dạng kinh tế số phát sinh trong thời đại công nghệ.

P2P được cho là xuất hiện lần đầu tiên tại Anh, phát triển khá mạnh ở các quốc gia phát triển và trở thành một kênh đầu tư - vay tiền phổ biến. P2P tại những quốc gia này cũng hoạt động cho vay dưới 2 hình thức: thế chấp và tín chấp, song hoạt động thẩm định được tiến hành trực tuyến và có các công cụ để người cho vay kiểm soát các hoạt động sử dụng vốn của người vay. Lãi suất sẽ dựa trên đánh giá của hệ thống về uy tín và khả năng trả nợ của người vay - tương tự cách làm truyền thống của ngân hàng. Một trong những thế mạnh khiến P2P nhanh chóng được đón nhận là quy trình thẩm định, xét duyệt nhanh chóng, hiệu quả, không tốn kém nhiều chi phí như các ngân hàng, đồng thời sự minh bạch trên hệ thống dữ liệu cũng giúp hạn chế phần nào tình trạng “tín dụng đen” truyền thống.

Lý thuyết là vậy, song khi áp dụng tại Việt Nam, P2P được đánh giá là nhanh chóng lộ rõ những bất cập. Cụ thể, P2P chưa được cấp phép hoạt động một cách chính thức tại Việt Nam, do đó những doanh nghiệp tham gia mạng lưới này đều xin giấy phép dưới dạng “tư vấn đầu tư”. Chính vì chưa được cấp phép nên hoạt động P2P gần như thiếu sự kiểm soát một cách rõ ràng, minh bạch, chính thống. Mặc dù vậy, thị trường này được cho là nhanh chóng nở rộ với các sàn cho vay như: huydong.com, vaymuon.vn, vaytienaz.vn... và có doanh số lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Bất cập đầu tiên và lớn nhất của các mô hình P2P tại Việt Nam là lãi suất đang được áp với mức khá cao, phổ biến từ 30-40%/năm, gấp 3-4 lần mức lãi suất cho vay của các ngân hàng, thậm chí có nơi lên đến 70-80%/năm. Với mức lãi suất này, đây rõ ràng là tín dụng đen núp bóng P2P. Bất cập thứ 2 là các công cụ để đánh giá/theo dõi/kiểm soát chất lượng các khoản vay, khả năng trả nợ của khách hàng... cũng còn rất mỏng manh và khả năng “tháo chạy” của người vay là rất lớn. Song, những người đầu tư vẫn không ngừng đổ tiền vào P2P bởi lãi suất cho vay cao hơn hẳn lợi nhuận đầu tư vào các kênh truyền thống khác, bất chấp rủi ro mất tiền.

Hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ quy định pháp lý nào bảo vệ nhà đầu tư theo dạng P2P nếu xảy ra tình trạng mất tiền. Thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước nên sớm có động thái chấn chỉnh hình thức P2P, trong đó có thể hợp pháp hóa bằng các quy định rõ ràng. Bài học sụp đổ hàng loạt các công ty hoạt động P2P mới đây của Trung Quốc với hàng chục tỷ USD không biết “đi đâu về đâu” cũng là thông tin đáng xem xét của cơ quan chức năng về việc quản lý P2P một cách minh bạch bằng pháp lý để bảo vệ quyền lợi các bên.

Vi Lâm

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích