Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu hút FDI "phiên bản" mới

03:03, 05/03/2019

Năm 2013, Chính phủ mới có Nghị quyết 103/NQ-CP về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì tại Đồng Nai, quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc đã được đặt ra từ năm 2005.

[links()]Năm 2013, Chính phủ mới có Nghị quyết 103/NQ-CP về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì tại Đồng Nai, quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc đã được đặt ra từ năm 2005. Việc thu hút FDI có chọn lọc nhằm hướng đến những dự án mang lại hiệu quả cao về kinh tế, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội.

Sản xuất linh kiện máy móc, thiết bị xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam (Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3. Ảnh: Hương Giang
Sản xuất linh kiện máy móc, thiết bị xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam (Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3. Ảnh: Hương Giang

Tính đến nay, Đồng Nai đã có 30 năm thu hút FDI. Tỉnh Đồng Nai là nơi đi đầu cả nước trong việc sớm định hướng thu hút FDI có chọn lọc, trước quy định của Chính phủ 8 năm. Từ hơn 14 năm trước, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu đều bị tỉnh từ chối.

* Đi trước một bước

Năm 2011 có khoảng 36 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh thì hiện đã tăng lên 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thu hút FDI trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2010 là 821 dự án, tổng vốn 12,3 tỷ USD. Năm 2015 là 1.186 dự án, tổng vốn 23,77 tỷ USD, đến tháng 3-2019 là 1.404 dự án với tổng vốn 28,7 tỷ USD.

Đi trước Nghị quyết của Chính phủ 8 năm trong thu hút các dự án FDI nên ngành công nghiệp của tỉnh sớm đi vào quỹ đạo theo định hướng phát triển bền vững. Cơ cấu các ngành nghề công nghiệp phù hợp với điều kiện của tỉnh và vùng.

Cũng do đi trước so với nhiều tỉnh, thành trong việc chọn lọc dự án FDI nên Đồng Nai được đánh giá là “khó tính”. Nhưng cũng nhờ vậy mà Đồng Nai thu hút được nhiều dự án lớn, ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, y tế của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào như: Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai sản xuất các loại sợi, có vốn đầu tư 660 triệu USD; Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam có vốn 441 triệu USD; Công ty TNHH SMC Manufacturing có vốn đầu tư hơn 111 triệu USD, Công ty TNHH Termuro BTC có vốn đăng ký gần 100 triệu USD... Nhiều tập đoàn FDI cũng tăng vốn đầu tư vào tỉnh để mở rộng nhà máy sản xuất như: Fujitsu, Meggitt, Bosch... Điều này cho thấy làn sóng đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai ngày càng phù hợp với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đánh giá: “Thu hút FDI có chọn lọc nhằm hướng đến những dự án có chất lượng để phát triển công nghiệp bền vững. Trong giai đoạn này, vốn đầu tư không phải là ưu tiên hàng đầu nữa mà chất của dự án mới là điều quan trọng nhất”.

Thực tế tại Đồng Nai có những dự án FDI có số vốn không thuộc dạng lớn, nhưng đóng góp cho tỉnh nhiều, lương cho người lao động cao, ổn định vẫn được chọn. Những dự án vốn lớn song nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động hoặc đóng góp cho ngân sách, xã hội ít đều bị từ chối.

Ông Kawaue Junichi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Đồng Nai thu hút FDI có chọn lọc để hướng đến phát triển bền vững từ khá sớm so với các tỉnh, thành khác ở Việt Nam. Dù  thế  nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn muốn đến tỉnh đầu tư. Bởi sức hút của Đồng Nai nằm ở chỗ có hạ tầng giao thông thuận lợi, các khu công nghiệp đầu tư bài bản, dịch vụ đi kèm đầy đủ, muốn thuê đất hay nhà xưởng xây dựng sẵn đều có”.

Sản xuất linh kiện máy móc, thiết bị xuất khẩu tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch) Ảnh: H.GIANG
Sản xuất linh kiện máy móc, thiết bị xuất khẩu tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch) Ảnh: H.GIANG

Cũng theo ông Kawaue Junichi, UBND tỉnh có thông báo rõ ràng về ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, lĩnh vực hạn chế nên doanh nghiệp biết được từ đầu mình đủ điều kiện để vào đầu tư hay không mới tiến hành các bước tiếp theo.

Sau khi Đồng Nai thu hút FDI có chọn lựa đã rất nhiều năm thì cách đây 6 năm, Chính phủ mới ban hành nghị quyết về thu hút FDI có chọn lọc để phát triển hiệu quả, bền vững.

Hướng đến “nền công nghiệp xanh”

Đã có 14 năm mời gọi dự án FDI có chọn lọc kỹ càng, nhưng Đồng Nai vẫn xếp thứ 3 trên cả nước về vốn FDI. Đến đầu tháng 3-2019, vốn FDI rót vào tỉnh khoảng 28,7 tỷ USD với hơn 1,4 ngàn dự án. Đã có 45 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Đồng Nai, trong đó các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư cao nhất tại Đồng Nai là:  Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước thuộc ASEAN, châu Âu, châu Mỹ...

Sau khi thu hút đầu tư có chọn lọc kỹ càng, các ngành công nghiệp của tỉnh phát triển đúng theo định hướng. Cụ thể là chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng vốn đăng ký, còn lại là lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Các doanh nghiệp FDI đã giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động của địa phương và các tỉnh, thành trong cả nước với mức lương bình quân từ 7-9 triệu đồng/tháng.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho hay: “Hơn  10 năm trở lại đây, những dự án FDI thu hút được đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và đa phần thuộc lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao”. Các dự án FDI thu hút được đều “nhắm” đến chất lượng, có giá trị gia tăng cao nên doanh thu của các doanh nghiệp FDI, đóng góp cho ngân sách nhà nước mỗi năm đều tăng trên 10% (tương đương hơn 2.500 tỷ đồng).

Các nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao vẫn lựa chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tư, mở rộng sản xuất dù những quy định về đầu tư đòi hỏi cao hơn những nơi khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI nhìn thấy nhiều lợi thế chỉ có được ở Đồng Nai, do đó sức hút của tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp không hề giảm. Thực tế đã chứng minh, trong gần 10 năm thu hút có chọn lọc, nhưng nguồn vốn FDI rót vào tỉnh hằng năm đều vượt kế hoạch từ 20-80%/năm.

“Tập đoàn Bosch chọn Đồng Nai là nơi đặt nhà máy sản xuất vì đây là trung tâm phát triển công nghiệp của phía Nam, giao thông kết nối với các tỉnh, thành thuận lợi. Thủ tục đầu tư giải quyết nhanh gọn, vì thế sau thời gian ngắn đầu tư vào tỉnh, Bosch đã tăng vốn để mở rộng sản xuất” - ông Mallikarjuna Guru, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành) cho biết.

Biểu đồ thể hiện số lượng dự án FDI còn hiệu lực và tổng số vốn FDI qua các năm từ năm 2013 đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện số lượng dự án FDI còn hiệu lực và tổng số vốn FDI qua các năm từ năm 2013 đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án công nghệ cao tại Đồng Nai cũng tăng vốn đầu tư gấp 2-4 lần so với ban đầu như: Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam, Công ty cổ phần dược phẩm OPC, Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2
(TP.Biên Hòa)... Dự tính tới đây, khi Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) hoàn thành hạ tầng và cho thuê đất thì sẽ có nhiều doanh nghiệp FDI trên lĩnh vực công nghệ cao đến Đồng Nai nhiều hơn. Đồng Nai đang tiến dần đến mục tiêu phát triển công nghiệp xanh.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều