Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển cù lao Hiệp Hòa: Phải bảo tồn được giá trị riêng

05:10, 22/10/2019

Theo phương án quy hoạch chung được phê duyệt năm 2014 và điều chỉnh năm 2018, cù lao Hiệp Hòa sẽ phát triển trở thành điểm nhấn của đô thị Biên Hòa, trong đó phải bảo tồn được giá trị riêng...

Không giải tỏa các khu vực có đông dân cư sinh sống; giữ nguyên hiện trạng các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo; xây dựng khu công viên cây xanh giữ vai trò “lá phổi xanh” cho thành phố... là những định hướng quy hoạch được Đồng Nai hướng đến nhằm đưa cù lao Hiệp Hòa, phường Hiệp Hòa trở thành điểm nhấn của đô thị Biên Hòa.

Đường Đặng Văn Trơn là một trong những trục giao thông chính trong quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa. Ảnh: P.Tùng
Đường Đặng Văn Trơn là một trong những trục giao thông chính trong quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa. Ảnh: P.Tùng

* Tạo điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa

Cù lao Hiệp Hòa có diện tích gần 700 hécta, gồm diện tích đất và mặt nước, trong đó phần diện tích đất gần 550 hécta.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, việc giữ nguyên các khu dân cư ở cù lao Hiệp Hòa để thực hiện chỉnh trang thì UBND TP.Biên Hòa cần phải xác định sớm cách quản lý. Không để người dân tự cải tạo theo kiểu cứ có đất trống thì xin cải tạo rồi phân lô bán nền, hình thành các khu dân cư "ổ chuột". Việc cải tạo, chỉnh trang chỉ thực hiện với các công trình hiện hữu, đất trống phải tính toán cho mục đích giao thông.

Trong phương án quy hoạch chung (được phê duyệt năm 2014 và điều chỉnh năm 2018), cù lao Hiệp Hòa sẽ được bố trí thành 3 khu vực chính.

Đầu tiên là khu vực phía Bắc thuộc địa phận ấp Nhất Hòa sẽ phát triển thành vùng lõi trung tâm với các công trình văn hóa, thương mại, nhà ở kết hợp với việc chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

Khu vực phía Tây - Nam thuộc địa phận ấp Nhị Hòa sẽ tiến hành chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và phát triển thêm khu dân cư mới. Với khu vực phía Đông - Nam, diện tích chủ yếu sẽ dành phát triển công viên cây xanh và một phần đất dịch vụ công cộng dọc đường Đặng Văn Trơn.

Ngoài ra, 2 trục giao thông chính được xác định tại cù lao Hiệp Hòa bao gồm đường Đặng Văn Trơn hiện hữu và trục đường bao quanh cù lao. Trục đường bao quanh cù lao có điểm đầu từ KP.Nhị Hòa đi vòng quanh cù lao theo hướng sông Đồng Nai và đi xuyên qua lõi trung tâm tại KP.Nhất Hòa, kết nối với khu trung tâm TP.Biên Hòa tại phường Thống Nhất.

Ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng Thiết kế, Công ty kiến trúc ATA (đơn vị lập quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa, trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh) cho biết, trên cơ sở quy hoạch chung, đơn vị này đã đưa ra 2 phương án quy hoạch phân khu cho cù lao Hiệp Hòa.

Về cơ bản, cả 2 phương án đều đi theo các ý tưởng chung gồm: lõi trung tâm ở giữa phía Bắc của cù lao (KP.Nhất Hòa); hình thành trung tâm trên trục đường Đặng Văn Trơn; khu cây xanh tập trung phía Đông cù lao; khoanh vùng các khu dân cư hiện hữu để chỉnh trang, phát triển thêm các khu vực tái định cư tại chỗ cho người dân và khu vực dành cho các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo được bảo tồn, phát triển.

* “Người dân Hiệp Hòa phải được hưởng lợi”

Điểm khác nhau cơ bản giữa 2 phương án chính là số lượng khu dân cư hiện hữu được giữ lại để thực hiện chỉnh trang. Phương án 1 sẽ có 2 khu vực dân cư hiện hữu được giữ lại để thực hiện chỉnh trang; phương án 2 có 3 khu vực dân cư được giữ nguyên trạng.

Một góc cù lao Hiệp Hòa. Ảnh: P.Tùng
Một góc cù lao Hiệp Hòa. Ảnh: P.Tùng

Theo ông Nguyễn Kinh Kha, đối với phương án 1, do chỉ giữ lại 2 khu dân cư để thực hiện chỉnh trang nên khu vực dân cư hiện hữu tại KP.Nhất Hòa với hơn 200 hộ dân sẽ phải thực hiện giải tỏa. Đối với phương án 2, khu vực này vẫn được giữ nguyên, thực hiện chỉnh trang.

Trước đề xuất này, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho rằng, với một khu dân cư tập trung đông, việc giải tỏa, bồi thường, tái định cư là rất khó khăn. Do đó, thành phố chọn phương án giữ nguyên khu dân cư tại KP.Nhất Hòa để thực hiện chỉnh trang. “Hơn 200 hộ dân thì việc giải tỏa sẽ rất nan giải, thành phố chưa biết phải tái định cư cho người dân ở đâu nên phương án giữ lại để chỉnh trang khả thi hơn” - ông Phạm Anh Dũng nêu quan điểm.

Đồng thuận với quan điểm này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa trước hết phải hướng đến người dân sinh sống tại khu vực này. Do đó, đối với các khu vực hiện hữu đông dân cư nên tránh di dời, giải tỏa. “Người dân Hiệp Hòa phải là những người đầu tiên được hưởng lợi từ quy hoạch” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết.

Theo Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng, cù lao Hiệp Hòa được quy hoạch với mục tiêu trở thành một khu đô thị xanh, sạch, văn hóa lịch sử và nghỉ dưỡng thì mật độ dân số quá cao là không phù hợp. Do đó,  đơn vị tư vấn cần tính toán lại quy mô dân cư trong phương án quy hoạch phân khu. Bởi quy mô dân cư lên đến 45 ngàn người vào năm 2050 là quá lớn.

Cùng với đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng đề nghị trong phương án quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa phải giữ nguyên trạng các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo. Bởi cù lao Hiệp Hòa là vùng đất có một vai trò đặc biệt trong tiến trình mở cõi phương Nam của dân tộc ta nói chung và Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng.

Việc giữ nguyên trạng các công trình này sẽ tạo ra nét riêng không chỉ cho cù lao Hiệp Hòa mà cho cả đô thị Biên Hòa. “Đình, chùa, miếu phải giữ nguyên, ít nhất là nguyên trạng. Đây là yếu tố tạo nên nét riêng của cù lao Hiệp Hòa và TP.Biên Hòa. Cù lao Hiệp Hòa sẽ không phát triển như một “khu phố mới“, giống như nhiều khu phố khác, thiếu bản sắc” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.  

* Không cắt giảm diện tích cây xanh

Trong quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa, diện tích cây xanh được quy hoạch khoảng 134 hécta. Trong đó, khu công viên cây xanh tập trung tại phía Đông cù lao Hiệp Hòa có diện tích gần 87 hécta. Phần diện tích cây xanh còn lại được phân bố dọc các tuyến đường giao thông, các khu dân cư và các khu vực công cộng khác.

Trong quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo sẽ được giữ nguyên trạng. Trong ảnh: Chùa Tịnh Hội. Ảnh: P.Tùng
Trong quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo sẽ được giữ nguyên trạng. Trong ảnh: Chùa Tịnh Hội. Ảnh: P.Tùng

Theo ông Nguyễn Kinh Kha, xét với tiêu chí của một khu đô thị trong nước, diện tích công viên cây xanh tập trung trong quy hoạch cù lao Hiệp Hòa là rất lớn. Do đó, trong quy hoạch khu công viên cây xanh tập trung, đơn vị cũng đề xuất thêm các mục đích du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp. Diện tích đất cho phép xây dựng ở mức 3% trong tổng diện tích công viên cây xanh tập trung và chiều cao tối đa của các công trình xây dựng ở mức 5 tầng.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng, với phần diện tích đất xây dựng thấp lại không có quy hoạch đất ở sẽ rất khó để thu hút các doanh nghiệp đầu tư khu công viên cây xanh tập trung.

Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng, trước đây trong quy hoạch chung, phần diện tích dành cho cây xanh ở cù lao Hiệp Hòa rất lớn. Sau khi điều chỉnh thì còn diện tích như hiện nay, do đó không thể cắt giảm thêm. “Cù lao Hiệp Hòa ngoài quy hoạch là một đô thị mới xanh - sạch - đẹp và trở thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng thì còn đóng vai trò là “lá phổi xanh“ cho TP.Biên Hòa nên không thể giảm thêm diện tích cây xanh” - ông Lê Mạnh Dũng cho hay.

Về phương án thu hút đầu tư, ông Lê Mạnh Dũng cho rằng, khi triển khai quy hoạch, Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, giá trị đất sẽ được nâng lên. Lúc đó, cù lao Hiệp Hòa vẫn có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên cây xanh tập trung.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng thừa nhận, việc diện tích đất xây dựng ít cũng sẽ rất khó thu hút đầu tư cho công viên cây xanh tập trung. Tuy nhiên, trong bối cảnh không thể giảm diện tích, TP.Biên Hòa và các cơ quan chức năng cần tính toán phương án thu hút đầu tư, tránh tình trạng lập quy hoạch nhưng không khả thi, không thu hút được đầu tư dẫn đến quy hoạch “treo” làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều