Báo Đồng Nai điện tử
En

Mua sắm trực tuyến: Hành lang pháp lý yếu ớt

09:03, 11/03/2019

Hiện nay, mua sắm trực tuyến (mua bán hàng qua internet) được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, một số trang web, mạng xã hội việc mua bán trực tuyến hiện nay vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp,...

Hiện nay, mua sắm trực tuyến (mua bán hàng qua internet) được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, một số trang web, mạng xã hội việc mua bán trực tuyến hiện nay vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, việc quản lý loại hình kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn.

Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ. Ảnh: H.Quân
Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ. Ảnh: H.Quân

Do đó, tình trạng kinh doanh “chụp giật” vẫn xảy ra. Nhiều trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc... Trong khi các quy định pháp luật, hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực kinh doanh này vẫn còn nhiều bất cập, chưa đủ mạnh.

* Người tiêu dùng “bị động”

Chị Thảo Nguyên, nhân viên văn phòng ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) chia sẻ, chị thường xuyên mua các loại mỹ phẩm trên các kênh trực tuyến, mạng xã hội bởi giá rẻ hơn nhiều khi mua ở ngoài. Tuy nhiên, cũng không ít lần gặp phải trường hợp đạt thỏa thuận mua bán nhưng lúc nhận hàng lại khác xa với quảng cáo. Thậm chí, có khi người bán yêu cầu phải chuyển khoản tiền trước nhưng khi nhận hàng không đúng hoặc không ưng ý, gọi điện lại cho người bán thì không liên lạc được.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử - kinh tế số (Bộ Công thương) nhận định, hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và bắt đầu lan tỏa tới nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai. Tuy nhiên, khâu quản lý xuất xứ hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, quản lý cơ sở dữ liệu… đối với loại hình kinh doanh này hiện nay là không dễ thực hiện.

Trong khi đó, anh Quang Sơn ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho hay đã có lần anh đặt mua điện thoại thông minh “xách tay” trên mạng nhưng khi nhận máy bị lỗi. Anh gặp khó khăn trong việc đổi trả, người bán viện nhiều lý do để thoái thác rồi “cắt” luôn liên lạc.

Theo ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai, trong năm 2018 có khoảng 30% lượt khiếu nại, thắc mắc của người tiêu dùng đến Hội liên quan đến những vấn đề về mua hàng trực tuyến. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: chất lượng, mẫu mã không đúng như quảng cáo; sản phẩm không rõ nguồn gốc; giao hàng thiếu hóa đơn; giao hàng chậm, mập mờ về giá cả…

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh trực tuyến trên mạng mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, cũng như đa dạng các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm cho người sản xuất. Tuy nhiên, cũng vì thế mà việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Sự tương tác giữa người bán - người mua được “số hóa”, quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng nên khó để người tiêu dùng trực tiếp cảm nhận, đánh giá sản phẩm. Hơn thế nữa, hiện nay các loại hình như “live stream” (phát trực tiếp) bán hàng, giao dịch qua tài khoản trực tuyến… xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cho người tiêu dùng do có thể xảy ra tình trạng “lấy cắp” thông tin cá nhân của khách hàng… khi giao dịch.

* Không dễ xử lý vi phạm

Ông Phạm Gia Hải chia sẻ thêm, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã có nhiều văn bản pháp lý quan trọng, trong đó phải kể đến là Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội như hiện nay, một số quy định pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động kinh doanh trực tuyến, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số…

Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ. Ảnh: H.Quân
Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ. Ảnh: H.Quân

Việc xử lý những khiếu nại, thắc mắc của người tiêu dùng liên quan vấn đề mua bán hàng trực tuyến cũng không dễ dàng. Đơn cử, nhiều trường hợp gửi đơn khiếu nại đến Hội nhưng địa chỉ người bán lại mập mờ, không rõ ràng. Có trường hợp, có địa chỉ người bán nhưng lại ở các tỉnh, thành khác, khi Hội liên lạc theo địa chỉ thì không được. Hội có gửi văn bản đến các cơ quan quản lý ở địa phương đó thì không nhiều trường hợp nhận được hồi âm.

Ông Trương Quốc Cường, Quyền Trưởng phòng Thanh tra - pháp chế Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho hay, hiện nay xu hướng kinh doanh hàng trực tuyến đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp “biến tướng”, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đúng nguồn gốc… Việc kiểm tra, kiểm soát giá cả; phát hiện, xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực này còn gặp khó khăn. Trong năm 2019, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra định kỳ, thường xuyên đối với hoạt động thương mại điện tử.

Bộ Công thương hiện đang phối hợp với các địa phương tiến hành lập bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu để thuận tiện khi quản lý đăng ký thương mại điện tử ở từng địa phương cũng như kết nối với địa phương khác, hạn chế tình trạng kinh doanh trực tuyến không đăng ký…

Hải Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích