Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng lại quy trình giải phóng mặt bằng

11:12, 29/12/2019

Công tác giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn được xem là 2 yếu tố quyết định đến tiến độ của các dự án giao thông. Do đó, để tránh rơi vào cảnh chậm trễ, kéo dài, các dự án này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng...

Công tác giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn được xem là 2 yếu tố quyết định đến tiến độ của các dự án giao thông. Do đó, để tránh rơi vào cảnh chậm trễ, kéo dài, các dự án này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đối với việc thực hiện các nội dung trên.

Thi công dự án đường 319 trên địa bàn huyện Nhơn Trạch
Thi công dự án đường 319 trên địa bàn huyện Nhơn Trạch

* Cần chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, năm 2019, kế hoạch vốn được giao cho các dự án giao thông của tỉnh do đơn vị làm chủ đầu tư là hơn 273 tỷ đồng. Đơn vị đang phấn đấu để giải ngân đạt khoảng 96% tổng vốn được giao trong năm.

Theo UBND tỉnh, các dự án giao thông có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra động lực phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành sớm các dự án giao thông sẽ giúp tạo ra điều kiện để phát triển nhanh. Ngước lại, các dự án kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm chậm nhịp phát triển.

Hiện phần lớn các dự án giao thông cấp quốc gia hay cấp tỉnh trên địa bàn đều đang bị chậm tiến độ. Vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông. Do đó, để đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án, trong đó có các dự án giao thông, UBND tỉnh sẽ xem xét, xây dựng lại quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng theo hướng rút ngắn tối đa thời gian.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị tổng kết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh. Qua đó đánh giá toàn diện nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc để từ đó có giải pháp hiệu quả. “Tỉnh sẽ xây dựng lại quy trình về thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rút ngắn thời gian. Đồng thời quy định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan để có chế độ giám sát, kiểm tra chặt chẽ” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị quỹ đất, xây dựng các khu tái định cư để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án giao thông trọng điểm.

* Đảm bảo nguồn vốn cho các dự án

Thực tế, một số dự án giao thông kéo dài, chậm trễ ngoài nguyên nhân mặt bằng còn đến từ việc chủ đầu tư chưa chuẩn bị đủ nguồn vốn thực hiện. Đơn cử, dự án nút giao Dầu Giây, hiện chủ đầu tư vẫn chưa bố trí được nguồn vốn khoảng 49 tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng phía bên trái tuyến (hướng Bắc - Nam).

Ngoài các dự án đang triển khai, trong năm 2020, hàng loạt dự án giao thông cũng sẽ được khởi công thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Giao thông - vận tải, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh trong năm 2020 là mở mới, nâng cấp 99km đường bộ. Trong đó, có các dự án mang tính đột phá để phát triển như dự án đường hương lộ 2, giai đoạn 1, cầu Vàm Cái Sứt... Các dự án này sẽ cần nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng để thực hiện.

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên vốn để thực hiện các tuyến đường giao thông quan trọng trước nhằm đem lại hiệu quả sử dụng cao hơn.

Trong bối cảnh hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) từng được xem là cứu cánh” để thực hiện các dự án, trong đó có các dự án giao thông khi gặp khó khăn về nguồn vốn đang bị tạm dừng để chờ quy định mới, UBND tỉnh cũng đã tính toán đến các hình thức tạo vốn mới. Trong đó có việc chuyển các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BT sang đầu tư công.

Giải bài toán về vốn đầu tư cho các dự án giao thông đường bộ hiện rất khó khăn. Trước đây, nhiều địa phương dự tính đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) là “đổi đất lấy hạ tầng”. Tuy nhiên sau đó vì nhiều lý do, các dự án BT trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đang bị tạm dừng để chờ quy định mới. Hiện Chính phủ đã tìm cách tháo gỡ một số vướng mắc nhưng các dự án BT trên thực tế vẫn khó triển khai. Vì thế, Đồng Nai phải chuyển hàng loạt dự án đầu tư theo hình thức BT sang đầu tư công.

Theo phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, để có vốn triển khai các dự án hạ tầng giao thông, tỉnh đã tiến hành đấu giá nhiều khu đất công trên địa bàn. Nguồn vốn này sẽ chi cho các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, trong đó ưu tiên vốn để thực hiện các tuyến đường giao thông quan trọng.

UBND tỉnh cũng đã tiến hành làm việc với các địa phương và yêu cầu rà soát lại tất cả các quỹ đất công trên địa bàn, nếu khu đất có thể triển khai được thì đưa ra đấu giá để có thêm vốn đầu tư đường, các công trình khác. Đồng thời, yêu cầu các huyện, thành phố dành phần lớn nguồn vốn cho xây dựng cơ bản để làm các tuyến đường.

Quỳnh Nhi 

 

Tin xem nhiều