Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm thương hiệu cho nông sản chế biến

10:06, 17/06/2020

Anh Nguyễn Thế Hưng là người hoạt động trong lĩnh vực thương mại nhưng lại "rẽ ngang", thành lập Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) với khát vọng tạo nên một thương hiệu riêng cho bản thân.

Anh Nguyễn Thế Hưng là người hoạt động trong lĩnh vực thương mại nhưng lại “rẽ ngang”, thành lập Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) với khát vọng tạo nên một thương hiệu riêng cho bản thân. Anh chọn đầu tư chế biến nông sản vì nhận thấy với một nước nông nghiệp như Việt Nam, lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng phát triển.

Anh Nguyễn Thế Hưng (thứ hai từ phải qua), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tại Lễ hội trái cây Long Khánh năm 2020
Anh Nguyễn Thế Hưng (thứ hai từ phải qua), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tại Lễ hội trái cây Long Khánh năm 2020. Ảnh: B.Nguyên

Không ngừng nâng cao chất lượng nông sản chế biến, nghiên cứu tạo ra nhiều dòng đặc sản mới là cách anh đang từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản chế biến Hưng Phát.

* Đầu tư ngay vùng nguyên liệu

Trụ sở chính của Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát là ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Nhưng năm 2016, anh quyết định về xã Bình Lộc, TP.Long Khánh thuê đất mở xưởng chế biến vì đây là địa phương có vùng đặc sản trái cây ngon với sản lượng lớn.

Nguyên nhân là do nhà máy chế biến ở ngay vùng nguyên liệu dồi dào thì mới hoạt động ổn định và giúp tiết kiệm chi phí đầu vào. Điều quan trọng nhất là nguyên liệu ngon thì chế biến mới ngon nên quy trình trái cây sau khi thu hoạch được đưa vào bảo quản, chế biến ngay thì mới đảm bảo được về chất dinh dưỡng và độ tươi ngon.

Tuy là “tay ngang” đầu tư vào ngành chế biến nhưng anh Hưng có cả kho kinh nghiệm từ quy trình thu hoạch đến sơ chế, bảo quản và đưa vào chế biến sao cho sản phẩm đó đạt độ thơm ngon nhất có thể. Anh còn chú trọng khai thác thế mạnh của mỗi sản phẩm doanh nghiệp đưa ra thị trường.

Theo anh Hưng, sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp vẫn là mặt hàng mít sấy, loại thực phẩm ngon, rất giàu chất dinh dưỡng. Dòng sản phẩm này không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu tốt đi nhiều nước trên thế giới. Mít là loại cây đặc trưng của vùng nhiệt đới nên không phải nước nào cũng trồng được phổ biến như ở Việt Nam. Ngoài sản phẩm thông dụng như mít sấy, khoai sấy, rau củ sấy, anh Hưng còn nghiên cứu chế biến thêm các loại đặc sản ít có trên thị trường như chuối cau sấy, xoài sấy...

Về quy trình chế biến, từ múi mít đến trái chuối, trái xoài... đều để các loại trái cây này đủ độ chín mới đưa vào chế biến. Theo đó, vị ngọt của sản phẩm là hoàn toàn tự nhiên chứ không phải ướp thêm đường dù cách làm này, tỷ lệ hao hụt và chi phí có tăng hơn nhưng lại đảm bảo độ thơm ngon và dinh dưỡng của sản phẩm.

* Tìm cơ hội trong khó khăn

Ở thời kỳ đầu khởi nghiệp gian nan, nguồn vốn đầu tư ít cùng với bản tính không đi theo lối mòn, anh Hưng phải tự mày mò thử nghiệm để Việt hóa dây chuyền máy móc chế biến. Nhiều loại máy móc trong dây chuyền chế biến do anh tự đặt các cơ sở gia công theo ý mình. Nhờ đó, anh tiết kiệm được một khoản không nhỏ về vốn đầu tư máy móc của nhà máy chế biến. Anh nhớ lại: “Những mẻ trái cây sấy đầu tiên đưa vào sản xuất, sản phẩm không đạt chuẩn là tôi sẵn sàng đổ bỏ. Tôi chấp nhận lỗ vốn chứ quyết tâm không bán rẻ các sản phẩm chưa ngon ra thị trường vì nhận thức rất rõ chất lượng mới là căn cơ tạo nên uy tín doanh nghiệp”.

Thực tế cho thấy, áp lực cạnh tranh trên thị trường dòng sản phẩm trái cây chế biến ngày càng khốc liệt khi Việt Nam bước vào “sân chơi” quốc tế. Mỗi năm, anh Hưng luôn chú trọng đầu tư đổi mới mẫu mã, nâng cấp chất lượng cũng như không ngừng đa dạng các sản phẩm chế biến. Đây chính là điều khiến anh tự tin mua thêm nhà máy chế biến trái cây sấy của một doanh nghiệp gặp khó khăn bỏ nghề để mở rộng quy mô sản xuất ngay trong giai đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo anh Hưng, anh chọn đi nước cờ mạo hiểm này do đánh giá tiềm năng của thị trường trái cây chế biến còn rất lớn. Ngoài thị trường trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, anh đang làm việc với một số đối tác chuyên xuất khẩu vào các thị trường khó tính hơn như châu Âu, Trung Đông... Để có chỗ đứng tại những thị trường khó tính trên, Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát không chỉ đang trong quá trình đầu tư mới, chuẩn hóa lại công nghệ chế biến theo quy mô lớn, hiện đại hơn mà còn quan tâm xây dựng chuỗi liên kết đảm bảo từ khâu trồng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều