Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ môi trường là mục tiêu lớn nhất

03:06, 06/06/2019

Từ ngày 4 đến 9-6-2019, Đồng Nai sẽ thực hiện "Tuần lễ Đồng Nai xanh" nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6). Mục tiêu năm nay là kêu gọi cộng đồng cùng chung sức làm giảm ô nhiễm không khí...

Từ ngày 4 đến 9-6-2019, Đồng Nai sẽ thực hiện “Tuần lễ Đồng Nai xanh” nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6). Mục tiêu năm nay là kêu gọi cộng đồng cùng chung sức làm giảm ô nhiễm không khí, góp phần bảo vệ môi trường và chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa và đại diện các công ty trong khu công nghiệp Amata tham gia trồng cây sau lễ phát động
Lãnh đạo Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa và đại diện các công ty trong khu công nghiệp Amata tham gia trồng cây sau lễ phát động

[links()]Tại Đồng Nai, ô nhiễm không khí chủ yếu do 3 nguyên nhân chính là khí thải từ xe cộ, bụi và khí thải từ hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

* Thiệt hại 5 ngàn tỷ USD/năm

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, khoảng 92% người dân không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 5 ngàn tỷ USD/năm.

Ô nhiễm không khí đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội. Do đó, Ngày Môi trường thế giới năm nay mang chủ đề “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng cùng hành động trong việc giảm thiểu những chất độc hại môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trên toàn cầu.

Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là nơi tái sử dụng nước thải, xử lý khí thải khá tốt . Ảnh: H.Giang
Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là nơi tái sử dụng nước thải, xử lý khí thải khá tốt . Ảnh: H.Giang

Tại Đồng Nai, ô nhiễm không khí có nguyên nhân chủ yếu do khí thải từ xe cộ vì Đồng Nai tập trung nhiều cung đường giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Kết quả quan trắc tại nhiều tuyến đường có đông lượng xe ô tô, xe máy lưu thông cho thấy kết quả không khí chứa lượng khí thải cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung.

Ngoài ra, Đồng Nai có khoảng 33 mỏ khoáng sản đang khai thác với trữ lượng lớn cũng phát sinh bụi và khí thải khá lớn, tập trung tại nhiều nơi như: xã Phước Tân, Tam Phước
(TP.Biên Hòa), xã Thạnh Phú, Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), xã Quang Trung (huyện Thống Nhất)... Tuy đã tăng cường quản lý, buộc các doanh nghiệp khai thác mỏ phải đầu tư hệ thống phun sương, rửa xe trước khi rời khỏi mỏ… để giảm bụi nhưng chưa giải quyết được triệt để và vẫn gây bức xúc cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thành, người dân sống tại xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) nói: “Quá trình khai thác và vận chuyển đá của các mỏ khoáng sản trong vùng phát sinh rất nhiều bụi, các tuyến đường có xe chở đá đi qua thì bụi mù mịt nên những gia đình sống gần đường hầu như phải đóng cửa suốt ngày. Một số gia đình vì không chịu nổi không khí bị ô nhiễm đã chuyển đi nơi khác sinh sống“.

Bên cạnh khai thác khoáng sản, Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động với trên 1 ngàn doanh nghiệp và hàng trăm doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp và các khu dân cư có xả khí thải và thực tế cho thấy, việc kiểm soát tương đối khó khăn.

Một số mục tiêu về thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2019  (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Một số mục tiêu về thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Lê Văn Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết: “Ô nhiễm về khói bụi thường khó kiểm soát hơn rác, nước thải. Bởi nếu doanh nghiệp xả khí thải vào ban đêm hoặc khí thải không có khói đen, mùi rất khó phát hiện. Những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có lượng khí thải lớn đều buộc phải lắp hệ thống quan trắc tự động để giám sát. Ngoài ra, theo định kỳ mỗi năm sẽ kiểm tra  khí thải, nước thải, rác thải 1 lần tại các doanh nghiệp“.

* Lo khí thải từ xe ô tô, xe máy

Theo Sở Giao thông - vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 127,7 ngàn ô tô và gần 2,2 triệu xe máy được đăng ký tại Đồng Nai. Bên cạnh đó, tỉnh là cửa ngõ giao thông của khu vực Đông Nam bộ nên lượng xe ô tô, xe máy lưu thông qua địa bàn khá lớn. Nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông trên cũng gây áp lực lớn cho môi trường không khí trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu các chủ xe chú ý trong việc sử dụng các nhiên liệu thì cũng có thể giảm thiểu một lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 49/2011 về lộ trình áp dụng khí thải của ô tô, xe máy. Bắt đầu từ ngày 1-1-2017, đối với tất cả ô tô nhập mới và lắp ráp bán ra tại Việt Nam phải đáp ứng khí thải Euro 4 (tiêu chuẩn khí thải Euro bao gồm những định mức về nồng độ của các loại khí sinh ra trong quá trình xe hoạt động như: nitrogen oxide, hydrocarbon, carbon monoxide (CO) được các nước thành viên EU thông qua và áp dụng) trở lên, xe máy là Euro 3 và từ năm 2020, tất cả xe cơ giới lưu hành mới phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Muốn đạt được điều này thì ngoài động cơ tiên tiến thì đòi hỏi nhiên liệu cũng phải đạt chuẩn.

Khai thác, sản xuất đá tại một khu mỏ ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) gây ô nhiễm nặng và bụi
Khai thác, sản xuất đá tại một khu mỏ ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) gây ô nhiễm nặng và bụi

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty xăng dầu Đồng Nai cho biết: “Nếu các xe máy, ô tô sử dụng xăng RON95 khí thải mức 4 (RON95-IV) có thể giảm các chất gây ô nhiễm không khí như: chì giảm 2,6 lần, lưu huỳnh giảm 3 lần, benzene giảm 2,5 lần so với xăng RON95 khí thải mức III”. Ngoài ra, sử dụng xăng sinh học E5 cũng giảm nhiều khí thải độc hại ra môi trường. Hiện nhiều nước trên thế giới vì bảo vệ môi trường không khí đã sử dụng xăng sinh học đến E10, E20.

Để giảm lượng khí thải từ xe ô tô, xe máy người dân có thể  dùng các phương tiện giao thông công cộng thay thế các phương tiện giao thông cá nhân.

* “Quản” chặt về môi trường

Kết quả đánh giá hiện trạng môi trường không khí xung quanh tại các khu vực đô thị, khu, cụm công nghiệp và một số cụm mỏ khai thác đá trong thời gian qua cho thấy ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh đã vượt từ 1,2-16 lần so với quy chuẩn. Tại các nút giao thông đô thị, đặc biệt là khu vực có mật độ tập trung dân cư cao như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch vào giờ cao điểm đều phát hiện dấu hiệu ô nhiễm với thông số bụi vượt quá so với quy chuẩn với mức độ ô nhiễm khác nhau.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại gần 90 lò gạch nung tập trung tại TP.Biên hòa, huyện Trảng Bom, Xuân Lộc gây ô nhiễm về khói bụi đang buộc phải di dời ra khỏi khu dân cư. Theo UBND TP.Biên Hòa,  thành phố không quy hoạch nơi sản xuất gạch nung và cũng không cấp phép cho bất cứ dự án sản xuất gạch nung nào nữa dù là lò tuynel.

Không chỉ chú ý đến bảo vệ môi trường không khí, tỉnh còn chú ý đến việc xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế, nước thải công nghiệp... Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức cho rằng môi trường ở Đồng Nai ngày càng được giám sát tốt hơn. Tuy vẫn còn xảy ra ô nhiễm trong chăn nuôi, khai thác trái phép khoáng sản, nhưng đã hạn chế nhiều so với những năm trước. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tái sử dụng nước thải, hạn chế thải ra môi trường và cố gắng đến cuối năm 2020 có thể giảm chôn lấp rác thải sinh hoạt xuống dưới 15%.

Đồng Nai cũng là tỉnh khá mạnh tay trong việc xử phạt những cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể năm 2018, có những trang trại bị phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Tỉnh cũng buộc những doanh nghiệp có nước thải, khí thải lớn phải lắp đặt quan trắc tự động, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên - môi trường giám sát.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích