Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự ngộ nhận nhiều hệ lụy

09:12, 17/12/2018

Trong vòng vài năm trở lại đây, hàng ngàn hécta cây công nghiệp chủ lực của Đồng Nai như: điều, cà phê, tiêu bị nông dân chặt bỏ vì kém hiệu quả.

Trong vòng vài năm trở lại đây, hàng ngàn hécta cây công nghiệp chủ lực của Đồng Nai như: điều, cà phê, tiêu bị nông dân chặt bỏ vì kém hiệu quả.

Đa số diện tích cây công nghiệp bị chặt bỏ trên được nông dân thay thế bằng cây bưởi da xanh, cây sầu riêng giàu tiềm năng xuất khẩu. Không chỉ riêng Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đua nhau nhân rộng diện tích 2 cây trồng trên.

Nguyên nhân của việc nông dân đua nhau trồng bưởi, sầu riêng và những loại trái cây giàu tiềm năng xuất khẩu bắt nguồn từ sự ngộ nhận về thị trường này. Vài năm trở lại đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và đạt con số ấn tượng 3,5 tỷ USD vào năm 2017. Kỳ vọng mức tăng trưởng này sẽ cao hơn trong năm 2018. Nhưng thực tế, Việt Nam đang xuất khẩu “giùm” cho Thái Lan vào thị trường Trung Quốc vì gần 1/4 tổng trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam là trái cây Thái Lan (tương đương tới 800 triệu USD). Trong đó, nhiều doanh nghiệp Việt đang nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan với sản lượng lớn để xuất lại sang Trung Quốc.

Việc nhập khẩu trái cây từ Thái Lan rồi xuất lại sang Trung Quốc nhưng lại được tính vào giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam, theo Phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam TS.Võ Mai: “Số liệu sai sẽ kéo theo chính sách sai và quyết định kinh doanh nhầm lẫn. Nông dân nghĩ thị trường còn rất lớn cho trái cây Việt Nam nên sẽ tăng đầu tư mà không hề biết xuất khẩu là hàng Thái Lan với những tiêu chuẩn khác chúng ta”. 

Một nghịch lý khác Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu chính của sầu riêng và bưởi da xanh nhưng chủ yếu vẫn thông qua đường tiểu ngạch. Vì 2 mặt hàng này vẫn nằm ngoài danh mục 8 loại trái cây của Việt Nam được Trung Quốc chính thức cho nhập khẩu gồm: xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và thanh long.

Gần đây, bưởi da xanh và sầu riêng đã có dấu hiệu “vỡ trận” khi rơi vào cảnh rớt giá, khó tiêu thụ vì không xuất khẩu được. Nguyên nhân là do Trung Quốc tăng cường công tác quản lý xuất nhập khẩu, siết chặt thương mại “tiểu ngạch”. Trong tương lai rất gần, Trung Quốc sẽ không còn là thị trường dễ tính, nông sản vào đây sẽ phải thực hiện nghiêm túc các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác...

Trong khi đó, nông dân vẫn ngộ nhận thị trường Trung Quốc không kén nguồn hàng nên chưa mạnh mẽ thay đổi từ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, đạt chuẩn an toàn. Họ vẫn lơ là trong thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, trong đầu tư nhãn mác, xây dựng thương hiệu. Và hệ lụy là bên cạnh con số tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng là vòng luẩn quẩn hết giải cứu chuối đến thanh long, dưa hấu, sầu riêng…   

Bình Nguyên

Tin xem nhiều