Báo Đồng Nai điện tử
En

Cao su "tìm đường" vượt khó

09:01, 06/01/2019

Năm 2018 được xem là năm đầy bất lợi của ngành cao su Việt Nam nói chung và ngành cao su Đồng Nai nói riêng. Giá cao su giảm mạnh, thời tiết bất lợi cho cây trồng đã khiến ngành đối mặt với không ít khó khăn.

Năm 2018 được xem là năm đầy bất lợi của ngành cao su Việt Nam nói chung và ngành cao su Đồng Nai nói riêng. Giá cao su giảm mạnh, thời tiết bất lợi cho cây trồng đã khiến ngành đối mặt với không ít khó khăn.

Thu hoạch cao su tại Nông trường cao su Long Thành.
Thu hoạch cao su tại Nông trường cao su Long Thành.

Năm 2019 cũng được các chuyên gia kinh tế nhận định giá cao su khó có thể tăng mạnh trở lại, từ đó dẫn đến áp lực cho ngành cao su ngay trong đầu năm mới.

* Khó khăn “bao vây”

Toàn tỉnh hiện có khoảng 40 ngàn hécta cao su, trong đó diện tích cao su của Tổng công ty cao su Đồng Nai là 35 ngàn hécta. Sản lượng mủ cao su khai thác hằng năm hơn 33.500 tấn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai cho biết năm 2018 thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến chu kỳ phát triển của cây cũng như tiến độ thu hoạch. Gần 9 ngàn hécta vườn cây cao su của tổng công ty bị nấm bệnh. Không chỉ bất lợi từ thiên nhiên, lao động của ngành liên tục giảm sút. Chỉ trong năm đã có hơn 580 công nhân xin nghỉ việc, tổng công ty phải chi hơn 12 tỷ đồng để trả tiền trợ cấp nghỉ việc.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, trên các sàn giao dịch cao su quốc tế như: TOCOM, Tokyo (Nhật Bản) hay Thượng Hải (Trung Quốc) giá cao su tháng 12-2018, giao kỳ hạn tháng 1-2019 đều giảm so với tháng 11-2018 cho thấy “bức tranh” về giá cao su chưa sáng trở lại. Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam Võ Hoàng An cũng cho hay, giá cao su trên thị trường thế giới vẫn là một ẩn số và phụ thuộc mạnh vào mức tăng giảm của giá dầu trên thế giới. Nếu giá dầu trên thế giới tăng lên thì những tháng tới giá cao su sẽ hồi phục trở lại.

Bất lợi không chỉ dừng lại ở đó, thị trường mủ cao su  trên thế giới cũng biến động theo chiều hướng giảm giá mạnh. Giá bán mủ cao su bình quân trong năm 2018 chỉ đạt 32,8 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với giá bình quân năm 2017 là 6,8 triệu đồng/tấn.

Nhận định ban đầu của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam về giá bán mủ cao su năm 2018 là giá nằm ở mức trên dưới 36 triệu đồng/tấn, thế nhưng thực tế giá cao su đã giảm sâu bất ngờ, đến mức có những thời điểm giá bán tiệm cận gần sát với giá thành sản xuất. Để bù cho mức giá giảm, Tổng công ty cao su Đồng Nai đã phải tăng sản lượng khai thác mủ. Trong năm 2018, sản lượng mủ cao su khai thác của tổng công ty đạt 27.600 tấn, cao hơn năm 2017 là 1.300 tấn mủ.

* Xuất khẩu thô còn chiếm phần lớn

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy hiện xuất khẩu thô cao su của Việt Nam tới 80% sản lượng, đây cũng là lý do khiến giá trị của ngành này mang lại chưa cao. Các thị trường nhập khẩu lớn cao su của Việt Nam hiện nay bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Campuchia, Trung Quốc, Nga, Malaysia và Indonesia…

Theo các nhà sản xuất sản phẩm từ cao su, thì cao su nguyên liệu của Việt Nam hiện mới dừng lại ở việc đáp ứng cho các sản phẩm dân dụng như: nệm, bao tay, chỉ thun... chiếm khoảng 10% sản lượng, trong khi đó nhu cầu về cao su công nghiệp rất lớn nhưng sản lượng sản xuất trong nước hiện mới đáp ứng được hơn 10% nhu cầu.

Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai (huyện Long Thành) cho hay phần lớn nguyên liệu cao su dùng cho các ngành công nghiệp như: sản xuất vỏ xe, các chi tiết máy... doanh nghiệp đều phải nhập khẩu do cao su trong nước không đáp ứng được.

Về vấn đề này, ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai cho biết sản xuất cao su tổng hợp không đơn giản, nhu cầu từng loại sản phẩm và từng thị trường đòi hỏi khác nhau nên việc đầu tư nhà máy để sản xuất không dễ. Năm 2018, sản lượng cao su chế biến của Tổng công ty cao su Đồng Nai là hơn 33.300 tấn, nhưng cũng chỉ dừng lại ở nguyên liệu thô phục vụ cho xuất khẩu. 

Với tình trạng phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu cao su thô như hiện nay, ngành cao su chưa thể dễ vượt khó khăn khi giá cao su thế giới xuống thấp. Nguồn cung của cao su thiên nhiên trên thế giới hiện đang vượt quá nhu cầu dẫn đến tình trạng giá xuống thấp. Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cho rằng, khi giá cao su ở mức thấp như hiện nay các công ty cao su vẫn áp dụng phương án tăng năng suất vườn cây để bù vào. Bên cạnh đó, tăng giá trị chế biến các mặt hàng từ sản phẩm cao su.

Vân Nam

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích