Báo Đồng Nai điện tử
En

Khói thải xe đang "đầu độc" môi trường và con người

07:11, 10/11/2019

Không khí bị ô nhiễm đang kéo giảm chất lượng cuộc sống, làm gia tăng nhiều loại bệnh tật. Khói, bụi từ hoạt động giao thông của các phương tiện cơ giới trên đường đã được các nhà chuyên môn xác định  là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chất lượng không  khí giảm sút.

[links()]Không khí bị ô nhiễm đang kéo giảm chất lượng cuộc sống, làm gia tăng nhiều loại bệnh tật. Khói, bụi từ hoạt động giao thông của các phương tiện cơ giới trên đường đã được các nhà chuyên môn xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chất lượng không khí giảm sút.

90% người dân Việt Nam sử dụng phương tiện cá nhân trong sinh hoạt
90% người dân Việt Nam sử dụng phương tiện cá nhân trong sinh hoạt

Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về số lượng xe máy nhưng hoạt động kiểm định khí thải lại đang còn bỏ ngỏ. Không kiểm soát được lượng khí thải độc hại phát tán ra môi trường là đồng nghĩa với việc không khống chế được các thành phần gây hiệu ứng nhà kính, góp phần đẩy nhanh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Bài 1:  Xe cơ giới tăng, chất lượng sống giảm

Ngoài ô tô cá nhân và các phương tiện vận tải, xe gắn máy là phương tiện lưu thông chính ở Việt Nam, là tài sản, là vật thiết thân trong sinh hoạt, lao động và học tập của mỗi người dân.

Đặc biệt, ở các thành phố lớn, thành phố công nghiệp, từ sáng đến tối, xe máy tràn ngập từ đường lớn đến hang cùng ngõ hẻm… và khí thải từ các loại cơ giới này đang “đầu độc” môi trường và con người.

* “Bội thực” ô tô, xe máy

Trong khi hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn, thành phố công nghiệp chưa phát triển tương xứng với số dân tập trung; mạng lưới xe buýt công cộng bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế; dịch vụ xe đưa đón theo yêu cầu giá cả chưa phù hợp với nhiều người dân..., thì xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính của 85% cư dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và thủ phủ công nghiệp lớn nhất nước là Đồng Nai.

Tình trạng nhà nhà mua xe, người người đi xe khiến lượng xe máy  ở Việt Nam tăng quá nhanh trong những năm trở lại đây. Nhà bà Nguyễn Thị Thư (ngụ tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) có 7 người, nhưng đã có đến 6 chiếc xe máy. Bà Thư cho biết, trừ thằng cháu nội 3 tuổi, còn thì mỗi người mỗi xe đi làm, đi học. Dù 2-3 người trong gia đình bà đi làm, đi học ở khu vực khá gần nhau, thuận tiện đưa đón, nhưng không ai chịu đi chung xe với ai, mỗi người mỗi chiếc cho... tiện. “Tối đến, 6 chiếc xe máy dắt vào, nhà không còn chỗ đi lại. Đóng kín cửa, mùi xăng, mùi khói thải xe vẫn vảng vất, làm cho không khí trong nhà như đặc lại, rất khổ nhưng không phải biết làm sao?” – bà Thư nói.

Gia tăng nhanh các loại phương tiện cơ giới trên đường là nguyên nhân số một gây ô nhiễm môi trường
Gia tăng nhanh các loại phương tiện cơ giới trên đường là nguyên nhân số một gây ô nhiễm môi trường

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cả nước hiện có khoảng 4 triệu chiếc ô tô và 60 triệu xe máy. Tại Thủ đô Hà Nội có 8 triệu dân nhưng đã có hơn 740 ngàn chiếc ô tô và 7,5 triệu xe máy, còn TP.Hồ Chí Minh gần 10 triệu dân nhưng có 1 triệu ô tô và có đến 8 triệu xe máy. Tại Đồng Nai, dân số chỉ có 3,1 triệu người, nhưng có đến 2,2 triệu xe máy và 200 ngàn ô tô. Điều đáng nói là các phương tiện cơ giới đang ngày một gia tăng nhanh chóng.

Tiếng ồn, khói bụi từ xe cộ ảnh hưởng nhiều đến thể chất lẫn tinh thần

Bác sĩ CKI. Phan Hải Nam, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, tiếng ồn do xe cộ, cộng với khói bụi do khí thải và sự tắc nghẽn, chật chội trên các tuyến đường ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí ảnh hưởng đến cả tâm sinh lý của con người. Khi bị tiếng ồn “tra tấn”, phải đứng lâu trong môi trường dày đặc khói bụi, con người không chỉ mắc các bệnh về thực thể mà còn dễ làm cho người ta bị nhức đầu, khó chịu, bị hội chứng suy nhược thần kinh; làm tăng tác động lên thần kinh gây tăng tiết một số chất không có lợi cho cơ thể khiến người ta dễ bức bối, nổi nóng và khó tự chủ...

Cũng theo Ủy ban ATGT quốc gia, bình quân mỗi ngày  có khoảng 850 chiếc ô tô và 9 ngàn chiếc xe máy được đăng ký mới. Tại Đồng Nai, thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), chỉ 6 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh đã có hơn 8,2 ngàn ô tô và gần 64,4 ngàn xe máy đăng ký mới.

Theo Motorcycles Data, Việt Nam là nước đứng thứ tư trên thế giới về số lượng xe máy, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Song, nếu tính tỷ lệ xe máy trên đầu người thì Việt Nam đang dẫn đầu thế giới, với tỷ lệ bình quân cứ 2,2 người thì sở hữu 1 xe máy. Hiện mức tiêu thụ xe máy của Việt Nam khoảng 3 triệu chiếc mỗi năm.

Với số lượng xe cơ giới tăng “khủng” như hiện nay, đồng thời cũng số lượng xe “khủng” này lưu thông hàng ngày trên đường đã dẫn đến tình trạng tắc đường thường xuyên và nghiêm trọng tại nhiều địa phương trong đó có Đồng Nai, cao điểm là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tình trạng nhiều con đường lớn nhỏ luôn trong tình trạng những dòng xe ken đặc, gánh nặng ô nhiễm môi trường lại càng trở nên rồi tệ hơn khi hàng ngàn, hàng triệu phương tiện cơ giới mở máy, bấm còi chờ nhích từng nửa vòng bánh xe...

* Bệnh tật bủa vây

Môi trường ô nhiễm, khói bụi tràn lan khiến hầu hết người dân ngán ngại mỗi khi ra khỏi nhà. Nếu phải ra đường, nhiều người đều dùng khẩu trang, áo gió che kín cả người để tránh khói bụi. Nhiều người nói vui “ra đường bây giờ gặp toàn ninja”.

Môi trường không khí ô nhiễm, người già và trẻ em là đối tượng chịu nhiều áp lực bệnh tật
Môi trường không khí ô nhiễm, người già và trẻ em là đối tượng chịu nhiều áp lực bệnh tật

Ông Trần Văn Hưởng, một người chạy xe ôm khu vực ngã tư Vũng Tàu (TP. Biên Hòa) cho hay: “Chỉ chạy xe ôm 3 năm nay nhưng sức khỏe của tôi giảm sút trông thấy. Do khu vực này thường xuyên bị kẹt xe, các phương tiện nổ máy nhích từng chút, tạo ra rất nhiều tiềng ồn, khói bụi..., nên dù mang 2 lớp khẩu trang nhưng tối về tôi vẫn ho khù khụ, lỗ mũi thì đóng đầy bụi đất”. Ông Hưởng cho biết thêm, ráng chạy từ nay đến tết thì nghỉ. Chứ đứng ngoài đường thế này, không biết “trụ” được bao lâu...

Nhiều bà mẹ ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội có con nhỏ cũng than phiền về tình trạng con nhỏ thường xuyên phải đi bệnh viện do bị các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm siêu vi, kể cả bệnh phổi tắc nghẽn... do tiếp xúc nhiều với khói bụi trên đường.

Đang phải chăm con bị viêm phế quản tại Bệnh viện nhi đồng 1, chị Trần Thị Thanh Thanh ở quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, do điều kiện nhà ở ngoại thành, hàng ngày chị phải chạy khoảng chục km để chở con vào trung tâm thành phố - gần nơi chị làm việc - để đi học cho tiện đưa đón. Sáng đi thì kẹt xe, chiều về lại tắc đường, hai mẹ con thường xuyên phải chịu trận trong “vòng vây” khói bụi nên cháu bé cứ èo uột vì rất hay bị ho, khò khè, khó thở. Chị Thanh cho biết, gia đình đang phấn  đấu mua ô tô để đưa đón con cho đỡ nhiễm khói bụi trên đường.

Theo phân tích của nhóm nhà khoa học Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải, các chất độc hại có trong khí thải xe cơ giới, bụi đường trong hoạt động giao thông là nguyên nhân số một gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, là tác nhân lớn nhất dẫn đến gánh nặng bệnh tật có nguồn gốc từ môi trường lên sức khỏe con người, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Khoa hô hấp của Bệnh viện nhi đồng 2 TP.Hồ Chí Minh chật kín trẻ em nhập viện điều trị (Ảnh Duyên Phan)
Khoa hô hấp của Bệnh viện nhi đồng 2 TP.Hồ Chí Minh chật kín trẻ em nhập viện điều trị (Ảnh Duyên Phan)

Tháng 8-2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã công bố, trong cơ cấu 5 bệnh tật của Việt Nam thì bệnh về đường hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất (31%) và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau các bệnh hệ tuần hoàn.

Cũng theo WHO, 25% số ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam là do tác hại của môi trường ô nhiễm. Cơ sở này càng được khẳng định khi thống kê của các Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho thấy, số ca trẻ em mắc các bệnh  liên quan đến đường hô hấp và bệnh phổi đang gia tăng nhanh từ 30-40% so với 3 năm trước đây, đồng thời tăng cả số lượng bệnh nhi phải nhập viện điều trị các bệnh lý nặng về hô hấp. Những ca này chiếm từ 45% - 50%  tổng số ca bệnh nhi điều trị nội trú.

Về vấn đề này, BS. Huỳnh Tấn Tiến, Chủ tịch Hội Y học dự phòng TP.Hồ Chí Minh cho biết, khí thải từ xăng dầu và bụi bặm do xe cơ giới gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân. Nếu người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn... khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ hoạt động giao thông dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do chít hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc không được cấp cứu kịp thời.

Cũng theo BS. Tiến, các nghiên cứu gần đây còn cho thấy, tiếp xúc với khói bụi xe máy trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng của mắt, về lâu dài có thể gây mù lòa do võng mạc bị ảnh hưởng, hiện bệnh này chưa có cách chữa trị, chỉ có thể phòng ngừa. BS. Tiến nói thêm, trong khí thải xăng dầu còn có những chất rất độc, có thể gây ung thư hoặc gây kích thích như: Benzen, Acid H2S, CO, Cacbon... Một số chất độc khác còn có thể ngấm vào máu gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể.

Bài và ảnh: Phương Liễu

Xem tiếp bài 2: Cuộc “xâm lăng” của bụi mịn

Tin xem nhiều