Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp nhỏ: Loay hoay vào chuỗi cung ứng

10:02, 27/02/2019

Xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp là muốn tìm nguồn cung hàng hóa đầu vào trong nước và cách phổ biến là thông qua kết nối với các DN nhỏ. Mục đích là để được hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào những nước mà Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp là muốn tìm nguồn cung hàng hóa đầu vào trong nước và cách phổ biến là thông qua kết nối với các DN nhỏ. Mục đích là để được hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào những nước mà Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa sản xuất thiết bị cung cấp cho doanh nghiệp FDI
Một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa sản xuất thiết bị cung cấp cho doanh nghiệp FDI

Đồng Nai hiện có gần 14 ngàn DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Thế nhưng, số DN nhỏ kết nối được với DN nước ngoài để cung ứng sản phẩm vẫn chưa nhiều.

* Cung chưa đáp ứng được cầu

Lợi thế mà nhiều DN lớn đều hiểu là nếu kết nối được các nguồn nguyên liệu trong nước thì khả năng hưởng lợi về thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa đến các quốc gia có ký kết hiệp định thương mại tự do là rất cao. Do đó, chỉ cần DN Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của đối tác về chất lượng, số lượng, môi trường, lao động, giá cả… thì không khó để ký kết các hợp đồng cung ứng sản phẩm.

Rào cản cốt yếu nhất vẫn nằm ở chỗ DN nước ngoài đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng các sản phẩm đầu vào nên trước khi đặt hàng, họ tìm hiểu rất kỹ về nhà cung ứng. Ngoài việc theo dõi, kiểm tra đột xuất trong vòng 6 tháng đến 1 năm liên tục, DN nước ngoài còn thuê một đơn vị độc lập đánh giá công ty sẽ cung ứng sản phẩm. Khi công ty cung ứng sản phẩm đạt được những yêu cầu nền tảng, họ mới tiến hành đặt hàng. Mặc dù không dễ để đạt được các yêu cầu từ phía DN nước ngoài, song lợi thế khi có được lòng tin của họ là DN nhỏ sẽ có những đơn hàng lớn, dài hạn, có khi kéo dài nhiều năm.

Một thực tế là nhìn trên bình diện chung, số DN Việt Nam tại Đồng Nai đủ sức đáp ứng được danh sách yêu cầu của khách hàng không nhiều. Ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Các DN Nhật Bản sản xuất tại Đồng Nai cũng như các tỉnh phía Nam đều muốn tìm nguồn nguyên liệu tại Việt Nam để chủ động trong sản xuất, giảm bớt thời gian vận chuyển hàng hóa và có thể đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để hàng xuất khẩu vào những nước Việt Nam có ký hiệp định thương mại sẽ được miễn giảm thuế. Nhưng rất nhiều DN Nhật Bản không tìm được nguyên phụ liệu trong nước, đành phải nhập khẩu”.

Cũng theo ông Kadowaki Keiichi, 2-3 năm trở lại đây, hiệp hội luôn phối hợp với Đồng Nai tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại tại chỗ để các DN Nhật Bản và DN trong nước gặp gỡ, liên kết để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau, song kết quả chưa như mong đợi. Hiện các DN Nhật Bản vẫn đang tiếp tục tìm những DN Việt có thể cung ứng nguyên liệu đầu vào cho mình.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai cho hay: “Hàn Quốc đang dẫn đầu các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn đăng ký trên 5,6 tỷ USD. Các DN Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và rất muốn liên kết với DN Việt trên địa bàn để cung ứng sản phẩm. Nhưng thời gian qua, tỷ lệ kết nối cung ứng sản phẩm chưa được nhiều”.

* Lỡ nhiều cơ hội

Điểm yếu phổ biến của hàng ngàn DN nhỏ và siêu nhỏ tại Đồng Nai là quy mô nhà xưởng hẹp, không đảm bảo yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ.

“Có những DN nước ngoài khi xem xét sản phẩm mẫu của DN Việt Nam thì rất ưng ý, nhưng khi kiểm tra thực tế xưởng sản xuất thì nhiều DN chưa đảm bảo các quy định về nhà máy sản xuất, môi trường, lao động... nên họ không đặt hàng” - Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho hay. Theo ông Dũng, ngay từ khi đầu tư dự án, DN  Việt Nam cần lưu ý cải thiện những điểm này nếu hướng đến mục đích tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN lớn.

Ông Đào Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH công trình sơn kính 3D Hanchi ở Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) nói: “Dù là DN nhỏ nhưng ngay từ khi mới đi vào hoạt động, tôi đã đầu tư máy móc hiện đại theo công nghệ của Nhật Bản, nhà xưởng đạt yêu cầu của các đối tác nước ngoài. Vì thế sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, công ty đã ký được nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm cho DN Nhật Bản và Hàn Quốc”. Hiện ông Sơn đang tiếp tục tìm thêm các khách hàng để mở rộng sản xuất.

Theo ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, do chưa nhiều DN trong nước đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu đầu vào nên những DN nước ngoài sản xuất lớn khi vào Đồng Nai thường “kéo” theo những DN nhỏ nước ngoài đi theo để cung ứng nguyên liệu đầu vào. Vì thế trong 2-3 năm qua, cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai có 40% dự án cấp mới thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Như vậy, cơ hội lớn dành cho DN Việt đang sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ không kéo dài lâu nữa. Hiện vẫn chưa có số liệu đánh giá chi tiết về việc nguồn cung nguyên liệu trong nước đáp ứng được bao nhiêu phần trăm với những ngành xuất khẩu chủ lực như: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị, máy tính linh kiện điện tử...

Và câu hỏi được nhiều người đặt ra là: trong chuỗi cung ứng, lượng sản phẩm đầu vào mà DN trong nước đáp ứng được là bao nhiêu phần trăm? Thêm vào đó, tỷ lệ nguyên liệu trong nước tăng theo đánh giá chung là do sản xuất công nghiệp hỗ trợ của DN Việt Nam tăng lên hay chủ yếu nhờ DN nhỏ có vốn nước ngoài vào đầu tư trên lĩnh vực này ngày một nhiều lên?

Hương Giang

Tin xem nhiều