Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

03:03, 16/03/2020

Đồng Nai là nơi có đa dạng sinh học (ĐDSH) khá phong phú. Trong rừng tự nhiên còn bảo tồn được nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam...

Đồng Nai là nơi có đa dạng sinh học (ĐDSH) khá phong phú. Trong rừng tự nhiên còn bảo tồn được nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam. Giữ được ĐDSH là góp phần làm chậm lại diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu.

H.Tân Phú là nơi có nhiều rừng đặc dụng với nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm sinh sống. Ảnh: Phước Huy
H.Tân Phú là nơi có nhiều rừng đặc dụng với nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm sinh sống. Ảnh: Phước Huy

[links()]Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 165 ngàn ha rừng và từ 15 năm trước, UBND tỉnh đã tiến hành đóng cửa rừng với mục tiêu bảo vệ và phát triển. Vì thế, nhiều loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm đang báo động trước nguy cơ tuyệt chủng đã được bảo tồn và sinh sôi, nảy nở.

* Hàng ngàn loài được bảo tồn

Các chuyên gia về môi trường trong và ngoài nước khi đến Đồng Nai đều đánh giá, tỉnh là nơi còn giữ được nhiều rừng tự nhiên và đây cũng là một trong những địa phương bảo tồn ĐDSH tốt nhất Việt Nam.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, diện tích rừng nguyên sinh ở nước ta chỉ còn khoảng 570 ngàn ha, phân bố rải rác. Trong đó, có nhiều rừng non mới phục hồi nên ÐDSH chưa cao. Việc săn bắt, buôn bán sản phẩm động vật, thực vật kể cả những loài quý hiếm vẫn diễn ra khiến một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Thống kê về ĐDSH của Đồng Nai, trong rừng tự nhiên của tỉnh có 1.610 loài thực vật, trong đó 176 loài gỗ lớn, 335 loài gỗ nhỏ, 345 loài cây bụi, 311 loài thảm tươi, 238 loài dây leo, 205 loài thực vật phụ sinh, ký sinh, khuyết thực vật. Đồng thời, có 1.604 loài động vật gồm thú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá nước ngọt, côn trùng.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên Việt Nam đánh giá: “Đồng Nai có Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, là nơi bảo tồn được nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Vì thế khi đi tham quan hoặc nghiên cứu về các loài thú quý hiếm, nhiều người hay tìm đến Đồng Nai”.

Đồng Nai cũng là nơi giữ và bảo vệ rừng tự nhiên khá tốt nên đảm bảo được môi trường sinh trưởng cho những loài động, thực vật quý hiếm như: voi, báo, gấu, tê giác, culi nhỏ, vượn đen má vàng, mèo rừng, khỉ đuôi dài...

TS.Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sinh nhận xét: “Đồng Nai là tỉnh còn giữ lại được nhiều rừng tự nhiên nhất trong khu vực Đông Nam bộ. Rừng của tỉnh được xem như lá phổi xanh cho khu vực phía Nam và là nơi lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý hiếm của Việt Nam cũng như thế giới. Do đó, rừng của tỉnh là nơi được nhiều sinh viên, nhà khoa học trong và ngoài nước đến học tập, nghiên cứu”.

* Làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong 5 nước sẽ chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, từ nhiều năm trước Chính phủ đã xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó giữ rừng và bảo tồn ĐDSH là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu.

Theo Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội, việc bảo vệ, quản lý ÐDSH đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới. Xuất phát từ nhận thức đó, thời gian qua, Việt Nam luôn quan tâm công tác quản lý ÐDSH bằng việc ban hành nhiều văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm ÐDSH. Đồng thời, tăng đầu tư nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị cho công tác trên.

Khoảng 10 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến Việt Nam rất rõ ràng. Cụ thể, thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, trong năm xuất hiện nhiều cơn bão lớn và hướng đi khó dự báo, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để làm chậm lại tiến trình của biến đổi khí hậu, Đồng Nai đã rất coi trọng việc giữ rừng, giúp điều hòa không khí, ngăn lũ, bảo tồn ĐDSH nhằm ngăn bớt được nhiều rủi ro do thiên tai.

Theo các nhà khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu trên thế giới, ĐDSH có tầm quan trọng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường. Bảo vệ ĐDSH chính là góp phần giữ cho môi trường sinh thái tự nhiên phát triển ổn định, giữ cho thời tiết cân bằng và những diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ chậm lại, giảm thiệt hại về tài sản, con người cho Việt Nam, nhiều nước trên thế giới. Do đó, từ năm 2008, Việt Nam chính thức ban hành Luật ĐDSH và Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Ông Ngô Văn Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, ĐDSH được coi là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Bảo tồn ĐDSH là bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã và ưu tiên bảo vệ những loài động, thực vật thuộc danh mục quý hiếm. ĐDSH được ví như một mắt xích trong chuỗi môi trường tự nhiên, vì vậy nếu không bảo vệ tốt để một trong các loài động, thực vật bị tuyệt chủng, sẽ khiến chuỗi mắt xích đang hoạt động bị đứt đoạn, hệ sinh thái sẽ bị phá vỡ, môi trường sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. “Bảo vệ ĐDSH chính là bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và tương lai. Đồng thời, góp phần làm chậm lại diễn biến khốc liệt của biến đổi khí hậu” - ông Vinh nhấn mạnh.

Đồ họa thể hiện thực trạng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện thực trạng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Đồng Nai còn là nơi trồng và bảo tồn được hơn 4,6 ngàn ha rừng ngập mặn, trong đó bảo tồn và phát triển được nhiều loài động vật quý hiếm. Hiện trong rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài cây họ đước, mấm, bần, cóc, chà là và nhiều loài thú, chim, cá.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành Lê Thuần Thành cho biết: “Rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch được bảo vệ tốt nên trở thành nơi trú ngụ của 20 loài thú, hơn 100 loài chim, 30 loài bò sát và 137 loài cá. Đặc biệt trong 10 năm qua, các trạm rừng giống đã nuôi và phát triển đàn khỉ từ vài con tăng lên hơn 50 con làm tăng ĐDSH cho tỉnh, vùng”.

* Nhiều chính sách để bảo tồn

Từ khi có Luật ĐDSH, Đồng Nai đã có hàng loạt các chương trình, dự án để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật trong rừng bằng ngân sách nhà nước như: dự án điều tra xây dựng danh lục và tiêu bản động, thực vật rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; Trồng và khôi phục cây gỗ lớn ở Chiến khu Đ; Giám sát một số loài động vật hoang dã nguy cấp; Nghiên cứu đánh giá phục hồi hệ sinh thái rừng; Cải tạo sinh cảnh cho thú móng guốc...

Theo Bộ TN-MT, cả nước hiện có hơn 21 ngàn loài thực vật, gần 16 ngàn loài động vật tập trung tại một số khu vực có ÐDSH cao như: vùng Ðông Nam bộ, dãy núi Hoàng Liên Sơn, bắc Trường Sơn, Tây nguyên. Tại khu vực Đông Nam bộ, Đồng Nai được Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã đánh giá là nơi có ĐDSH phong phú vì còn giữ lại được nhiều rừng tự nhiên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Đồng Nai là địa phương quản lý bảo vệ rừng chặt chẽ, nhiều năm liền trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các vụ cháy rừng lớn. Những vụ vi phạm về rừng được xử lý nghiêm nên ĐDSH trong rừng được bảo vệ khá tốt. Ngoài ra mỗi năm vào mùa mưa, tỉnh đều tiến hành trồng rừng ở nhiều khu vực trong tỉnh nhằm tăng tỷ lệ che phủ và góp phần làm phong phú thêm ĐDSH”.

Cuối năm 2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 92/2017/NQ-HĐND về quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm, cây dược liệu và những cây đặc hữu có giá trị của địa phương, bảo tồn ĐDSH thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo tồn ĐDSH có sự tham gia của cộng đồng, người dân địa phương và cùng chia sẻ lợi ích và phát triển du lịch. Tỉnh đầu tư bảo vệ, phát triển các khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Dự kiến đến cuối năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn trong đó gồm các vườn sưu tập cây thuốc, vườn động vật, vườn thực vật, các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. UBND tỉnh đã chi hơn 140 tỷ đồng và vận động xã hội hóa, các nguồn tài trợ phi chính phủ gần 340 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch ĐDSH.        

Hương Giang

 

Tin xem nhiều