Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng Tây Nam Đồng Nai

03:09, 03/09/2019

Đồng Nai sẽ triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gồm 7 địa phương: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh,...

Đồng Nai sẽ triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gồm 7 địa phương: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và một phần huyện Vĩnh Cửu.

Sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành   Ảnh: T.L
Sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành (Ảnh: T.L)

[links()]Mục tiêu là đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp chế biến... Qua đó, đời sống tinh thần và vật chất của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao.

* Phát triển nông nghiệp đô thị

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Đồng Nai là công nghiệp, dịch vụ, du lịch; do đó nông nghiệp đô thị sẽ hỗ trợ và làm hậu cần cho phát triển du lịch, công nghiệp. Ở đây, nông nghiệp đô thị Tây Nam Đồng Nai phải đóng vai trò làm dịch vụ cung cấp giống, công nghệ cho nông nghiệp toàn tỉnh phát triển.

Đề án còn khuyến khích các loại hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Vùng nông nghiệp đô thị Tây Nam Đồng Nai sẽ hình thành các vùng rau sạch, rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Ổn định diện tích cây ăn trái khoảng 22 ngàn hécta; củng cố, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; phát triển thêm chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cây ăn trái đặc sản kết hợp với mô hình du lịch sinh thái vườn. Phát triển các loại hình chăn nuôi, thủy sản ít gây ô nhiễm môi trường ở khu vực ven đô nơi mật độ dân cư thấp.

Các mô hình kinh doanh sinh vật cảnh có giá trị cao được nhân rộng và có sản phẩm tham gia thị trường xuất khẩu. Phổ biến các loại hình nông nghiệp đô thị mới như: trồng cây trong nhà bằng đèn led, nông trại trên mái nhà, tháp trồng cây, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nhà máy trồng trọt…

Đây cũng là định hướng phát triển của các địa phương thuộc vùng Tây Nam Đồng Nai trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Bà Nguyễn Thị Duyên, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cho biết: “Do đặc thù diện tích đất nông nghiệp ít nên thành phố đã tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, sản xuất rau an toàn, rau thủy canh, hoa kiểng, nuôi thủy sản; đặc biệt là trồng rau mầm, trồng rau trong nhà kính... được khuyến khích nhân rộng”.

Đồ họa thể hiện các địa phương dự kiến triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam của tỉnh và một số mục tiêu cụ thể về giá trị sản xuất bình quân/hécta và GRDP bình quân đầu người trong vùng kinh tế Tây Nam của tỉnh theo từng giai đoạn từ năm 2020-2030 (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện các địa phương dự kiến triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam của tỉnh và một số mục tiêu cụ thể về giá trị sản xuất bình quân/hécta và GRDP bình quân đầu người trong vùng kinh tế Tây Nam của tỉnh theo từng giai đoạn từ năm 2020-2030 (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Chính người nông dân ở các khu đô thị cũng tích cực chuyển đổi. Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã cá rô đồng Vĩnh Hưng (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nguồn quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhiều thành viên trong hợp tác xã đã chuyển đổi sang các lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh khác. Nông dân cũng chuyển từ các cây, con truyền thống sang nuôi trồng các loại đặc sản như: cá chép giòn, cá hô, cá quế... TP.Biên Hòa đã đưa vào khai thác tour du lịch đường sông cũng tạo thuận lợi hơn cho đầu ra của các loại đặc sản trên”.

* Gắn với dịch vụ - chế biến

Hiện Đồng Nai chưa có cụm hoặc khu công nghiệp chuyên cho ngành chế biến nông sản, thực phẩm. Toàn tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp chế biến nông sản với khoảng 130 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp thuộc các lĩnh vực như: thức ăn gia súc, bột ngọt, bột nêm, cà phê, mía đường, sữa, hạt điều, bánh kẹo... Còn khoảng 3 ngàn cơ sở kinh doanh, sản xuất liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm ở ngoài các khu, cụm công nghiệp với quy mô hộ gia đình, sơ chế là chính nên giá trị chưa cao.

Nói về hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho biết, ngành nông nghiệp giữ được mức độ tăng trưởng tốt nhưng thiếu sự bền vững do ngành chế biến nông sản phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng của tỉnh.

"Tỉnh nên chọn các trung tâm vùng nguyên liệu như: các huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, TP.Long Khánh... để xây dựng các cụm công nghiệp chế biến, qua đó hình thành được các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; đặc biệt cần ưu tiên phát triển ngành chế biến thịt và trái cây là hai thế mạnh của Đồng Nai” - ông Gọi nói.

Để nông nghiệp phát triển bền vững, vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai cần thu hút đa dạng các loại hình kinh tế tham gia liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị. Hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững cũng là mục tiêu chính của đề án.

Định hướng cho mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế, TS.Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) gợi ý, Đồng Nai phải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản; trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại nông sản hàng đầu của vùng cũng như cả nước.

Ở thị trường xuất khẩu, Đồng Nai cần hình thành một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao. Ở thị trường nội địa, Đồng Nai sẽ trở thành nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao chủ yếu cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

“Địa phương cần có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất; chính sách thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư; đặc biệt cần chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tàu mở đường đột phá cho các chuỗi giá trị chiến lược nông sản thế mạnh của địa phương” - TS.Đặng Kim Khôi nhấn mạnh.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều